Thủ tướng Phạm Minh Chính: Đẩy mạnh tự chủ giáo dục đại học trên tinh thần 'không cầu toàn nhưng cũng không nóng vội'

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu thời gian tới, đẩy mạnh tự chủ giáo dục đại học trên tinh thần 'không cầu toàn nhưng cũng không nóng vội' với cách làm bài bản, khoa học, phù hợp với lộ trình cụ thể, rõ ràng để các cơ sở giáo dục tự chủ về chuyên môn, kinh phí nhưng bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước.

Đó là nhấn mạnh của Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2022-2023 và chuẩn bị cho năm học mới 2023-2024 vào chiều ngày 18.8.

Hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2022-2023 và chuẩn bị cho năm học mới 2023-2024

Hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2022-2023 và chuẩn bị cho năm học mới 2023-2024

Quan điểm, nhận thức về tự chủ đại học học chưa thống nhất

Trong báo cáo tổng kết năm học 2022-2023 và chuẩn bị cho năm học mới 2023-2024, Bộ GD-ĐT nhận định: Khi thực hiện tự chủ, các cơ sở giáo dục đại học ngày càng chủ động hơn trong việc quyết định hướng nghiên cứu và tham gia các nhiệm vụ khoa học công nghệ.

Số lượng các cơ sở giáo dục đại học được kiểm định ngày càng tăng. Tính đến ngày 30.6.2023, theo tiêu chuẩn trong nước, có 264 cơ sở đào tạo hoàn thành báo cáo tự đánh giá chu kỳ 1 (trong đó, có 242 cơ sở giáo dục đại học và 22 trường Cao đẳng sư phạm) và 84 cơ sở GDĐH hoàn thành tự đánh giá chu kỳ 2; 183 cơ sở GDĐH và 12 trường cao đẳng sư phạm được các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục trong nước công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục; 1.206 chương trình đào tạo hoàn thành báo cáo tự đánh giá (trong đó có 997 chương trình đào tạo được đánh giá ngoài) và 849 chương trình đào tạo được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục theo bộ tiêu chuẩn Bộ GDĐT ban hành.

Theo tiêu chuẩn nước ngoài, có 09 cơ sở giáo dục đại học được đánh giá ngoài và được công nhận theo tiêu chuẩn đánh giá cơ sở giáo dục của Hội đồng Cấp cao về Đánh giá nghiên cứu và GDĐH Pháp (HCERES) và AUN-QA; 393 chương trình đào tạo được đánh giá và công nhận bởi 10 tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài có uy tín. Bộ tiêu chuẩn được xây dựng theo hướng tiếp cận với tiêu chuẩn đánh giá chương trình đào tạo của Mạng lưới bảo đảm chất lượng các trường đại học ASEAN.

Tuy nhiên, trong việc thực hiện tự chủ đại học, Bộ GD-ĐT cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế. Cụ thể, hiện nay chưa có sự thống nhất về một số nội dung liên quan giữa Luật Giáo dục đại học với một số văn bản luật khác như: Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức, Luật Ngân sách nhà nước, Luật đầu tư, Luật đầu tư công, Luật đấu thầu, Luật xây dựng, Luật sử dụng tài sản công… dẫn đến những khó khăn, vướng mắc cho các trường đại học trong quá trình thực hiện đẩy mạnh tự chủ theo Luật Giáo dục Đại học nhưng vẫn phải tuân thủ, thực hiện các Luật liên quan.

Hơn nữa, một số quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các Bộ, ngành liên quan cũng tạo ra các rào cản cho quá trình tự chủ của cơ sở giáo dục đại học. Phương thức quản lý của cơ quan cấp trên hiện vẫn chưa kịp thời thay đổi, quản lý nhà nước theo quan điểm tự chủ còn hạn chế.

Nguyên nhân là do quan điểm, nhận thức về tự chủ đại học học chưa thống nhất và phù hợp; phương pháp, cách thức tổ chức thực hiện còn nặng về hành chính; chưa ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin nhằm đẩy mạnh trách nhiệm giải trình; chưa thường xuyên cập nhật thông tin báo cáo và thực hiện công khai.

