Thú vui ngày hè

Cánh diều tuổi thơ được làm từ khung tre, giấy báo, bao xi măng luôn là niềm đam mê của bao thế hệ trẻ nhỏ.

Trò ô ăn quan vẫn thường xuất hiện trong những ngày hè của trẻ
thôn quê, miền núi.

Sâu thẳm trong miền ký ức của nhiều người, mùa Hè luôn là quãng thời gian vui vẻ và đáng nhớ với bao trò chơi tuổi thơ thú vị. Theo thời gian và sự phát triển của xã hội, mùa Hè trong cuộc sống hiện đại đối với trẻ em đã có sự khác biệt rất rõ. Nhiều bậc cha mẹ trở thành cầu nối ký ức tuổi thơ của 20-30 năm trước với hiện tại, họ cảm nhận như thế nào từ sự khác biệt, để từ đó có thể mang đến cho con mình những ngày hè đáng nhớ, những ký ức tuổi thơ đong đầy niềm vui. Nhà văn Vũ Thị Huyền Trang - người mẹ của hai bạn nhỏ và cũng là chứng nhân đã đi qua những mùa hè tuổi thơ đáng nhớ từ hơn hai thập niên trước trò chuyện với Phú Thọ Cuối tuần chung quanh câu chuyện này.

PV: Xin chào nhà văn, mùa hè luôn là quãng thời gian tuyệt vời nhất của trẻ nhỏ khi tạm gác lại mối lo bài vở để tận hưởng các thú vui tuổi thơ. Chị có còn nhớ những trò chơi quen thuộc thời thơ ấu trong ngày hè của mình?
Nhà văn Vũ Thị Huyền Trang: Vào những năm 80, kinh tế còn khó khăn, việc học không quá căng thẳng nên trong ký ức của tôi, nghỉ hè là quãng thời gian tất cả tụi trẻ con tụ tập lại thành nhóm, chơi với nhau rất hồn nhiên, vui vẻ. Tất cả những trò mà chúng tôi chơi ngày ấy đều là chơi cùng nhau như: Trốn tìm, trồng nụ trồng hoa, rồng rắn lên mây, đánh khăng, đánh đáo, ô ăn quan, nhảy lò cò… Đồ ăn vặt lúc đó cũng rất đỗi bình dị như ngô rang, kẹo lạc, mấy đứa trong xóm còn rủ nhau gom lông gà vịt để đổi lấy kẹo mạch nha. Và điều quan trọng là sự khó khăn của những năm tháng trước kia không làm mất đi niềm vui của tuổi thơ và sự háo hức với mùa Hè.PV: Vâng, nghe chị kể cũng cảm nhận được những trò chơi ngày ấy mang tới niềm vui trọn vẹn cho con trẻ, chỉ đơn giản là được chơi và được vui chứ không quá lệ thuộc vào phương tiện, công nghệ như bây giờ? Nhà văn Vũ Thị Huyền Trang: Trẻ em ngày xưa nhìn thấy trò chơi ở xung quanh mình. Chúng được làm từ những loại vật liệu sẵn có, “cây nhà lá vườn”. Từ cuốn vở cũ, có thể làm ra một cánh diều, hái lá mít làm nghé ọ, từ vỏ hộp xà phòng có thể tạo thành một chiếc đèn trung thu lấp lánh. Trong khi đó, tôi nhận thấy với các bé hiện nay thì trại hè, đồ chơi, chương trình trên tivi, ipad đã làm đầy mùa Hè của các con rồi. Sau đó tôi nhìn lại tuổi thơ của mình cách đây mấy chục năm thì chắc chắn câu chuyện về những con diều giấy tự làm chưa bao giờ bay được tới ngọn cây hoặc thậm chí là bóng bay tự làm, nuôi ốc sên, ấp cho trứng thạch sùng nở, chăm chim con… Những trò chơi đó nếu là niềm vui thì chắc chắn cũng không hề cũ hoặc không ít hơn chút nào so với các bé của mùa Hè hiện đại. Cuộc sống bây giờ đã thay đổi. Thị trường đồ chơi trẻ em ngày càng phát triển đa dạng. Trẻ em ngày nay ít có cơ hội được trải nghiệm những trò chơi dân gian. Những trò chơi miễn phí, sáng tạo, đòi hỏi sự khéo léo và mang tính tập thể cao ấy, giờ trở nên xa lạ với trẻ em. Vì khi mới sinh ra ông bà, bố mẹ đã mua sẵn rất nhiều đồ chơi để “dỗ dành” bé. Đồ chơi