Thúc đẩy phát triển các chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp

Để nâng cao thu nhập cho nông dân, thời gian qua ngành chức năng, các địa phương đã nỗ lực thu hút các doanh nghiệp, phát huy vai trò của các HTX trong việc tạo lập các chuỗi liên kết phát triển sản xuất, tiêu thụ nông sản theo hướng sản xuất nông sản hàng hóa an toàn, bền vững. Các huyện, thành phố đã chủ động xây dựng kế hoạch, phương án sản xuất, tập trung chỉ đạo và tổ chức... Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định

Để nâng cao thu nhập cho nông dân, thời gian qua ngành chức năng, các địa phương đã nỗ lực thu hút các doanh nghiệp, phát huy vai trò của các HTX trong việc tạo lập các chuỗi liên kết phát triển sản xuất, tiêu thụ nông sản theo hướng sản xuất nông sản hàng hóa an toàn, bền vững.

Sản phẩm rau, củ, quả sản xuất theo công nghệ Nhật Bản của HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ Nam Cường, xã Yên Cường (Ý Yên) đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP hạng 3 sao.

Các huyện, thành phố đã chủ động xây dựng kế hoạch, phương án sản xuất, tập trung chỉ đạo và tổ chức triển khai các mô hình tái cơ cấu trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi thủy sản; chủ động khuyến khích, phối hợp với các doanh nghiệp triển khai hiệu quả mô hình tái cơ cấu nông nghiệp. Các huyện Ý Yên, Vụ Bản, Trực Ninh, Hải Hậu, Xuân Trường đã phối hợp với Công ty TNHH Toản Xuân ký hợp đồng với các hộ nông dân thực hiện chuỗi liên kết sản xuất lúa gạo chất lượng cao trên diện tích trên 500ha, sản lượng tiêu thụ lúa thương phẩm khoảng gần 2.000 tấn. Tham gia chuỗi liên kết, nông dân được doanh nghiệp hướng dẫn quy trình kỹ thuật canh tác hiệu quả, hỗ trợ giống, phân bón và bao tiêu toàn bộ sản phẩm theo giá thỏa thuận. Nhờ đó, lợi nhuận của hộ nông dân đạt 20 triệu đồng/ha, tăng 8-10% so với sản xuất đại trà. Các huyện Trực Ninh, Vụ Bản, Giao Thủy chỉ đạo các HTX dịch vụ nông nghiệp liên kết với Công ty TNHH Cường Tân, Công ty Cổ phần Sản xuất tổng hợp Xuân Trường duy trì ổn định chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giống lúa lai, lúa thuần với quy mô 650ha. Quá trình tổ chức sản xuất và chất lượng sản phẩm được kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo chất lượng và được tiêu thụ tốt ở thị trường nội địa, bước đầu đã có sản phẩm xuất khẩu sang một số nước châu Âu, châu Mỹ. Trong lĩnh vực trồng trọt, huyện Ý Yên đã tập trung phát triển sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP và theo công nghệ Nhật Bản tại HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ Nam Cường, xã Yên Cường. Mô hình có quy mô 7ha, sản lượng rau đạt 150 tấn/năm, giá trị kinh tế mang lại cho người nông dân cao gấp 2-3 lần so với trồng lúa. Mô hình liên kết sản xuất rau quả sạch của Công ty TNHH Rau quả sạch Ngọc Anh với các hộ nông dân trên địa bàn huyện Trực Ninh có diện tích 10ha đã mang lại lợi nhuận 70-80 triệu đồng/ha/vụ, cao gấp 2-3 lần trồng lúa. Tại huyện Hải Hậu, phát huy thế mạnh của các địa phương, UBND huyện đã tạo thuận lợi để Công ty Cổ phần Nam Dược, Công ty Dược phẩm Traphaco duy trì và phát triển mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ cây dược liệu, gồm cây đinh lăng, dây thìa canh mang lại hiệu quả kinh tế ổn định cho người dân. Trong lĩnh vực chăn nuôi, trên địa bàn tỉnh cũng đã hình thành một số chuỗi liên kết như chuỗi: phát triển chăn nuôi - chế biến - tiêu thụ lợn sữa giữa Công ty TNHH Công Danh với một số HTX dịch vụ nông nghiệp tại các xã trọng điểm về chăn nuôi lợn Móng Cái để cung cấp lợn sữa xuất khẩu với sản lượng 4.000 tấn/năm, lợi nhuận đạt 4 tỷ đồng/năm; chuỗi liên kết của Công ty TNHH một thành viên Chế biến thực phẩm xuất khẩu Nghĩa Thành (thành phố Nam Định) với một số trang trại chăn nuôi trên địa bàn tỉnh để sản xuất “Thịt lợn VietGAP, xúc xích, chân giò hun khói” với sản lượng 1.800 tấn/năm; chuỗi liên kết của Công ty Cổ phần Đầu tư Nam Phát với một số cơ sở giết mổ lợn để sản xuất sản phẩm Giò 7 phút, sản lượng đạt 300 tấn lợn/năm…

