Thủ tướng phê duyệt đề xuất dự án nâng cấp hệ thống thủy lợi hơn 125 triệu USD tại Nam Định
Trong số 125,45 triệu USD tổng mức đầu tư dự kiến cho dự án có 94,66 triệu USD vốn vay từ Ngân hàng phát triển châu Á; 30,79 triệu USD vốn đối ứng ngân sách tỉnh Nam Định tự cân đối. Ngân sách trung ương cấp phát 70% vốn vay, cho tỉnh Nam Định vay lại 30%.
Chiều 4/7, thông tin tới Đại Đoàn Kết Online, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nam Định Trần Anh Dũng cho biết, cùng ngày Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã ký quyết định số 799/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt đề xuất Dự án “Nâng cấp hệ thống thủy lợi tỉnh Nam Định thích ứng biến đổi khí hậu”, vay vốn Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).
Đa mục tiêu
Theo văn bản quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Cơ quan chủ quản Dự án là UBND tỉnh Nam Định; nhà tài trợ vốn là ADB.
Mục tiêu tổng quát của Dự án: “Phát triển ngành nông nghiệp bền vững theo hướng nâng cao giá trị gia tăng để thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ trong Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; từng bước hoàn thiện hệ thống thủy nông Nam Ninh phục vụ phát triển kinh tế - xã hội cho các xã thuộc huyện Nam Trực, Trực Ninh, Nghĩa Hưng và một phần thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định; giảm thiểu thiệt hại do tác động của biến đổi khí hậu, ổn định sản xuất, nâng cao đời sống của nhân dân.
Mục tiêu cụ thể gồm: cải tạo, kiên cố hóa hệ thống kênh và các công trình trên kênh Châu Thành - Rõng dài khoảng 34,6 km, tỉnh Nam Định đảm bảo tưới cho cho 6.090 ha của 17 xã thuộc huyện Nam Trực, 2 xã thuộc thành phố Nam Định.
Xây dựng mới trạm bơm Rõng đảm bảo tiêu úng cho 16.282,97 ha diện tích lưu vực tiêu Rõng 1, Rõng 2 và lưu vực tiêu phía Đông Nam thuộc hệ thống thủy nông Nam Ninh bằng giải pháp tiêu động lực với tổng lưu lượng tiêu khoảng 115 m3/s kết hợp tiêu tự chảy.
Cải tạo, nâng cấp kênh Ninh Hải, huyện Nghĩa Hưng với chiều dài 10,55 km và 9 cống dưới đê bảo đảm tưới cho khoảng 3.312 ha và tiêu cho khoảng 3.832 ha diện tích đất canh tác và phục vụ dân sinh trên địa bàn huyện Nghĩa Hưng.
Củng cố, nâng cấp kênh Cổ Lễ - Bà Nữ - Cát Chử - Thống Nhất thuộc hệ thống thủy nông Nam Ninh, tỉnh Nam Định, dài khoảng 34,4 km đảm bảo chủ động lấy nước tưới, tiêu kết hợp cho 4.707,37 ha đất canh tác của vùng dự án, giảm xâm nhập mặn, thau chua rửa mặn, hạn chế xói lở, bồi lòng dẫn, tăng khả năng thoát lũ cho hệ thống, hạn chế thiệt hại do lũ, cấp nước sinh hoạt cho khoảng 130.000 dân.
Tăng cường năng lực đánh giá, phân tích rủi ro thiên tai và sẵn sàng ứng phó với hiểm họa do biến đổi khí hậu thông qua việc tăng cường năng lực giám sát biến đổi khí hậu, quan trắc khí tượng thủy văn, dự báo, cảnh báo, truyền tin về thiên tai và khí hậu cực đoan.
Kết quả chính dự kiến của Dự án gồm: Đảm bảo tiêu nước chủ động cho khoảng 24.822,34 ha đất tự nhiên, đất canh tác và các khu dân cư; tưới cho khoảng 14.109,37 ha vùng dự án; hệ thống kênh và các công trình trên kênh Châu Thành - Rõng được cải tạo và kiên cố hóa; Trạm bơm Rõng được xây dựng mới; Kênh Ninh Hải và 09 cống dưới đê được cải tạo, nâng cấp; Kênh Cổ Lễ - Bà Nữ - Cát Chử - Thống Nhất thuộc hệ thống thủy nông Nam Ninh được nâng cấp; đảm bảo an toàn phòng chống lụt bão, hạn chế ảnh hưởng của xâm nhập mặn, tiêu úng chủ động cho vùng đồng bằng ven biển thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng; đảm bảo an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống, thích ứng biến đổi khí hậu.
Tổng mức đầu tư 125,45 triệu USD, vay ADP 94,66 triệu USD
Cũng theo văn bản quyết định, tổng mức đầu tư Dự án dự kiến là 2.963,65 tỷ đồng (tương đương 125,45 triệu USD). Trong đó vốn vay OCR (nguồn vốn thông thường) của ADB: 94,66 triệu USD (tương đương 2.236,37 tỷ đồng); vốn đối ứng 727,28 tỷ đồng (tương đương 30,79 triệu USD).
Về cơ chế tài chính trong nước: Ngân sách trung ương cấp phát 70% vốn vay ADB, tỉnh Nam Định vay lại 30%; phần vốn đối ứng ngân sách tỉnh Nam Định tự cân đối, bố trí.
Theo quyết định, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về tính chính xác của thông tin, số liệu báo cáo, sự phù hợp với quy định của pháp luật đối với kiến nghị tại các văn bản nêu trên; thông báo với ADB về Đề xuất Dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
UBND tỉnh Nam Định tiếp thu ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan tại văn bản nêu trên, phối hợp với ADB lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án làm căn cứ triển khai các bước tiếp theo theo quy định.