Thúc đẩy ngành công nghiệp chế biến

Theo các chuyên gia ngành nông nghiệp Việt Nam còn nhiều tiềm năng lớn. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp còn lãng phí, thất thoát lớn trong khâu thu hoạch, chế biến, bảo quản và năng suất chất lượng thấp, cơ giới hóa vẫn còn thấp.

Có thể thấy, ngành công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản Việt Nam đang có bước phát triển mạnh cả về quy mô và mức độ hiện đại, nhưng đại dịch Covid-19 vừa qua cho thấy, sự phát triển này vẫn chưa tương xứng với sản xuất do quy mô DN nhỏ, năng lực chế biến còn hạn chế. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, một trong những điểm yếu nhất của nông nghiệp hiện nay là tỷ lệ chế biến còn thấp, thời gian tới lĩnh vực này cần được tập trung, tăng đầu tư.

Cũng theo ông Nguyễn Ngọc Thành - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công thương thì những năm gần đây, các ngành công nghiệp chế tạo, chế biến chiếm tỷ trọng cao gần 40% trong tổng doanh thu thuần sản xuất kinh doanh của nền kinh tế, nhưng chỉ đóng góp khoảng gần 14% GDP, giá trị gia tăng rất thấp so với các ngành công nghiệp khác. Thực trạng này sẽ không chỉ gây ảnh hưởng đến việc phát triển sản xuất và tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn, mà sẽ còn tiếp tục ảnh hưởng đến công nghiệp nói riêng và kinh tế Việt Nam nói chung trong dài hạn trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Vì vậy, phát triển công nghiệp hỗ trợ, từng bước tự chủ nguồn nguyên vật liệu, linh phụ kiện trong nước là một trong những vấn đề cốt lõi để phát triển bền vững công nghiệp Việt Nam trong dài hạn.

Ngành công nghiệp chế biến cho thấy tiềm năng phát triển mạnh thu hút sự đầu tư từ DN. Ảnh: N.Đăng

Ngành công nghiệp chế biến cho thấy tiềm năng phát triển mạnh thu hút sự đầu tư từ DN. Ảnh: N.Đăng

Được biết, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 25/CT-TTg về một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản và cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp. Chỉ thị nêu rõ, phải khắc phục những tồn tại và đảm bảo thực hiện thành công mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 nông nghiệp Việt Nam đứng trong số 15 nước phát triển nhất thế giới; trong đó, ngành chế biến nông sản đứng trong số 10 nước hàng đầu thế giới và là một trung tâm chế biến sâu, logistics của thương mại nông sản toàn cầu.

Theo Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương, sản phẩm chế biến là một trong những chủng loại hàng rau quả không chịu tác động từ đại dịch Covid-19, trị giá xuất khẩu mặt hàng này vẫn tăng mạnh trong quý 1-2020, với mức tăng 33% so với cùng kỳ năm 2019. Trong bối cảnh diễn biến dịch bệnh phức tạp, khó lường thì sản phẩm chế biến sẽ vẫn chiếm ưu thế bởi sự tiện lợi và thời gian bảo quản lâu. Đẩy mạnh sản phẩm chế biến làm tăng trị giá xuất khẩu nông sản khi dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp tại nhiều thị trường trên thế giới là giải pháp tối ưu. Ngay tại thị trường trong nước, việc tập trung vào chế biến, những hình thức mới, sáng tạo mới cho ra những sản phẩm mới đã giúp các sản phẩm nông sản tiêu thụ dễ dàng hơn.

Bộ NN&PTNT đã có kế hoạch tái cơ cấu lại 13 sản phẩm, với quy định cụ thể, ngành nào, sản phẩm nào là chủ lực, gắn bó công nghiệp chế biến với công nghiệp phụ trợ. Nhà nước cũng đã có các cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, ưu tiên lĩnh vực chế biến. Tuy nhiên, để phát triển ngành chế biến cần có nhiều yếu tố như vùng nguyên liệu, với sự tham gia của các địa phương từ đó có sức hấp dẫn mời các DN tham gia. Theo các chuyên gia, hiện nay có rất nhiều chính sách cho đầu tư vào nông nghiệp nhưng đầu tư cho công nghệ là việc cần làm ngay để tăng khả năng cạnh tranh, tạo nên sự khác biệt cho nông sản Việt. Đó chính là công nghệ hiện đại. Chính phủ nên có những chính sách để khuyến khích, hỗ trợ cho các DN đầu tư công nghệ.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, trong bối cảnh dịch, các DN chế biến lương thực thực phẩm lại có sự tăng trưởng mạnh, cho thấy nguy-cơ đi liền nhau. Khi thị trường bị gián đoạn, điển hình khi Trung Quốc bị dịch Covid-19 đầu tiên, các sản phẩm như thanh long, dưa hấu bị tác động đầu tiên. Khi đó chúng ta không chỉ chuyển dịch thị trường mà còn chuyển cả cơ cấu về chế biến. Từ đó hình thành các vùng sản xuất gắn kết chặt hơn với các nhà máy chế biến hiện có. Cùng với đó, nhiều sản phẩm chế biến sáng tạo kết hợp với các loại trái cây đã thể hiện rõ trí sáng tạo của người Việt Nam trong tạo ra sản phẩm mới. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng lưu ý, cần căn cứ vào khối lượng hàng hóa rau, quả để cân đối tỷ lệ tiêu dùng tươi sống với chế biến, thông qua đó nâng cao chuỗi giá trị gia tăng, phát triển bền vững trong mọi tình huống, không để lặp đi lặp lại chuyện cứ được mùa lại mất giá và nông sản ế thừa.

Nguyễn Đăng

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/thuc-day-nganh-cong-nghiep-che-bien-197956.html