Một số cơ sở gíao dục đại học vẫn chưa quan tâm và chú trọng xây dựng hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong nhà trường do nhận thức chưa đầy đủ về vai trò của hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong, chưa chú trọng đến công tác tuyển dụng, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên, thiếu nguồn lực để đầu tư phát triển cơ sở vật chất.

Để tiếp tục đẩy mạnh triển khai tự chủ đại học hiệu quả, đi vào thực chất, Bộ GDĐT cho biết, đã xây dựng dự thảo Chỉ thị đẩy mạnh tự chủ đại học ở Việt Nam và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành để chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các cơ sở giáo dục đại học, tập trung triển khai một số nhiệm vụ cụ thể để tháo gỡ, khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện tự chủ đại học.

Tự chủ đại học vừa làm vừa rút kinh nghiệm, không nóng vội

Tại hội nghị, nói về vấn đề tự chủ đại học, Thủ tướng cho biết, những kết quả đạt được là rất cơ bản nhưng cũng còn nhiều tồn tại, hạn chế chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận để cùng nhau tập trung khắc phục trong thời gian tới.

Công tác hoàn thiện thể chế tạo hành lang pháp lý cho đổi mới GD-ĐT triển khai còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển thực tế của giáo dục trong nước và xu hướng hội nhập quốc tế, nhất là đối với tự chủ đại học.

"Phải vừa làm, vừa rút kinh nghiệm. Tự chủ là đúng nhưng các cơ chế cho tự chủ còn phải nghiên cứu, quan trọng là tư duy, phương pháp luận... Các trường đại học phải đề xuất" - Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng yêu cầu thời gian tới, đẩy mạnh tự chủ giáo dục trêntinh thần “không cầu toàn nhưng cũng không nóng vội” với cách làm bài bản, khoa học, phù hợp với lộ trình cụ thể, rõ ràngđể các cơ sở giáo dụctự chủ về chuyên môn, kinh phí nhưng bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023 và triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023 và triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024

Thủ tướng cho rằng, đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta; là vấn đề đặc biệt quan trọng, phức tạp, nhạy cảm, có phạm vi tác động lớn nên cần đổi mới những vấn đề lớn, cốt lõi, cấp thiết, từ quan điểm, tư tưởng chỉ đạo đến mục tiêu, nội dung, phương pháp, cơ chế, chính sách, điều kiện bảo đảm thực hiện.

Thủ tướng nhấn mạnh: Phát triển GDĐT phải gắn với nhu cầu phát triển KTXH và bảo vệ Tổ quốc; với tiến bộ KHCN; phù hợp quy luật khách quan; huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự chủ động, sáng tạo của Nhân dân và toàn xã hội. Các cơ chế, chính sách về GDĐT phải bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo.

Trong quá trình đổi mới, cần kế thừa, phát huy những thành tựu, phát triển những nhân tố mới, tiếp thu có chọn lọc những kinh nghiệm của thế giới phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh Việt Nam; kiên quyết chấn chỉnh những nhận thức, việc làm lệch lạc trong giáo dục và đào tạo.

Đổi mới phải bảo đảm tính hệ thống, tầm nhìn dài hạn, phù hợp với từng loại đối tượng và cấp học; các giải pháp phải đồng bộ, khả thi, có trọng tâm, trọng điểm, lộ trình, bước đi phù hợp. Công tác xây dựng và triển khai kế hoạch đổi mới giáo dục đào tạo phải được thực hiện khoa học, bài bản, kĩ lưỡng, bảo đảm tính khả thi, sát thực tiễn.

Bình An

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/giao-duc--y-te1/thu-tuong-pham-minh-chinh-day-manh-tu-chu-giao-duc-dai-hoc-tren-tinh-than-khong-cau-toan-nhung-cung-khong-nong-voi-i340504/