Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Lý Cường tham quan Triển lãm sản phẩm nông nghiệp đặc sắc của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc

Chiều tối 13/10, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đã cùng tham quan trưng bày các sản phẩm nông nghiệp đặc sắc Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc.

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Quốc vụ viện nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Lý Cường tại Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đã tham quan trưng bày một số sản phẩm nông nghiệp đặc sắc của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc như: yến sào, sầu riêng, dừa tươi, chuối, cà phê, sữa… Đây là những mặt hàng nông sản tiêu biểu Việt Nam xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Lý Cường tham quan Triển lãm sản phẩm nông nghiệp đặc sắc của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Lý Cường tham quan Triển lãm sản phẩm nông nghiệp đặc sắc của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Triển lãm Sản phẩm nông nghiệp đặc sắc của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc do Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Bộ, cơ quan, địa phương liên quan tổ chức.

Khu triển lãm có sự tham gia của 16 doanh nghiệp Việt Nam, giới thiệu trên 50 nhóm sản phẩm chất lượng cao từ ba miền đất nước. Qua khảo sát, đánh giá, cho thấy những sản phẩm này rất phù hợp với nhu cầu, thị hiếu và yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm của thị trường Trung Quốc.

Khu triển lãm cũng giới thiệu những sản phẩm có nhiều tiềm năng cung ứng tốt cho thị trường Trung Quốc, mới được mở cửa thị trường như dừa tươi, sầu riêng cấp đông.

Ngoài ra, còn nhiều sản phẩm có triển vọng cung ứng mà thị trường Trung Quốc có nhu cầu cao như các loại trái cây.

Triển lãm có sự tham gia của 16 doanh nghiệp Việt Nam, giới thiệu trên 50 nhóm sản phẩm chất lượng cao từ 3 miền đất nước (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Triển lãm có sự tham gia của 16 doanh nghiệp Việt Nam, giới thiệu trên 50 nhóm sản phẩm chất lượng cao từ 3 miền đất nước (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Các doanh nghiệp Việt Nam tham gia Khu Triển lãm là những doanh nghiệp năng động trong ngành nông sản, thực phẩm: Công ty CP Tập đoàn PAN, Tập đoàn TH (Công ty CP chuỗi thực phẩm TH), Công ty TNHH Nhà nước MTV Yến Sào Khánh Hòa, Công ty CP Thực phẩm Dinh dưỡng Nutifood Bình Dương, Công ty CP Dinh dưỡng AVANEST Việt Nam, Công ty CP Phong Hải Lào Cai, Tập đoàn Trung Nguyen Legend, Công ty CP Ameii Việt Nam, Công ty CP Nông nghiệp Quốc tế Hoa Việt, Công ty CP Dinh dưỡng Nutricare, Công ty CP Thành Thành Công - Biên Hòa, Công ty CP Tập đoàn Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, Công ty CP Phân bón Vĩnh Phát, Công ty CP Tập đoàn Visimex, Công ty CP Xuất nhập khẩu nông sản thực phẩm Việt Nam, Công ty CP Banana Brothers Farm.

Hai Thủ tướng tham quan và nghe giới thiệu về những mặt hàng nông sản tiêu biểu Việt Nam xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Hai Thủ tướng tham quan và nghe giới thiệu về những mặt hàng nông sản tiêu biểu Việt Nam xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Trước đó, tại Hội đàm trong sáng cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Trung Quốc tiếp tục mở cửa thị trường cho nông sản chất lượng cao của Việt Nam như hoa quả có múi, bưởi, bơ, na, roi, dược liệu đông y có nguồn gốc thực vật, thịt trâu, thịt bò, thịt lợn, sản phẩm từ thịt gia súc, gia cầm, tôm hùm bông nuôi trồng của Việt Nam. Thủ tướng Lý Cường cho biết, Trung Quốc sẽ tiếp tục mở cửa hơn nữa thị trường cho hàng hóa Việt Nam, nhất là nông thủy sản, hoa quả chất lượng cao của Việt Nam.

Trung Quốc luôn được xác định là thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản lớn và quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Trong 9 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản sang Trung Quốc đạt 9,26 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 3,4 tỷ USD, tăng 36% so với cùng kỳ năm 2023.

