Thưa đồng chí thanh tra, có phải cấp trên muốn chúng tôi báo cáo láo?
Hãy dành thời gian cho giáo viên chấm bài thật sự, giúp học trò thấy được, sửa được cái sai của mình. Điều đó quan trọng hơn bội phần việc báo cáo nhanh.
Dạy học có nhiều điều cắc cớ nhưng chẳng biết tỏ cùng ai. Cuộc họp chuẩn bị cho kỳ kiểm tra học kỳ I, thầy giáo Ng. lên tiếng phát biểu khi có mặt cả thanh tra phòng giáo dục:
“Kính thưa đồng chí thanh tra, kính thưa toàn thể hội đồng. Sáng nay chúng ta kiểm tra môn Văn, ngày mai chúng ta mới kết thúc kỳ kiểm tra.
Như vậy chúng ta chỉ có thời gian chấm bài đúng hai ngày; tính trung bình mỗi giáo viên văn, toán, anh chấm hơn 160 bài; chấm hai vòng vị chi mỗi giáo viên chấm 320 bài kiểm tra, tức khoảng 13 phòng thi.
Cho thời gian ráp phách, đối chiếu, vào điểm là làm thêm giờ đi. Ngày 8 tiếng, hai ngày 16 tiếng; như vậy là 960 phút, vị chi một bài chấm 3 phút.
Một bài 3 phút, chấm được không? Chấm được, nhưng chắc chắn không chính xác, chỉ cho đại điểm vào.
Vừa mới kiểm tra, bắt báo cáo điểm liền là cớ làm sao? Có phải cấp trên muốn chúng tôi báo cáo láo, báo cáo theo chỉ tiêu đăng ký cho đẹp mặt ngành không?”.
Có cần báo cáo kết quả gấp thế không?
Theo người viết, hoàn toàn không cần phải “nhanh nhẩu” như thế.
Lý do thứ nhất: Kiểm tra học kỳ I thường vào tuần 18, như vậy còn hẳn cả tuần 19 nữa; ngoài ra kết quả học kỳ I cũng không hề sử dụng để báo cáo lên cấp trên.
Lý do thứ hai: Việc thống kê kết quả học tập của học sinh giờ đây đã quá đơn giản, chỉ cần thao tác trên Vnedu là có ngay kết quả; vì thế không cần báo cáo chứ đừng nói là báo cáo sớm.
Lý do thứ ba: Khoảng thời gian không đủ thực tế để chấm bài, buộc giáo viên phải báo cáo láo, tạo thói quen không tốt cho cả hệ thống “làm láo báo cáo … nhanh”.
Tâm sự của thầy giáo Ng., chắc giáo viên ai cũng “lăn tăn” trong những ngày này, người dám nói, người im lặng; ừ thì thích khoan múa khoan, thích nhặt múa nhặt, có sao đâu.
Chấm bài kiểm tra, ngoài lấy điểm học kì, còn nhiệm vụ khác quan trọng hơn, đó là giúp học trò thấy được lỗi sai trong bài của mình, nhận thức của mình.
Báo cáo chậm cũng bị “trừ điểm thi đua”, dám chắc phần lớn bài học kỳ chỉ chấm một vòng, làm sao có vòng hai được; vì thế có cần quy định “cắt phách, chấm hai vòng” trong các bài kiểm tra học kỳ?
Xin đừng bắt báo cáo vội, hãy dành thời gian cho giáo viên chấm bài thật sự; giúp học trò thấy được, sửa được cái sai của mình; điều đó quan trọng hơn bội phần báo cáo nhanh.