Thú vui tinh thần

Những năm đầu học bậc trung học, tôi bắt đầu tập tành viết nhật ký. Thật ra lúc đó chỉ ghi chép vài hàng trong sổ tay sự việc xảy ra trong ngày để ghi nhớ. Lần hồi thấy ghi chép như vậy rất hữu ích nên viết dài hơn. Lúc ấy, sử dụng chữ nghĩa còn non lắm, câu văn chưa gọn gàng, nay đọc lại có chỗ rất buồn cười!

Viết nhật ký được xem như cách thư giãn. Không có áp lực gì để làm việc đó, dài ngắn ra sao cũng được. Tuy nhật ký có nghĩa là ghi vào sổ mỗi ngày nhưng thực tế lúc nào bận việc gác lại vài ba hôm cũng chẳng sao. Đây còn là phương thức rèn luyện cách hành văn rất hữu hiệu, có thể xem như thú vui tinh thần mang nhiều lợi ích thiết thực. Ngày trước, các loại hình giải trí rất ít, có thời gian rảnh rỗi sau giờ học tập viết nhật ký cho vui. Tôi có vài ba cuốn nhật ký dày cộm, mỗi khi xem lại dâng tràn bao cảm xúc, nghĩ lại sao hồi ấy mình siêng năng quá vậy!

Mỗi sự kiện quan trọng trong gia đình tôi đều tìm thấy trong nhật ký. Ngày cha tôi mất, tôi mới 12 tuổi. Tôi đã viết: “Những ngày sắp đến không biết sẽ ra sao nữa. Mẹ bệnh tật quanh năm, các em còn nhỏ dại, rồi gia đình sẽ ra sao?”. Năm ông ngoại mất tôi được 19 tuổi, tôi ở Sài Gòn về không kịp, việc chôn cất mới vừa xong. “Ngoại bỏ con cháu ra đi thật đột ngột, bệnh tình không trầm trọng nhưng không ngờ ông ra đi thật nhanh. Thương và nhớ ông thật nhiều qua những câu ru em!”. Ngày bà ngoại mất, tôi được 36 tuổi, qua biết bao sóng gió của cuộc đời, tôi chín chắn hơn trước rất nhiều. “Ngoại tôi là hình ảnh mẫu mực của một người mẹ, người bà thương yêu con cháu vô bờ bến. Con cò lặn lội bờ sông đã ra đi không bao giờ về nữa”.

Lúc gia đình tôi hồi hương về quê buồn lắm, làm xong công việc thời gian còn lại không biết làm gì nên viết nhật ký để giết thời giờ. Những năm ấy, đời sống bà con đều khó khăn như nhau, cái ăn cái mặc rất thiếu thốn. Kỳ lạ thay, con người vẫn sống lạc quan, tình làng nghĩa xóm thật đậm đà. Tôi cũng như bao người cố gắng làm việc trong điều kiện khó khăn lúc ấy. Trong cuộc sống có nhiều vui buồn chợt đến bất ngờ không lường trước.

Hồi nhỏ sống bên ngoại nên anh em chúng tôi thương mến ông bà ngoại. Sau này sống gần bà nội, chị em chúng tôi mới thấy bà tôi thương yêu con cháu có khác gì đâu. Nhớ lại ngày cha tôi mất, bà nghẹn lời trong tình cảnh lá vàng khóc lá xanh, nhìn đám cháu còn nhỏ dại rồi đây không biết tương lai sẽ như thế nào. Có sống qua trong hoàn cảnh đó, tôi rất thương các em mồ côi. Không có tình yêu thương nào ấm áp bằng tình yêu thương của cha mẹ. Thiếu người nuôi dưỡng và người dìu dắt vào đời là điều thiệt thòi rất lớn của một đứa trẻ!

Khi viết văn, mình còn hư cấu cho câu chuyện thêm sinh động, nói như ông bà xưa phải “thêm mắm thêm muối” mới hấp dẫn. Còn viết nhật ký phải giữ tính trung thực, có sao viết vậy. Nhật ký có tính cách riêng tư, thêu dệt làm chi cho mệt!

Mỗi ngày chỉ nhín chút thời gian ngắn ngủi để viết, không ngờ đó là “tác phẩm” của riêng mình không đụng hàng với ai cả. Giở lại từng trang để đọc, có biết bao bồi hồi xúc động khi những hình ảnh cũ như tái hiện trước mắt. Gia đình luôn là mái ấm tràn đầy yêu thương đôi khi rất thiêng liêng. Thời gian qua rồi có bao giờ trở lại. Hãy trân trọng cuộc sống và tâm niệm luôn sống đẹp khi ta được làm người.

TUẤN BA

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/van-hoa-the-thao/thu-vui-tinh-than-58086.html