Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp

Kinh tế tuần hoàn đang được ngành Nông nghiệp quan tâm triển khai trong cả lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản. Đây là biện pháp hiệu quả tận dụng phế phẩm, phụ phẩm sản xuất như một nguồn lợi để gia tăng chuỗi giá trị, giúp nâng cao thu nhập cho người dân và cải thiện môi trường sinh thái, góp phần phát triển nông nghiệp an toàn, bền vững.

Kinh tế tuần hoàn đang được ngành Nông nghiệp quan tâm triển khai trong cả lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản. Đây là biện pháp hiệu quả tận dụng phế phẩm, phụ phẩm sản xuất như một nguồn lợi để gia tăng chuỗi giá trị, giúp nâng cao thu nhập cho người dân và cải thiện môi trường sinh thái, góp phần phát triển nông nghiệp an toàn, bền vững.

Trang trại chăn nuôi bò thịt, bò sinh sản của bác Nguyễn Văn Quýnh, xã Vũ Bản (Bình Lục) áp dụng hiệu quả kinh tế tuần hoàn. Ảnh: Thành Nam

Trang trại chăn nuôi bò của bác Nguyễn Văn Quýnh, Khu chăn nuôi bò thịt, bò sinh sản tập trung xã Vũ Bản (Bình Lục) có quy mô nuôi 70 con, gồm: 40 con bò sinh sản, 30 con bò thịt. Khu trang trại ngoài diện tích chuồng nuôi, còn có gần 7,2 ha đất trồng trọt, với trên 3,5 ha trồng ngô và cỏ chất lượng làm thức ăn xanh cho bò, 1,5 ha cấy lúa, còn lại cây trồng khác. Bác Quýnh đã áp dụng kinh tế tuần hoàn để giảm giá thành và nâng cao hiệu quả sản xuất.

Qua tìm hiểu được biết, trong quá trình chăn nuôi toàn bộ lượng chất thải của đàn bò được bác đưa trở lại đồng ruộng bón cho lúa, ngô, cỏ và cây trồng. Ưu điểm của loại chất thải từ bò khi rải trên ruộng rất ít mùi và cây trồng hấp thụ nhanh. Đồng thời, đây là loại phân hữu cơ có tác dụng cải tạo đất trở nên tơi xốp, màu mỡ. Nước rửa chuồng bò được bác xây hầm biogas xử lý xong đưa ra tưới trên đồng ruộng trong khu trang trại. Cùng với đó, bác khai thác nguồn khí gas phục vụ chất đốt cho toàn bộ khu trại và sinh hoạt gia đình. Chỉ tính riêng lượng chất thải của đàn bò tạo thành phân đã tiết kiệm được trên 70% chi phí phân bón cho diện tích sản xuất.

Thực tế cho thấy, từ vùng đất cốt cao trước đây cấy lúa kém hiệu quả, hiện nay, các loại cây trồng mới này phát triển tốt, cho năng suất cao. Toàn bộ lượng thức ăn xanh cho bò đều được cung cấp từ diện tích sản xuất tại chỗ không phải mua bên ngoài, kể cả vào mùa khô. Với cây lúa hàng vụ đều đạt năng suất cao hơn ít nhất 10% so với sản xuất của người dân trong vùng… Quan trọng hơn, hướng áp dụng kinh tế tuần hoàn này giúp bác Quýnh có thêm điều kiện đầu tư phát triển đàn bò. Từ giai đoạn đầu bác nuôi giống bò thịt bản địa nay chuyển toàn bộ sang bò 3B (BBB) cao sản, có trọng lượng, tỷ lệ thịt cao. Thu nhập bình quân từ mỗi con bò thịt 1 tháng đạt 1,2 triệu đồng, sau khi đã trừ mọi chi phí sản xuất. Bác Nguyễn Văn Quýnh chia sẻ: Áp dụng kinh tế tuần hoàn xuất phát từ thực tế sản xuất. Hướng đi này giúp tận dụng được toàn bộ phế phẩm của chăn nuôi giúp tiết kiệm chi phí, bảo vệ môi trường. Trang trại chăn nuôi bò sinh sản, bò thịt của gia đình triển vọng ngày càng phát triển…

