Thú vị những lớp học 'chạy' đón đầu kỳ thi tốt nghiệp THPT

Chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp THPT theo chương trình mới, nhiều trường học tại TP.HCM đã tổ chức lớp học 'chạy' với 2 môn tự chọn.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 được tổ chức theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 với 4 môn, gồm 2 môn tự chọn và 2 môn bắt buộc. Trong đó, 2 môn bắt buộc là ngữ Văn, Toán; 2 môn tự chọn nằm trong 9 môn, gồm: Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ.

Để đáp ứng hết nhu cầu của HS về 2 môn tự chọn thi tốt nghiệp, các trường thường tổ chức các lớp học "chạy" vào buổi chiều. Nghĩa là các em không học cố định ở một lớp mà có thể di chuyển qua lớp khác học môn đã chọn thi tốt nghiệp.

Sáng học một lớp, chiều học một lớp

Tại trường THPT Võ Trường Toản (quận 12), để đáp ứng hết nhu cầu của HS về 2 môn tự chọn thi tốt nghiệp, nhà trường đã tổ chức các lớp học "chạy" vào buổi chiều.

Đây là năm đầu tiên Trường THPT Võ Trường Toản tổ chức lớp học “chạy” cho HS khối 12, thực hiện ở buổi 2 với 2 môn tự chọn trong số nhiều môn.

Tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT theo chương trình mới, Tào Gia Hân, học sinh (HS) lớp 12 Trường THPT Võ Trường Toản (quận 12) chọn môn tiếng Anh, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật ngoài 2 môn bắt buộc.

 Lớp học "chạy" môn Địa Lý tại Trường THPT Võ Trường Toản, quận 12. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Lớp học "chạy" môn Địa Lý tại Trường THPT Võ Trường Toản, quận 12. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

“Buổi sáng, em học lớp chính khóa bình thường. Buổi chiều, em và các bạn sẽ di chuyển qua lớp khác để học môn đã chọn thi tốt nghiệp. Chiều thứ 2, em học Giáo dục kinh tế và pháp luật còn thứ 4 là môn tiếng Anh. Các lớp này tập trung HS của nhiều lớp chính khóa vào buổi sáng” - Hân chia sẻ thêm.

Với lớp học “chạy”, Gia Hân được thay đổi không gian lớp học, học môn mình thích nên thú vị hơn. Sĩ số ít hơn lớp buổi sáng, lại có thể mở rộng mối quan hệ bạn bè.

Bà Đỗ Thị Việt Phương, Phó hiệu trưởng Trường THPT Võ Trường Toản, cho biết trong dịp hè, trường cho HS đăng ký 2 môn tự chọn. Sở trường khác nhau nên mỗi em có sự chọn lựa không giống nhau. Vì thế, lớp học chính khóa buổi sáng, trường giữ nguyên, còn buổi 2 trường sắp xếp lại để các em được học đúng sở thích và năng lực.

Theo bà Phương, kết quả sau khi HS đăng ký, môn tiếng Anh được chọn nhiều nhất với 11 lớp, thứ nhì môn Vật lý với 9 lớp, Hóa học 5 lớp, Sinh học 2 lớp, Địa lý 2 lớp, Lịch sử 1 lớp, Giáo dục kinh tế và pháp luật 1 lớp và Tin học 1 lớp.

“Các lớp học “chạy” được tổ chức vào buổi chiều. Các em sẽ di chuyển đến các lớp có môn mình lựa chọn để học. HS có thể học với giáo viên dạy chính khóa hoặc với giáo viên khác” - bà Phương nói.

Năm học này, Trường THPT Thanh Đa (quận Bình Thạnh) cũng tổ chức mô hình lớp học “chạy” ở buổi 2.

Phan Thanh Kim Xuân, HS lớp 12 Trường THPT Thanh Đa chọn môn Lịch sử và Địa lý cho kỳ thi tốt nghiệp. Bởi Lịch sử là sở trường trong khi đó với môn Địa lý nếu xét Đại học theo tổ hợp Văn - Sử- Địa, điểm của em khá ổn.

“Em học theo lớp cố định vào buổi sáng, chiều em có một thời khóa biểu riêng, chạy sang các lớp có môn tự chọn mà mình đăng ký. Cụ thể, em sẽ học 2 môn này vào tiết 3, 4 chiều thứ 6” - Xuân nói.

 Học sinh lớp 12 Trường THPT Thanh Đa, quận Bình Thạnh trong 1 tiết học. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Học sinh lớp 12 Trường THPT Thanh Đa, quận Bình Thạnh trong 1 tiết học. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Nỗ lực vì học sinh

Tại Trường THPT Võ Trường Toản, bà Phương cho biết môn Tin học chỉ có 4 em chọn nhưng trường vẫn mở lớp để dạy. Một điều dễ nhận thấy, do được học môn mình thích nên các em rất hào hứng, giáo viên vì thế có động lực để dạy.

Trong khi đó, những năm trước, với chương trình cũ, các em chỉ xét tuyển khối A1 (Toán, Lý, Anh) nhưng phải thi hết cả Hóa, Sinh nên giờ học 2 môn trên chỉ mang tính đối phó, chống liệt.

