Thừa Thiên - Huế: Lồng ghép các nguồn lực để giảm nghèo bền vững

Thời gian qua, với sự vào cuộc các cấp, ngành đặc biệt là sự hưởng ứng của nhân dân, công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện Phong Điền đạt được nhiều thành tựu nổi bật, các chính sách an sinh xã hội, trợ giúp người nghèo được hỗ trợ kịp thời... qua đó giúp người nghèo vươn lên.

Hỗ trợ sinh kế là chìa khóa để giảm nghèo. Ảnh: N.D.

Hỗ trợ sinh kế là chìa khóa để giảm nghèo. Ảnh: N.D.

Sinh kế là chìa khóa để giảm nghèo

Những năm qua, huyện Phong Điền (tỉnh Thừa Thiên - Huế) đã triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp đối với công tác giảm nghèo bền vững, tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt các chính sách, chương trình dự án hỗ trợ hộ nghèo vay vốn ưu đãi, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, y tế, nhà ở; lồng ghép có hiệu quả các nguồn lực trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) Giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới thông qua các mô hình sản xuất, sinh kế phù hợp.

Bên cạnh đó, cùng với các cấp, ngành địa phương tích cực vào cuộc huy động mọi nguồn lực của xã hội hỗ trợ hộ nghèo phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả.

Thông qua Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững, nhiều hộ nghèo được hỗ trợ sinh kế, giúp người dân vươn lên, thoát nghèo bền vững. Ảnh: N.D.

Thông qua Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững, nhiều hộ nghèo được hỗ trợ sinh kế, giúp người dân vươn lên, thoát nghèo bền vững. Ảnh: N.D.

Sau gần 3 năm triển khai thực hiện, Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững tại huyện Phong Điền đã đạt được những kết quả nổi bật, năm 2023, trên địa bàn huyện số hộ nghèo còn 615 hộ với 1.220 khẩu, chiếm tỷ lệ 2,05% (giảm 245 hộ/122 hộ theo kế hoạch).

Bên cạnh đó, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Phong Điền phối hợp với các đơn vị liên quan đã giải quyết việc làm mới hơn 1.700 lao động, trong đó có 244 lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Trong năm 2023, thông qua ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, đã giải ngân số tiền 141,49 tỷ đồng với 2.690 lượt vay nhằm phát triển sản xuất, xây dựng mô hình sinh kế; giải ngân cho 1.925 hộ được vay từ chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường với số tiền 38,5 tỷ đồng; các tổ chức đoàn thể cấp huyện đã huy động nguồn lực, chung tay hỗ trợ hơn 155 triệu đồng phát triển mô hình sinh kế cho 73 hộ nghèo; hỗ trợ tiền điện cho 860 hộ nghèo...

Huyện Phong Điền đã lồng ghép có hiệu quả các nguồn lực trong thực hiện Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới thông qua các mô hình sản xuất, sinh kế phù hợp. Ảnh: N.D.

Huyện Phong Điền đã lồng ghép có hiệu quả các nguồn lực trong thực hiện Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới thông qua các mô hình sản xuất, sinh kế phù hợp. Ảnh: N.D.

Ông Võ Tín (trú tại xã Phong Chương, huyện Phong Điền) cho biết, gia đình ông thuộc diện hộ nghèo của xã. Ông Tín được hỗ trợ 1 bò mẹ sinh sản từ nguồn hỗ trợ Nhà nước và vốn đối ứng của gia đình.

Sau 1 thời gian chăm sóc bò trưởng thành, ông Tín đã bán được bò con và có tiền để sửa sang lại nhà cửa. Cuối năm 2022, gia đình ông Tín là một trong 52 hộ ra khỏi hộ nghèo ở xã theo chuẩn nghèo giai đoạn 2022 - 2025. Hiện, gia đình ông Tín thuê thêm 1 mẫu ruộng để trồng lúa, kết hợp thả nuôi 100 con gà; đàn vịt và ngỗng đã cho thêm thu nhập thường xuyên.