Có thể thấy, trong điều kiện thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp, thị trường liên tục biến động, các chuỗi cung ứng sản phẩm, vật tư nông nghiệp bị đứt gãy như thời điểm này càng cho thấy vai trò quan trọng của các chuỗi liên kết phát triển sản xuất nông nghiệp có sự tham gia tích cực của các bên liên quan. Theo báo cáo của ngành Nông nghiệp, đến nay toàn tỉnh đã xây dựng được 35 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp bảo đảm an toàn thực phẩm. Nhờ các chuỗi liên kết được duy trì, phát triển nên các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh đã không ngừng tăng cao cả về số lượng và chất lượng, cụ thể như: lúa gạo 885 nghìn tấn, khoai tây 30 nghìn tấn, lạc 25 nghìn tấn, đậu tương 6.000 tấn, các loại rau 360 nghìn tấn, thịt hơi xuất chuồng 178 nghìn tấn, thủy sản 165 nghìn tấn, muối sản xuất và chế biến 80 nghìn tấn/năm… không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội tỉnh mà còn cung ứng một lượng lớn cho các tỉnh, thành phố trong nước và xuất khẩu. Phát triển các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông, thủy sản, doanh nghiệp ký kết cùng HTX cung ứng giống, vật tư, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, bảo vệ, thu hoạch, bảo quản và bao tiêu toàn bộ sản phẩm thì tất cả các bên doanh nghiệp, HTX, nông dân cùng có lợi. Theo đó, doanh nghiệp, HTX vừa quản lý chất lượng nông sản, thủy sản, chăn nuôi và làm đầu mối thu mua có lợi nhuận; nông dân sản xuất theo các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, VietGAP, sản phẩm lại được mua với giá cao hơn từ 10 đến 20% so với phương pháp sản xuất thông thường. Bên cạnh đó, doanh nghiệp khi thu mua nông, thủy sản từ HTX sẽ giảm được chi phí thu gom, vận chuyển từ 3 đến 5% so với thu gom từ hộ nông dân. Đồng chí Nguyễn Sinh Tiến, Phó Giám đốc Sở NN và PTNT cho biết: Để thúc đẩy mạnh liên kết sản xuất một số sản phẩm chủ lực, từ năm 2016 đến nay, ngành Nông nghiệp đã phối hợp với các địa phương hỗ trợ, tư vấn các xã, thị trấn xây dựng 35 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông, thủy sản; hỗ trợ lồng ghép tập huấn, đào tạo hàng trăm lớp dạy nghề cho lao động nông thôn, cung cấp kiến thức gieo trồng cây rau màu cho nông dân; hỗ trợ xây dựng các mô hình khuyến nông; hỗ trợ chuyển giao ứng dụng khoa học, kỹ thuật, áp dụng quy trình kỹ thuật và quản lý chất lượng đồng bộ theo chuỗi; hỗ trợ xây dựng 1 chỉ dẫn địa lý, 3 nhãn hiệu tập thể, 35 cơ sở đăng ký bảo hộ nhãn hiệu độc quyền, trên 400 sản phẩm có đăng ký mã số, mã vạch...

Nhằm đẩy mạnh phát triển các liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản giữa doanh nghiệp, HTX và hộ nông dân cũng như mở rộng xuất khẩu nông sản, thời gian tới ngành Nông nghiệp, các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chuỗi liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ nông sản đến người dân; quy hoạch vùng sản xuất, xây dựng và hoàn thiện các hồ sơ vùng trồng, diện tích và địa điểm, các điều kiện của thị trường nhập khẩu sản phẩm. Các huyện, thành phố và doanh nghiệp chú trọng xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý sản phẩm; đào tạo, tập huấn tăng cường năng lực cho các HTX, nông dân, doanh nghiệp kiến thức về kỹ thuật sản xuất, chế biến sản phẩm nông nghiệp; chủ động cung cấp kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế, về các điều kiện để nông sản thực phẩm vào kênh phân phối hiện đại; khuyến khích và thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, trong đó ưu tiên doanh nghiệp có công nghệ hiện đại, chế biến sâu; kết nối doanh nghiệp liên kết với nông dân thông qua HTX, tổ hợp tác theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm./.

Bài và ảnh: Văn Đại

Nguồn Nam Định: http://baonamdinh.com.vn/channel/5085/202111/thuc-day-phat-trien-cac-chuoi-lien-ket-san-xuat-nong-nghiep-2547780/