được bày bán khắp nơi mà đi đâu trẻ cũng có thể nhìn thấy trong tầm mắt. PV: Theo chị, trong sự đủ đầy những trò chơi, dịch vụ vui chơi ngày hè, trẻ em ngày nay có còn thiếu điều gì khác?Nhà văn Vũ Thị Huyền Trang: Các con tôi rất háo hức mong chờ mỗi khi được bố mẹ đưa về quê để ra vườn tận mắt nhìn thấy tổ chim, những con bọ kèn, cào cào châu chấu, được theo anh chị hun dế, bắt chuồn chuồn… những điều mà thường trẻ chỉ nhìn thấy trên tivi, điện thoại. Theo tôi thứ trẻ thiếu thốn chính là thời gian bố mẹ dành cho các con. Chúng ta không bao giờ hoài cổ, không bắt các con sống lại những ngày hè của thời kỳ còn nhiều vất vả, nhưng cuộc sống hiện đại và sự bận rộn của bố mẹ có lẽ đang dần lấy đi bao nhiêu niềm vui của các con. Chỉ cần bố mẹ có thời gian thì sẽ có vô số nơi để cùng con khám phá như ở công viên, chạy bộ mỗi buổi sáng hoặc đi nhặt xác ve trong vườn vào mỗi buổi chiều,… thì niềm vui sẽ không bao giờ thiếu cho dù sống ở thành phố hay nông thôn. PV: Kinh tế khá giả, gia đình ít con, các bậc phụ huynh hiện nay thường lo ngại về những nguy hiểm, nguy cơ rình rập tới sự an toàn của con trẻ khi vui chơi ở bên ngoài. Chị nghĩ sao về điều này? Nhà văn Vũ Thị Huyền Trang: Tôi nghĩ rằng nguy cơ của trẻ ngoài xã hội luôn tồn tại. Hồi nhỏ, nguy cơ đến từ thiên nhiên lớn hơn là nguy cơ trong xã hội nhưng điều đó không có nghĩa là giữ con chặt trong phòng là con được an toàn. Việc cô lập trẻ sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng hơn như chứng tự kỷ, nghiện trò chơi điện tử... Làm cách nào đó chúng ta phải dạy con biết cách đối mặt với cuộc sống, dạy các con việc không sợ hãi với những con vật như gián, giun, ốc sên, sợ mưa, sợ con cuốn chiếu hay cách ứng xử khi gặp người lạ… Đôi khi cuộc sống đô thị đã làm mất năng lực sinh tồn của chúng ta, làm cho chúng ta luôn cảnh giác, lường trước tất cả mọi tình huống trong đời sống và dùng những chương trình truyền hình, những phần mềm dạy con học Tiếng Anh, học vẽ, dạy những trò chơi khoa giáo để rồi yên tâm là có thể chúng ta bận rộn nhưng vẫn cho con được những mùa Hè không bị trống rỗng… PV: Vậy chị đã làm cách nào để hiện thực hóa những điều tốt nhất cho các con vui chơi trong những ngày hè này?Nhà văn Vũ Thị Huyền Trang: Mùa Hè năm nay các con tôi được nuôi hai con cánh cam, các cháu được tự thay lá, hái cỏ để nuôi bọ và ít nhất là khi nhìn thấy hai con bọ thì tụi trẻ cũng phân biệt được sự khác biệt giữa cánh cam với các loại côn trùng khác. Vợ chồng tôi cũng rất thích làm vườn nên hàng tuần đều dành thời gian cùng các con trồng rau, phân biệt các loại lá cây, hoa quả trong vườn rồi cùng nhau thu hoạch và tự nấu bữa ăn ngay trong sân, thời gian đó đều trở thành những buổi học kỹ năng sống hấp dẫn của các con. Thậm chí gia đình tôi cũng luôn mở cửa để đón con cháu của bạn bè đến những ngày cuối tuần, để các con cùng chơi đùa, ăn uống, đi học các lớp năng khiếu với nhau nhằm giúp các con hòa đồng và tương tác nhiều hơn. PV: Xin cảm ơn chị về những chia sẻ trong cuộc trò chuyện!

Thu Giang (Thực hiện)

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/xa-hoi/202107/thu-vui-ngay-he-178027