Thưa vắng dự án FDI vào dệt may

Sự thưa vắng các dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mới vào dệt may là điều không quá bất ngờ trong bối cảnh hiện nay.

Thực tế dòng vốn FDI vào dệt may thời gian qua cho thấy sự thận trọng của các nhà đầu tư.

Những nhà đầu tư đã “biết mặt quen tên”

Do tác động của Covid-19, từ đầu năm 2020, những dự án FDI mới trong lĩnh vực dệt may, xơ sợi, dệt nhuộm tại Việt Nam không còn tấp nập như thời gian trước. Mới đây nhất, tháng 7/2020, Công ty TNHH Thời trang Fortunate Hồng Kông Việt Nam đã khởi công Dự án Nhà máy may mặc Fortunate Việt Nam. Dự án chuyên sản xuất các mặt hàng thời trang may mặc tại Tây Ninh với quy mô 19,2 triệu sản phẩm/năm.

Ngoại trừ dự án trên, những dự án ngành dệt may được khởi công từ đầu năm đến nay đều là những dự án của các nhà đầu tư đã khá biết mặt quen tên tại Việt Nam. Cụ thể, cuối tháng 5/2020, Công ty TNHH Texhong Dệt Kim (Hồng Kông) được Ban Quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thực hiện Dự án Nhà máy Dệt kim tại Khu công nghiệp Texhong Hải Hà.

Dự án trên có tổng vốn đăng ký 214 triệu USD, sản xuất vải dệt kim, vải đan móc và vải không dệt khác, quy mô hơn 2.700 lao động. Theo kế hoạch, cuối năm 2021, giai đoạn I của Dự án sẽ đi vào hoạt động, giai đoạn II sẽ được hoàn thiện và đi vào vận hành sau đó 20 tháng.

Công ty TNHH Texhong Dệt Kim thuộc Tập đoàn Texhong là gương mặt thân quen với ngành dệt may Việt Nam với các hoạt động đầu tư sản xuất sợi xuất khẩu trong một thập niên trở lại đây. Nhà đầu tư này đã đầu tư 2 dự án dệt là Texhong Hải Yên và Texhong Ngân Hà tại Quảng Ninh, với tổng quy mô 800.000 cọc sợi/năm, tổng năng lực sản xuất khoảng 400 tấn/năm với 1.200 cỗ máy dệt.

Một dự án khác của Công ty TNHH Brotex (Việt Nam) 100% vốn Trung Quốc được khởi công hồi tháng 2 năm nay là Dự án Nhà máy sản xuất sợi Brotex Khu C - giai đoạn IV tại Khu công nghiệp Phước Đông (huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh). Giống như Texhong, Brotex không phải là tên tuổi mới đầu tư vào mảng nguyên phụ liệu dệt may Việt Nam.

Trước khi khởi công dự án mới, cũng tại Khu công nghiệp Phước Đông, nhà đầu tư này đã đầu tư dự án 400 triệu USD, gồm 3 giai đoạn. Giai đoạn I có vốn đầu tư 100 triệu USD, đã xây dựng xong 2 nhà xưởng sản xuất, lắp đặt 100.000 cọc sợi, có 14 kho nguyên liệu và 2 nhà xưởng nhuộm, sản lượng ước tính 15.000 tấn sợi/năm. Giai đoạn II có vốn đầu tư 150 triệu USD, đang xây dựng 4 nhà xưởng sản xuất và lắp đặt 200.000 cọc sợi, với sản lượng ước tính đạt 30.000 tấn sợi/năm. Giai đoạn III có vốn đầu tư 150 triệu USD, gồm 4 nhà xưởng sản xuất và lắp đặt 200.000 cọc sợi.

Sự thận trọng

Trong 8 tháng năm 2020, theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tổng vốn FDI đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 19,54 tỷ USD, giảm 13,7% so với cùng kỳ năm 2019. Trong bối cảnh chung đó, dòng vốn FDI vào dệt may cũng không đi lệch quỹ đạo, với sự thận trọng của các nhà đầu tư.

Đại diện doanh nghiệp dệt may 100% vốn nước ngoài với 2 nhà máy may tại Hải Dương cho rằng, quá trình đầu tư một dự án công nghiệp nặng thường mất 3-5 năm, nhưng một dự án đầu tư nhà máy may hàng xuất khẩu chỉ mất vài ba tháng để hoàn thiện, tính cả thời gian tuyển dụng nhân công cũng chỉ 8-9 tháng. Các dự án nguyên phụ liệu phức tạp hơn, nhưng thời gian đầu tư cũng chỉ hơn 1 năm.

Do đó, trong bối cảnh dịch bệnh vẫn đang kéo nhu cầu thị trường xuống thấp, tiềm ẩn không ít rủi ro cho nhà đầu tư, thì việc thận trọng trong quyết định đầu tư của các doanh nghiệp là điều dễ hiểu. Theo đánh giá mới nhất từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), trong 8 tháng năm 2020, chưa xuất hiện khoản đầu tư lớn nào từ nước ngoài vào ngành dệt may Việt Nam.

“Rất khó để đề cập dòng vốn FDI của các nhà đầu tư mới tại thời điểm này, bởi nhu cầu thị trường đã xuống rất thấp. Các thị trường tiêu thụ hàng dệt may lớn như Mỹ, EU vẫn đang chật vật chống dịch, sức mua chưa tăng trở lại… Khi nhu cầu hàng hóa thấp, đương nhiên nhà đầu tư càng thận trọng”, ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch Vitas nhận định.

Nhiều nhà bán lẻ công bố phá sản

Tập đoàn J.Crew, chủ sở hữu chuỗi bán lẻ quần áo nổi tiếng J.Crew đã đệ đơn xin bảo hộ phá sản theo Chương 11, Luật Phá sản, trở thành nhà bán lẻ lớn đầu tiên bị gục ngã trong cuộc khủng hoảng Covid-19 tại Mỹ. Neiman Marcus, thương hiệu 113 năm tuổi, nổi tiếng với chuỗi cửa hàng thời trang xa xỉ, doanh thu năm 2018 lên tới 4,9 tỷ USD cũng đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản vào ngày 7/5/2020. Tập đoàn bán lẻ Ascena Retail Group, chủ sở hữu các thương hiệu Ann Taylor, Justice, Lou & Grey và Lane Bryant cũng không tránh khỏi vòng xoáy phá sản.

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/thua-vang-du-an-fdi-vao-det-may-d129613.html