Cũng giống như trang trại nhà bác Nguyễn Văn Quýnh, hộ anh Đặng Xuân Nam, xã Nguyên Lý (Lý Nhân) cũng là một trong những điển hình khi áp dụng thành công mô hình kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi bò sữa và sản xuất trên diện tích gần 30 ha trồng húng quế, ngô, cỏ... tại vùng bãi ven sông Hồng. Theo đó, lượng chất thải từ bò sữa, anh thu gom ủ cùng phế phẩm, phụ phẩm khác thành phân hữu cơ cung cấp cho toàn bộ diện tích trồng trọt của gia đình. Ngay bã cây húng quế sau khi ép tinh dầu cũng được ủ men vi sinh thành phân bón trở lại cho đất tơi, xốp… Anh Nam chia sẻ: Với sản xuất nếu tận dụng tốt và biết cách làm sẽ thu được hiệu quả tối đa, không bỏ phí bất kỳ loại phế phẩm, phụ phẩm nào. Đặc biệt, phế phẩm, phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp được áp dụng thêm công nghệ ủ men vi sinh tạo ra nguồn phân hữu cơ dồi dào. Quan trọng hơn sử dụng nguồn phân bón này giúp đất đai được cải tạo, nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng…

Diện tích cỏ được bón bằng chất thải chăn nuôi phát triển tốt đảm bảo nguồn thức ăn xanh cho đàn bò của bác Nguyễn Văn Quýnh, xã Vũ Bản (Bình Lục).

Diện tích cỏ được bón bằng chất thải chăn nuôi phát triển tốt đảm bảo nguồn thức ăn xanh cho đàn bò của bác Nguyễn Văn Quýnh, xã Vũ Bản (Bình Lục).

Kinh tế tuần hoàn hiện được áp dụng nhiều trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Người dân đã thực hiện khá tốt việc tận dụng phế phẩm, phụ phẩm của sản xuất để giảm chi phí, giá thành và nâng cao hiệu quả sản xuất. Cùng với các mô hình chăn nuôi, mô hình lúa - cá cũng được nhiều nông dân áp dụng khá thành công khi sản xuất kinh tế tuần hoàn. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, khi nuôi cá trên ruộng lúa, chất thải và thức ăn dư thừa của cá sẽ trở thành phân bón. Bên cạnh đó, cá giúp làm cỏ, sục bùn cho lúa thay con người. Ngược lại, khi lúa thu hoạch xong, gốc rạ, thóc rơi vãi trở thành thức ăn cho cá. Cách làm này hầu như cây lúa không phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, cá không dùng kháng sinh, tạo ra sản phẩm sạch, bảo vệ môi trường. Giá trị sản xuất đem lại từ sản xuất theo mô hình lúa – cá cao gấp hơn 5 lần so với chỉ cấy lúa trước đây trên cùng diện tích canh tác. Cũng mô hình nuôi cá, nhưng theo công nghệ “sông trong ao” tiên tiến đã thu được toàn bộ chất thải của lượng cá nuôi lớn trong các bể làm phân hữu cơ bón cho cây trồng. Như vậy, cá được làm sạch nước, hạn chế tối đa dịch bệnh, tăng trọng nhanh…

Hiện nay, sản xuất nông nghiệp của tỉnh trên các lĩnh vực khá phát triển. Đối với chăn nuôi, đàn lợn có trên 300 nghìn con, đàn trâu, bò khoảng 37 nghìn con, đàn gia cầm hơn 7 triệu con... Chăn nuôi hiện nay phần lớn được áp dụng theo hướng trang trại, tập trung rất thuận tiện cho việc thu gom chất thải. Lĩnh vực trồng trọt duy trì diện tích gieo cấy lúa hơn 28 nghìn ha, hàng nghìn ha ngô, rau màu… Như vậy, nguồn phế phẩm, phụ phẩm từ quá trình sản xuất khá lớn, nếu không được sử dụng trở lại sẽ gây ô nhiễm môi trường. Vì vậy, áp dụng thành công mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp không chỉ đem lại những hiệu quả về mặt kinh tế mà còn góp phần hạn chế được tình trạng ô nhiễm môi trường ở khu vực nông thôn, hướng tới một nền sản xuất nông nghiệp an toàn, sạch tạo ra sản phẩm chất lượng.

Ông Nguyễn Văn Của, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Kinh tế tuần hoàn mang lại nhiều lợi ích và là hướng đi tất yếu trong phát triển sản xuất nông nghiệp. Ngành chức năng, chính quyền các địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn, tập huấn để nâng cao nhận thức và kiến thức cho người dân, nhất là việc xử lý các loại phế phẩm, phụ phẩm nông nghiệp thành phân bón. Tới đây, Trung tâm Khuyến nông sẽ đưa vào chương trình hoạt động, lựa chọn, xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp để người dân học hỏi và nhân rộng.

Mạnh Hùng

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/kinh-te/nong-nghiep/thuc-day-kinh-te-tuan-hoan-trong-san-xuat-nong-nghiep-102972.html