Với kết quả này, Trung Quốc tiếp tục là thị trường xuất khẩu của rau quả Việt Nam trong 9 tháng qua. Mặc dù vậy, xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam sang Trung Quốc còn nhiều dư địa.

Trong làn điệu đằm thắm, mượt mà của bài quan họ "Mời nước mời trầu", các nghệ sĩ Quan họ Bắc Ninh đã giới thiệu và mời hai Thủ tướng, các đoàn viên "trầu cánh phượng" (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Trong làn điệu đằm thắm, mượt mà của bài quan họ "Mời nước mời trầu", các nghệ sĩ Quan họ Bắc Ninh đã giới thiệu và mời hai Thủ tướng, các đoàn viên "trầu cánh phượng" (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Cũng trong chiều 13/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đã cùng thưởng lãm dân ca Quan họ Bắc Ninh, tranh dân gian Đông Hồ.

Trong làn điệu đằm thắm, mượt mà của bài quan họ "Mời nước mời trầu", các nghệ sĩ Quan họ Bắc Ninh đã giới thiệu và mời hai Thủ tướng, các đoàn viên "trầu cánh phượng".

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Lý Cường cùng thưởng lãm dân ca Quan họ Bắc Ninh (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Lý Cường cùng thưởng lãm dân ca Quan họ Bắc Ninh (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Trong kho tàng văn hóa dân gian việt Nam, dân ca Quan họ Bắc Ninh là một trong những loại hình dân ca tiêu biểu nhất. Đây là những làn điệu dân ca của vùng Đồng bằng Bắc Bộ, tập trung chủ yếu ở vùng Kinh Bắc (Bắc Ninh và Bắc Giang).

Quan họ là hình thức hát đối đáp giữa nam và nữ để biểu lộ tâm tình, ca tụng tình yêu thông qua những câu ca mộc mạc, đằm thắm. Năm 2009, dân ca Quan họ Bắc Ninh chính thức được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Hai Thủ tướng thưởng lãm các bước làm tranh Đông Hồ truyền thống của Việt Nam (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Hai Thủ tướng thưởng lãm các bước làm tranh Đông Hồ truyền thống của Việt Nam (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Tiếp đó, hai Thủ tướng đã thưởng lãm các bước làm tranh Đông Hồ truyền thống của Việt Nam do các nghệ nhân Đông Hồ trình diễn.

Sau khi chứng kiến và tìm hiểu thêm về kỹ thuật in tranh, ý nghĩa, giá trị nghệ thuật của tranh Đông Hồ, hai Thủ tướng trực tiếp trải nghiệm in tranh theo cách của các nghệ nhân Đông Hồ đã trình diễn, với bức tranh "Cưỡi trâu thổi sáo", một trong những khung cảnh đặc trưng, truyền thống, mô tả cảnh thanh bình của miền quê Việt Nam.

Hai Thủ tướng trực tiếp trải nghiệm in tranh theo cách của các nghệ nhân Đông Hồ (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Hai Thủ tướng trực tiếp trải nghiệm in tranh theo cách của các nghệ nhân Đông Hồ (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Bức tranh "Cưỡi trâu thổi sáo", một trong những khung cảnh đặc trưng, truyền thống, mô tả cảnh thanh bình của miền quê Việt Nam (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Bức tranh "Cưỡi trâu thổi sáo", một trong những khung cảnh đặc trưng, truyền thống, mô tả cảnh thanh bình của miền quê Việt Nam (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Tranh Đông Hồ, hay tên đầy đủ là tranh khắc gỗ dân gian Đông Hồ là dòng tranh dân gian Việt Nam, xuất xứ từ làng Đông Hồ ở phường Song Hồ, thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Trước đây, tranh được bán ra chủ yếu phục vụ cho dịp Tết Nguyên đán.

Với giá trị cao về mặt lịch sử, văn hóa, khoa học, nghề làm tranh dân gian Đông Hồ đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia; đang được tiến hành nghiên cứu, lập hồ sơ khoa học cho để đệ trình UNESCO đề nghị công nhận Di sản văn hóa phi vật thể.

An Chi

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/thu-tuong-pham-minh-chinh-va-thu-tuong-ly-cuong-tham-quan-trien-lam-san-pham-nong-nghiep-dac-sac-cua-viet-nam-xuat-khau-sang-trung-quoc-128153.htm