Thúc đẩy hợp tác để xử lý bom mìn ở Quảng Trị hiệu quả, bền vững
Trong 25 năm qua, việc chung tay giải quyết vấn đề bom mìn còn sót lại sau chiến tranh ở tỉnh Quảng Trị, giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, đã đạt được nhiều kết quả.
Tuy nhiên, khó khăn, thách thức trong vấn đề xử lý bom mìn vẫn còn không ít, khi diện tích đất bị ô nhiễm bom mìn ở Quảng Trị còn rất lớn, tiềm ẩn nguy cơ gây thương vong cho người dân và là trở ngại cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trước mắt, Quảng Trị đang hướng đến, là tỉnh đầu tiên của Việt Nam “an toàn”, không còn tai nạn bom mìn vào năm 2025. Về lâu dài, tỉnh đạt ra mục tiêu, chủ động giải quyết được vấn đề ô nhiễm bom mìn một cách hiệu quả và bền vững.
Để làm rõ hơn về những vấn đề này, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam, có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Triều Thương - Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh tỉnh Quảng Trị.
Thưa bà, trong 25 năm qua, Hoa Kỳ đã hỗ trợ tỉnh Quảng Trị như thế nào trong việc rà phá bom mìn? Bà có thể cho biết những kết quả công tác rà phá bom mìn tại Quảng Trị đã đạt được?
Trong 25 năm qua, Chính phủ Hoa Kỳ đã hỗ trợ tỉnh Quảng Trị, thông qua các tổ chức quốc tế và phi Chính phủ, triển khai các chương trình, dự án trong lĩnh vực khắc phục hậu quả bom mìn, hỗ trợ nạn nhân bom mìn. Đến nay, Hoa Kỳ đã hỗ trợ khoảng trên 40 triệu USD, chiếm gần 50% tổng số tiền mà tỉnh Quảng Trị, đã tiếp nhận được từ các nhà tài trợ quốc tế trong lĩnh vực khắc phục bom mìn còn sót lại sau chiến tranh. Peace Trees VietNam - Cây Hòa Bình Việt Nam (PTVN) là tổ chức phi Chính phủ của Hoa Kỳ đầu tiên, được cấp phép (năm 1995) và triển khai hoạt động rà phá bom mìn, khắc phục hậu quả chiến tranh tại Quảng Trị. Đây là sự khởi đầu cho một loạt hoạt động hợp tác quốc tế, khắc phục hậu quả bom mìn, do Hoa Kỳ tài trợ thông qua các tổ chức phi Chính phủ như: Nhóm Cố vấn bom mìn (MAG), Tổ chức phi lợi nhuận Clear Path International (CPI), Tổ chức Viện trợ Nhân dân Na Uy (NPA)...
Các tổ chức này đã hỗ trợ tỉnh Quảng Trị, giải phóng an toàn gần 187 triệu m2 đất khỏi ô nhiễm bom mìn và vật nổ; phát hiện và hủy nổ 720.000 bom mìn và vật nổ. Sự hỗ trợ của Hoa Kỳ còn góp phần quan trọng xây dựng và đào tạo đội ngũ nhân viên kỹ thuật đạt tiêu chuẩn quốc tế, cùng với ứng dụng kỹ thuật và công nghệ hiện đại vào việc rà phá bom mìn. Đây là một nguồn lực quan trọng giúp tỉnh có thể chủ động giải quyết vấn đề bom mìn một cách hiệu quả và bền vững trong tương lai. Ngoài ra, nguồn tài trợ của Hoa Kỳ còn tạo việc làm ổn định, có thu nhập cao cho gần 900 lao động ở địa phương.
Đối với một tỉnh còn nhiều khó khăn như Quảng Trị sự hỗ trợ của Hoa Kỳ để khắc phục hậu quả chiến tranh là không hề nhỏ. Sự hợp tác giữa tỉnh Quảng Trị với Chính phủ của Hoa Kỳ nói riêng, các tổ chức quốc tế nói chung, là một minh chứng sống động và tiêu biểu, về cách tiếp cận hiệu quả và bền vững, trong công tác khắc phục bom mìn còn sót lại sau chiến tranh, không những ở phạm vi cả nước, mà còn được nhiều chuyên gia quốc tế đánh giá là hình mẫu tiêu biểu cho khu vực và thế giới.
Quảng Trị còn gặp những khó khăn, thách thức gì trong việc giải quyết tình trạng ô nhiễm bom mìn còn sót lại sau chiến tranh, thưa bà ?
Hiệu quả của công tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh, phụ thuộc vào việc xây dựng thành công một mô hình quản lý hiệu quả và bền vững, dựa trên nền tảng của sự chia sẻ kinh nghiệm, liên kết, hỗ trợ nguồn lực và phối hợp linh hoạt của các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước. Quảng Trị là tỉnh đầu tiên trong cả nước xây dựng và ban hành Chương trình “Hành động khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh, giai đoạn 2016-2025”. Quảng Trị cũng là tỉnh đầu tiên trong cả nước thành lập Ban Chỉ đạo khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh.
