Thư viện miễn phí cho những người yêu sách

Với niềm đam mê đọc sách, ông Phạm Thế Cường (quận Gò Vấp) tự bỏ tiền túi ra thành lập thư viện miễn phí để phục vụ cộng đồng. Thư viện mở cửa mỗi tuần bốn buổi thứ hai, tư, sáu và chủ nhật, là điểm đến quen thuộc của các em thiếu nhi trong xóm, nhất là trong những ngày hè. Ðến đây, mọi người có thể tự do đọc hoặc mượn sách. Với những sinh viên đang làm luận văn, hoặc có nhu cầu trong học tập sẽ được ông Cường giúp đỡ nhiệt tình.

“Tôi thấy số lượng người đọc ngày càng ít. Tôi xây dựng thư viện theo cách nuôi dưỡng rồi đi theo lũ trẻ từ lớp 1, 2 cho đến lớn. Trước thì các cháu đến đông chứ nay có ngày không có cháu nào tới. Ðứa ngoan, cha mẹ chở tới đổi sách mang về. Số cháu đọc tại chỗ, thì học sinh THPT tới chỉ bằng nửa trước đây. Nhóm sinh viên thì cả tháng trung bình chỉ khoảng một, hai lần đến mượn. Vì thế, nhiều ngày vẫn phục vụ nhưng đóng cửa; ai cần thì bấm chuông”, ông Cường mở đầu câu chuyện...

Ấn tượng ban đầu khi tới thư viện là toàn bộ phòng khách tầng trệt có diện tích 42 m2 đã được ông Cường biến phòng đọc với các kệ sách chủ yếu dành cho thiếu nhi. Chồng lập thư viện, vợ làm thủ thư. Nhưng để bạn đọc, nhất là các em nhỏ học cách ứng xử với sách vở, cách tìm nguồn kiến thức mình cần, ông Cường để sẵn một cuốn sổ đen to, dày để các em tự giác ghi vào đó, mình tìm đọc cuốn gì, mượn về cuốn gì. "Các cháu muốn mượn sách của thư viện không cần tiền thế chân mà chỉ cần làm một cái thẻ nhỏ, cũng là để tập cho các cháu tính trách nhiệm và trung thực. Tôi luôn nói với họ, thư viện này là của chung, của tất cả những ai đến đọc sách. Vì vậy tôi cũng bảo các cháu nếu có truyện, sách có thể đóng góp để thư viện ngày càng phong phú hơn", ông Cường chia sẻ. Tầng thượng trên lầu bốn là nơi ông để các cuốn sách hiếm, những cuốn ông thích đọc và hay đọc... Các kệ sách gỗ có, sắt có cao vài mét đều do tự tay ông Cường làm. Trong đó, cũ nhất là cuốn "Tắt lửa lòng" của Nguyễn Công Hoan in năm 1936; "Thanh đạm" in bằng giấy lụa năm 1942 có cả bút tích của tác giả Nguyễn Công Hoan và hàng trăm cuốn về cuộc chiến tranh Việt Nam...

Ðể xây dựng được một thư viện tư nhân với hàng chục nghìn cuốn sách, ông Cường đã sưu tầm sách từ nhiều nguồn như: mua sách tại các hội chợ sách giảm giá, NXB Kim Ðồng cũng tặng thư viện của ông hàng trăm đầu sách (mỗi đầu hai cuốn), một số nhà văn tặng, người dân thấy lợi ích của thư viện cho nên cũng mang sách tặng... Do vậy, thư viện tư nhân của ông Cường rất phong phú với nhiều chủng loại sách. Em Ðặng Ngọc Lan, học sinh lớp 5 kể: “Từ khi đến đọc sách ở thư viện bác Cường, con không còn sợ môn Văn nữa. Những câu chuyện trong những cuốn sách giúp con có một vốn từ vựng phong phú, từ đó con có thể vận dụng tốt trong các bài làm Văn. Ngoài ra, con còn tìm đọc những cuốn truyện tranh hay như Cô tiên Xanh, Thần đồng đất Việt giúp con hiểu được những giá trị trong cuộc sống”.

Gần 30 năm công tác ở bộ phận kỹ thuật trong quân đội (Công ty 32, Bộ Quốc phòng), ông Cường chia sẻ, năm 2008, sau khi về hưu, ông quyết định mở thư viện tư nhân với suy nghĩ "mình có nhiều sách, có thời gian và cả không gian thì tại sao không mở một thư viện để mọi người đều có thể đến đọc?". Mặt khác, với ông, sách chính là kiến thức của nhân loại nếu không phổ biến đến mọi người thì sẽ rất lãng phí. Quyết định của ông Cường được cả vợ và hai người con ủng hộ. Vậy là vào một ngày năm 2008, thư viện tư nhân phục vụ cộng đồng được thành lập. Và từ đó đến nay, thư viện nhỏ của ông đã lên đến 31.000 đầu sách đủ loại phục vụ từ trẻ em, thanh niên cho tới cụ về hưu. Mỗi tháng, tự tay ông đi chọn, mua gần 10 triệu đồng tiền sách để bổ sung. Ngoài ra, những người yêu sách ở khắp nơi khi biết việc ông làm cũng tặng thêm đầu sách. Nhiều người còn âm thầm gửi tặng qua bưu điện... Những quyển sách được ông xếp ngăn nắp, gọn gàng thuận tiện cho việc tìm kiếm theo từng chủ đề riêng.

Mô hình thư viện tư nhân miễn phí như của ông Cường đang ngày càng được nhân rộng trên khắp cả nước. Không chỉ lập thư viện miễn phí, ông Cường còn tổ chức nhiều hoạt động vui chơi, dã ngoại cũng hoàn toàn miễn phí cho các em thiếu nhi. Lúc là đi tham quan bảo tàng, khi là các công viên, dinh Thống Nhất… để các em có thể tìm hiểu thực tế, hiểu thêm về lịch sử và truyền thống của dân tộc.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/tphcm/item/40495402-thu-vien-mien-phi-cho-nhung-nguoi-yeu-sach.html