An cư lạc nghiệp

Bên cạnh hỗ trợ sinh kế cho người nghèo, huyện Phong Điền còn xác định việc xóa nhà tạm, nhà dột nát là tiêu chí quan trọng để giảm nghèo bền vững và thực xây dựng huyện Phong Điền trở thành thị xã trong năm 2025. Để cụ thể hóa mục tiêu đó, thời gian qua, các ngành cùng các địa phương trên địa bàn huyện đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp và huy động các nguồn lực hỗ trợ người dân còn khó khăn về nhà ở xóa nhà tạm, nhà dột nát. Trong năm 2023, đã có hàng chục hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố để ổn định cuộc sống, yên tâm sản xuất vươn lên thoát nghèo.

Cụ thể, thông qua Quỹ vì người nghèo cùng sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm, trong năm 2023 đã xây mới và sửa chữa 65 nhà cho hộ nghèo với tổng số tiền 2,892 tỷ đồng... Từ đầu năm 2024 đến nay, tranh thủ các nguồn lực, sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân và Quỹ Vì người nghèo, đã có khoảng 20 ngôi nhà mới được khởi công xây dựng theo chủ trương xóa nhà tạm cho hộ nghèo với tổng kinh phí hơn 1,3 tỷ đồng.

Hỗ trợ nhà ở cho người nghèo là một trong những tiêu chí quan trọng để giảm nghèo bền vững và thực xây dựng huyện Phong Điền trở thành thị xã trong năm 2025. Ảnh: N.D.

Hỗ trợ nhà ở cho người nghèo là một trong những tiêu chí quan trọng để giảm nghèo bền vững và thực xây dựng huyện Phong Điền trở thành thị xã trong năm 2025. Ảnh: N.D.

Ông Nguyễn Đình Bách, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền cho biết, để người dân yên tâm lao động để phát triển cuộc sống bền vững, huyện Phong Điền luôn tìm cách hỗ trợ, tạo điều kiện cho nhân dân cải thiện đời sống, xóa dần những căn nhà tạm bợ.

Theo ông Bách, mỗi căn nhà được hoàn thành đồng nghĩa với việc một hộ nghèo có chỗ ở ổn định, không phải lo gánh nặng về nhà ở, yên tâm lao động sản xuất, vươn lên thoát nghèo. Việc tập trung xóa nhà tạm, nhà dột nát góp phần duy trì, nâng cao tiêu chí về nhà ở trong bộ tiêu chí về xây dựng nông thôn mới của huyện Phong Điền.

Ông Võ Văn Vui, Bí thư Huyện ủy, Trưởng Ban chỉ đạo giảm nghèo bền vững huyện Phong Điền cho biết, trong giai đoạn 2022-2025, huyện xác định công tác giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ trọng tâm, một trong những giải pháp thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững đó là tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý chí thoát nghèo của các hộ; triển khai có hiệu quả các mô hình sinh kế, tạo việc làm, nâng cao thu nhập gắn với giảm nghèo theo địa chỉ cụ thể.

Trong năm 2023, huyện Phong Điền đã xây mới và sửa chữa 65 nhà cho hộ nghèo. Ảnh: N.D.

Trong năm 2023, huyện Phong Điền đã xây mới và sửa chữa 65 nhà cho hộ nghèo. Ảnh: N.D.

Bên cạnh đó, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội đối với các hộ nghèo, hộ cận nghèo, nhất là các hộ không có khả năng lao động; chú trọng nâng cao thu nhập cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội gắn với giáo dục nghề nghiệp, chú trọng đào tạo nghề theo nhu cầu của thị trường để tập trung giải quyết việc làm cho người nghèo…

Theo ông Vui, song song với việc hỗ trợ hộ nghèo, huyện tiếp tục quan tâm các chính sách hỗ trợ hộ cận nghèo để tránh tái nghèo, bởi đây là đối tượng dễ “tổn thương” trước tác động của dịch bệnh, thiên tai.

“Có thể nói, công tác giảm nghèo bền vững cần phải có sự vào cuộc cả cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở và sự đồng lòng, chung sức của người dân trên địa bàn huyện, qua đó góp phần xây dựng huyện sớm trở thành thị xã”, ông Vui nhấn mạnh.

Nguyễn Quốc

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/thua-thien-hue-long-ghep-cac-nguon-luc-de-giam-ngheo-ben-vung-10292170.html