Sau một thời gian triển khai, bà Phương nhìn nhận mô hình này là cần thiết tuy nhiên có một số vấn đề phải khắc phục. Ví dụ: Có nhiều HS trong lớp học chính khóa học giáo viên A nhưng đến lớp học chạy lại học giáo viên B. Như vậy giáo viên B sẽ không bám sát trình độ của HS để có cách dạy phù hợp. Vì vậy, việc chỉ đạo chuyên môn trong trường hợp này rất quan trọng để dù lớp học chính khóa hay lớp học “chạy” các em đều cảm thấy hứng khởi.

Theo bà Phương, khó nhất là việc xếp thời khóa biểu cho các lớp này vì sẽ kéo theo một số môn như Giáo dục thể chất, Tin học cũng phải "chạy". Ở 2 môn này, việc ghi điểm số vất vả hơn vì lớp học “chạy” có HS của nhiều lớp khác nhau.

Tương tự, ông Lê Hữu Hân, Hiệu trưởng Trường THPT Thanh Đa, cũng cho biết lớp học "chạy" được tăng tiết vào buổi 2.

 Thầy trò Trường THPT Hồ Thị Bi, Huyện Hóc Môn trong một giờ học. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Thầy trò Trường THPT Hồ Thị Bi, Huyện Hóc Môn trong một giờ học. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

“Hình thức này đã được các trường THPT tại TP.HCM thực hiện từ lâu tuy nhiên do không đáp ứng về cơ sở vật chất nên năm nay trường mới thực hiện cho môn tự chọn thi tốt nghiệp” - ông Hân nói.

Ông Hân thừa nhận năm đầu tiên triển khai lớp học “chạy” nên khâu quản lý phức tạp so với lớp truyền thống.

“Lớp học “chạy” sẽ có những môn HS không thể học với giáo viên dạy chính khóa buổi sáng, vừa thuận lợi vừa khó khăn. Nó là cơ hội để các em tiếp cận phương pháp dạy học mới nhưng cũng là cái khó khi giáo viên không nắm bắt được học lực của mỗi em để dạy phù hợp. Ngoài ra việc xếp thời khóa biểu cũng khá phức tạp để làm sao đáp ứng được nguyện vọng của từng em” - ông Hân nói.

Mô hình lớp học “chạy” cũng được Trường THPT Hồ Thị Bi, huyện Hóc Môn áp dụng trong năm học này vào buổi 2.

Đầu năm, trường cho HS chọn môn tự chọn. Tại trường, tiếng Anh vẫn là môn được HS chọn lựa nhiều nhất, sau đó là môn Vật lý, Hóa học, Sử, Địa. Các môn Công nghệ, Tin học dù ít em đăng ký nhưng trường vẫn mở lớp.

“Tại những lớp học này, do HS đăng ký nên các lớp sẽ có sĩ số ít hơn như vậy chất lượng dạy và học được đảm bảo” - ông Lê Thanh Tòng, Hiệu trưởng Trường THPT Hồ Thị Bi nói.

Việc cho HS đăng ký môn tự chọn ngay đầu năm học cũng được Trường THPT Nguyễn Trung Trực, quận Gò Vấp thực hiện.

Bà Nguyễn Thị Mai Thảo, phó hiệu trưởng nhà trường, cho hay sau khi HS đăng ký các môn, trường đã tổ chức xếp lại lớp vào buổi 2 để phù hợp nguyện vọng từng em.

Qua thống kê tổ hợp Toán, Văn, Lý, Anh; Toán, Văn, Lý, Hóa được HS chọn nhiều vì xét tuyển vào nhiều khối ngành khác nhau. Giáo dục kinh tế và pháp luật có HS chọn nhưng không nhiều trong khi đó môn Công nghệ và Tin học không có em nào chọn.

Giúp HS làm quen cấu trúc đề thi tốt nghiệp mới

Hiện tại, có nhiều trường học cũng đã tập dượt cho HS làm quen với cấu trúc đề thi tốt nghiệp theo chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Ông Lê Thanh Tòng, Hiệu trưởng Trường THPT Hồ Thị Bi, cho biết ngay sau khi Bộ GD&ĐT công bố cấu trúc đề cũng như đề thi minh họa, trong cụm chuyên môn đã tổ chức tập huấn cho các trường.

Sau đó, tổ trưởng các bộ môn cũng về tập huấn hướng dẫn, tổ chức cho HS làm quen. Sắp tới, các bài kiểm tra giữa kỳ, đề thi cuối kỳ sẽ thực hiện theo mẫu đề tham khảo của Bộ GD&ĐT.

Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trung Trực (quận Gò Vấp) cho hay không những HS khối 12 mà ngay cả HS khối 10, 11 cũng được thay đổi cách ra đề thi như Bộ GD&ĐT đã công bố để các em làm quen.

Tương tự, ông Võ Nu, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu, huyện Hóc Môn, cho biết đề kiểm tra giữa kỳ các môn Lý, Hóa, Sinh của trường sẽ thực hiện theo cấu trúc đề đã được Bộ GD&ĐT công bố. Việc này được thực hiện cho cả 3 khối. Riêng môn tiếng Anh, Toán sẽ thực hiện cho đợt kiểm tra cuối kỳ và chỉ dành cho khối 12.

NGUYỄN QUYÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/thu-vi-nhung-lop-hoc-chay-don-dau-ky-thi-tot-nghiep-thpt-post816787.html