Thủ tướng dự hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Cà Mau

Sáng 9/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và phát biểu tại hội nghị Công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tại hội nghị, Cà Mau sẽ giới thiệu các tiềm năng, thế mạnh, cơ hội, dự án đầu tư vào tỉnh; công bố quyết định phê duyệt và báo cáo các nội dung cơ bản của quy hoạch tỉnh Cà Mau; trao chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, trao chủ trương tiếp cận, nghiên cứu, khảo sát dự án trên địa bàn tỉnh…

Đồng thời lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương có ý kiến, gợi mở về định hướng phát triển, các giải pháp thúc đẩy hợp tác, tăng cường thu hút đầu tư trên địa bàn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu dự hội nghị. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu dự hội nghị. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Phát biểu khai mạc, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Tiến Hải cho rằng, việc tổ chức hội nghị sẽ tạo điều kiện cho tỉnh, các nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân nắm được các nội dung cơ bản, cốt lõi của quy hoạch, từ đó thống nhất cao trong nhận thức và hành động để triển khai thực hiện quyết liệt.

Bên cạnh đó tạo ra nguồn lực mới, không gian mới, cơ hội phát triển mới, giúp cho tỉnh Cà Mau "cất cánh", trở thành một cực tăng trưởng của vùng ĐBSCL và xứng tầm là vùng địa đầu cực Nam của Tổ quốc.

"Tôi mong rằng, thông qua hội nghị này, sẽ có thêm nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế quan tâm, lựa chọn và quyết định đầu tư tại tỉnh Cà Mau, vì lợi ích của nhà đầu tư, doanh nghiệp, đồng thời góp phần vào sự phát triển của tỉnh Cà Mau nói riêng, vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước nói chung", ông Hải nói và cam kết sẽ làm hết sức mình để hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong quá trình hoạt động kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Theo ông Hải, Cà Mau có vị trí địa lý rất đặc biệt mà không địa phương nào có được, là vùng đất điểm đầu cực Nam của Tổ quốc, nằm ở trung tâm vùng biển các nước Đông Nam Á...

Là tỉnh duy nhất Việt Nam 3 mặt giáp biển, với chiều dài bờ biển 254 km, Cà Mau có ngư trường rộng lớn khoảng 80.000 km2, nguồn lợi thủy hải sản phong phú, có khu vực nuôi trồng thủy sản diện tích hơn 300.000 ha, sản lượng tôm lớn nhất nước, kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD/năm, chủ yếu là xuất khẩu thủy sản...

Tỉnh có địa hình thấp và bằng phẳng, vùng biển rộng, với 3 cụm đảo gần bờ (Hòn Khoai, Hòn Chuối, Hòn Đá Bạc), nhất là cụm đảo Hòn Khoai nằm rất gần với đường hàng hải quốc tế, có nhiều nắng và gió, Cà Mau có tiềm năng, lợi thế lớn để phát triển năng lượng tái tạo, cảng biển tổng hợp.

Với độ che phủ rừng của 2 hệ sinh thái rừng mặn và ngọt, lớn nhất khu vực ĐBSCL; có 2 vườn quốc gia, có khu Ramsa, Khu du lịch quốc gia Mũi Cà Mau, cùng với truyền thống lịch sử cách mạng và những lễ hội truyền thống dân gian đặc sắc, tỉnh Cà Mau hội tụ được nhiều giá trị, tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch sinh thái, du lịch biển, đảo, du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng…

Bí thư tỉnh Cà Mau cho rằng, mặc dù tỉnh có vị trí địa lý thuận lợi nhưng còn nhiều khó khăn trong khu vực ĐBSCL, do ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, sạt lở, sụt lún đất, cách xa các trung tâm kinh tế lớn, hạ tầng giao thông kết nối yếu kém...

Ông Nguyễn Tiến Hải, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Ông Nguyễn Tiến Hải, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Đặc biệt, Cà Mau là tỉnh duy nhất trong khu vực không có nguồn nước ngọt bổ sung từ sông Mekong. Vì thế, đây là những điểm nghẽn ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Cà Mau trong thời gian qua.

Bí thư Nguyễn Tiến Hải khẳng định, với những khó khăn nội tại, Cà Mau luôn nỗ lực thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, đẩy mạnh cải cách hành chính tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, thông thoáng để tăng cường thu hút đầu tư, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm mục tiêu thực hiện.

Đồng thời tạo chuyển biến tích cực không chỉ ở những chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra mà chuyển biến cả ở tinh thần làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong cả hệ thống chính trị, bước đầu được người dân, doanh nghiệp đánh giá cao.

Cùng với đó, khai thác hiệu quả các trục tăng trưởng, hành lang kinh tế của tỉnh trong phát triển thương mại và dịch vụ logistic gắn với các chuỗi cung ứng; tăng cường liên kết, hợp tác giao thương, trung chuyển, kết nối thị trường hàng hóa của Cà Mau với cả vùng ĐBSCL và TP.HCM.

Trong đó, phấn đấu đến năm 2030, Cà Mau trở thành tỉnh phát triển khá của vùng ĐBSCL.

Hoàng Thọ

Nguồn VTC: https://vtc.vn/thu-tuong-du-hoi-nghi-cong-bo-quy-hoach-va-xuc-tien-dau-tu-tinh-ca-mau-ar839568.html