Thừa Thiên Huế đề xuất đầu tư hạ tầng du lịch - dịch vụ theo hình thức hợp tác công tư

Ngày 29/8 tại thành phố Huế, Viện nghiên cứu phát triển Thừa Thiên Huế tổ chức hội thảo 'Hợp tác công tư trong phát triển hạ tầng du lịch và dịch vụ - Kinh nghiệm thế giới và đề xuất cho tỉnh Thừa Thiên Huế'.

Hội thảo Hợp tác công tư trong phát triển hạ tầng du lịch và dịch vụ thu hút nhiều bộ, ngành, chuyên gia

Hội thảo Hợp tác công tư trong phát triển hạ tầng du lịch và dịch vụ thu hút nhiều bộ, ngành, chuyên gia

Mục tiêu của hội thảo nhằm giới thiệu và chia sẻ kinh nghiệm các mô hình đầu tư công tư hiện nay trên thế giới đóng góp cho phát triển kinh tế xã hội các địa phương, mô hình đang triển khai tại Việt Nam và cơ hội đầu tư công tư của Thừa Thiên Huế.

Tại hội thảo, đại diện Cục Quản lý Đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) giới thiệu về Khung pháp lý tại Việt Nam về đầu tư theo hình thức đối tác công tư; Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương giới thiệu về các mô hình phát triển dự án đối tác công tư và hình thức hợp đồng dự án; Tư vấn Ernst and Young Hongkong chia sẻ những kinh nghiệm triển khai hợp tác công tư cho lĩnh vực du lịch tại Hồng Kông; Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải cũng đã chia sẻ tham luận Đối tác công tư – Mô hình thành công trong các dự án phát triển du lịch thế giới; Công ty Kaicity Huế chia sẻ về thực tiễn triển khai một số dự án hợp tác công tư tại tỉnh Thừa Thiên Huế và các khuyến nghị.

Tại hội thảo, các đại biểu cũng đã thảo luận, đưa ra các mô hình khuyến khích nguồn vốn đầu tư tư nhân và sử dụng hiệu quả nguồn vốn trong khai thác vận hành về đầu tư công tư tại tỉnh Thừa Thiên Huế.

Ông Phan Thiên Định - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phát biểu

Ông Phan Thiên Định - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phát biểu

Ông Phan Thiên Định – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, Thừa Thiên Huế đang chú trọng phát triển các lĩnh vực kinh tế theo hướng bền vững, trong đó du lịch và dịch vụ xác định là ngành kinh tế mũi nhọn. Một hệ thống hạ tầng du lịch và dịch vụ chất lượng tốt, phát triển đồng bộ sẽ có tác động to lớn đến kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Tuy nhiên, với nguồn ngân sách nhà nước còn hạn chế do hầu hết các quỹ phát triển kết cấu hạ tầng trước đây đều từ ngân sách nhà nước, từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) hoặc các nguồn vốn vay quốc tế khác thì chúng ta có thể gặp khó khăn lớn nếu chỉ dựa vào nguồn này.

“Khi các phương thức huy động vốn truyền thống đang ngày càng thu hẹp, mặt khác, việc hạn chế nợ công, giảm thâm hụt ngân sách đang là ưu tiên hàng đầu hiện nay thì việc huy động vốn từ khu vực tư nhân đang được nhà nước ưu tiên triển khai. Trong đó do tính chất đặc thù, mô hình hợp tác công tư (PPP) luôn là một trong những phương án huy động vốn được ưu tiên lựa chọn trong triển khai các dự án đầu tư hạ tầng du lịch và dịch vụ. Như vậy, việc phát triển các dự án hợp tác PPP trong phát triển hạ tầng du lịch và dịch vụ càng trở nên cấp thiết đối với tỉnh Thừa Thiên Huế nhằm khuyến khích nguồn vốn đầu tư tư nhân và sử dụng hiệu quả nguồn vốn trong khai thác vận hành”, ông Định cho biết thêm.

Nguyễn Tuấn

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thua-thien-hue-de-xuat-dau-tu-ha-tang-du-lich-dich-vu-theo-hinh-thuc-hop-tac-cong-tu-124528.html