Tuy đã đạt được nhiều kết quả trong khắc phục bom mìn còn sót lại sau chiến tranh, nhưng tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Theo đó, bom mìn và vật nổ vẫn còn là mối đe dọa lớn. Cụ thể, mức độ ô nhiễm bom mìn và vật nổ ở Quảng Trị vẫn còn nghiêm trọng với trên 80% tổng diện tích đất toàn tỉnh còn chứa bom mìn, chưa được tháo gỡ. Qua đó cho thấy, bom mìn không chỉ tiềm ẩn nguy cơ gây thương vong, mà còn ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế - xã hội. Trong khi đó, tai nạn bom mìn mặc dù đã được giảm thiểu, nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ đe dọa đến tính mạng và đời sống của nhân dân.
Việc dành nguồn lực cho giáo dục, nâng cao nhận thức bom mìn, chưa được chú trọng và đầu tư thích đáng. Nguồn viện trợ cho vấn đề này, từ các tổ chức quốc tế còn hạn chế và chưa được triển khai liên tục, chủ yếu do một số dự án có quy mô nhỏ lẻ thực hiện trong ngắn hạn, trong khi nhu cầu cần hỗ trợ của các đối tượng bị tai nạn bom mìn là rất lớn. Nguồn lực hỗ trợ của Trung ương và của địa phương vẫn còn hạn hẹp, cũng là khó khăn đối với việc giải quyết hậu quả bom mìn sau chiến tranh. Ngoài ra, tỉnh vẫn chưa có quy trình, quản lý rủi ro sót lại sau rà phá bom mìn. Trong khi tỉnh phải sớm xây dựng bộ tiêu chí tỉnh “an toàn”, không còn tai nạn bon mìn một cách khoa học và đồng bộ, nhằm tăng cường hiệu quả công tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh.
Tỉnh Quảng Trị đang hướng đến, là tỉnh đầu tiên của Việt Nam “an toàn”, không còn tai nạn bom mìn vào năm 2025, bà có thể cho biết những giải pháp để đạt được mục tiêu này trong 5 năm tới?
Quảng Trị đang hướng đến là tỉnh đầu tiên của Việt Nam “an toàn”, không còn tai nạn bom mìn vào năm 2025. Để đạt được mục tiêu này, tỉnh Quảng Trị đã và đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Theo đó, đầu tiên và cũng rất quan trọng là tỉnh tiếp tục thúc đẩy hợp tác quốc tế, vận động nguồn viện trợ, để có nguồn lực triển khai các chương trình, dự án khắc phục hậu quả bom mìn trong những năm tới. Trong đó, tỉnh Quảng Trị tiếp tục thúc đẩy hợp tác và mong muốn, nhận được sự hỗ trợ và giúp đỡ của Chính phủ Hoa Kỳ, trong quá trình khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh. Để trong tương lai không xa, Quảng Trị có thể tự giải quyết có hiệu quả và bền vững, vấn đề ô nhiễm bom mìn do chiến tranh để lại, đồng thời triển khai mô hình “quản lý rủi ro” sau năm 2025.
Bên cạnh đó, tỉnh tập trung xây dựng, triển khai có hiệu quả Chương trình “Hành động khắc phục hậu quả bom mìn, giai đoạn 2016-2025”; lồng ghép hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn, với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trung hạn và dài hạn. Huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, đối với hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn; xây dựng, triển khai quy trình kiểm tra chất lượng rà phá bom mìn, quản lý rủi ro sau rà phá; xây dựng quy chuẩn và quy trình kiểm tra chất lượng về giáo dục nhận thức bom mìn; xây dựng bộ tiêu chí tỉnh “an toàn” không còn tai nạn bom mìn.
Tập trung phát triển Trung tâm Hành động bom mìn tỉnh Quảng Trị (QTMAC), trở thành Trung tâm Hành động bom mìn của khu vực miền Trung, với nhiều lĩnh vực hoạt động khác nhau. Quảng Trị tăng cường kết nối chặt chẽ giữa tỉnh với Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam (VNMAC), về năng lực chia sẻ dữ liệu khảo sát toàn quốc, từ Trung ương đến địa phương. Tỉnh tổ chức xây dựng, triển khai thực hiện các dự án rà phá bom mìn; trong đó ưu tiên giáo dục phòng tránh bom mìn, hỗ trợ nạn nhân bom mìn ở những khu vực bị ô nhiễm bom mìn nặng.
Tỉnh Quảng Trị nghiên cứu các mô hình phối hợp, lồng ghép giữa hoạt động bom mìn và phát triển, giữa giáo dục phòng tránh bom mìn với rà phá bom mìn, thu gom lưu động và hỗ trợ nạn nhân bom mìn. Đồng thời, tỉnh ưu tiên nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ cho công tác sơ cấp cứu kịp thời nạn nhân, khi xảy ra tai nạn bom mìn, vật nổ; tăng cường đào tạo về kỹ năng sơ cấp cứu cho các trạm y tế quân dân y kết hợp và cơ sở y tế ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng bị ô nhiễm bom mìn nặng. Cùng với đó, tỉnh đào tạo nguồn nhân lực để hỗ trợ và đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế và điều phối khắc phục hậu quả chiến tranh; tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng, xã hội về phòng tránh tai nạn bom mìn, vật nổ sau chiến tranh; xây dựng, hình thành thói quen chủ động học tập, chung sống an toàn trên vùng đất còn bị ô nhiễm bom mìn.
Trân trọng cảm ơn bà!