Thúc đẩy phát triển chăn nuôi, bảo đảm nguồn cung thực phẩm dịp cuối năm

Thời điểm này, các doanh nghiệp, trang trại, hộ chăn nuôi trong tỉnh đang tích cực tái đàn, chăm sóc đàn gia súc, gia cầm (GSGC) để bảo đảm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thị trường cuối năm và dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Nông dân xã Hùng An (Kim Động) vỗ béo cho đàn bò thịt

Nông dân xã Hùng An (Kim Động) vỗ béo cho đàn bò thịt

Do ảnh hưởng của bão số 3 vào dịp giữa tháng 9 vừa qua, gia đình bà Nguyễn Thị Tư ở xã Tân Tiến (Văn Giang) bị thiệt hại 100 con gà Đông Tảo, gần 500 con vịt. Bà Tư ngậm ngùi cho biết: Dự định, lứa gà và vịt này sẽ xuất bán từ nay đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ. Tuy nhiên, ảnh hưởng của bão số 3 đã khiến chuồng nuôi bị sập mái, ngập nước khiến vật nuôi bị chết. Sau đó, gia đình tôi đã báo cáo lực lượng chức năng và xử lý xác vật nuôi theo đúng quy định, bảo đảm vệ sinh môi trường. Hiện nay, để đáp ứng nhu cầu thực phẩm tăng cao dịp cuối năm, gia đình tôi đã mua thêm trên 500 con gà, vịt để nuôi gối lứa. Nhằm bảo đảm đàn vật nuôi phát triển khỏe mạnh, tôi chú trọng tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn gia cầm, thực hiện phun hóa chất khử trùng, tiêu độc môi trường chăn nuôi định kỳ 2 lần/tháng. Ngoài ra, bổ sung thêm vitamin và khoáng chất để tăng sức đề kháng cho đàn vật nuôi trong giai đoạn chuyển mùa.

Bên cạnh thịt gia cầm, thịt bò cũng là một trong những loại thực phẩm được tiêu thụ mạnh trong thời điểm cuối năm. Tết Nguyên đán tới đây, anh Nguyễn Văn Thạch ở xã Phù Ủng (Ân Thi) dự kiến sẽ xuất bán khoảng 30 con bò thương phẩm. Theo kinh nghiệm chăn nuôi của anh Thạch, những tháng cuối năm, gia đình anh sẽ đẩy mạnh vỗ béo cho đàn bò để kịp xuất bán ra thị trường vào dịp Tết; tẩy giun sán cho đàn bò và cho ăn đủ rơm, cỏ. Đối với những con bò gầy yếu, anh Thạch bổ sung thêm các loại thức ăn giàu đạm để nhanh chóng phục hồi cơ thể, tạo đà cho những tháng tiếp theo... Nếu thực hiện đúng quy trình chăm sóc, đàn bò sẽ có khối lượng lớn, vóc dáng đẹp, chất lượng và tỉ lệ thịt xẻ đạt cao. Khi ấy đàn bò sẽ xuất bán dễ dàng, được giá.

Thời gian này, các cơ sở chăn nuôi lợn trong tỉnh cũng đang tập trung chăm sóc, phòng bệnh cho đàn lợn để kịp xuất bán dịp cuối năm. Ông Nguyễn Văn Hoan, chủ trang trại chăn nuôi lợn ở xã Đại Đồng (Văn Lâm) cho biết: Tôi vừa xuất bán hơn 6 tấn lợn hơi với giá 68 nghìn đồng/kg. Năm nay, giá lợn hơi tăng hơn năm trước, giá cám giảm 20 – 30 nghìn đồng/bao nên người chăn nuôi có lãi, trung bình tôi lãi khoảng 1,5 triệu đồng/con. Đón thị trường dịp cuối năm nay, tôi đã lựa chọn hơn 200 con lợn giống khỏe mạnh từ đàn lợn nái của gia đình để tái đàn sản xuất. Trong chăn nuôi, tôi chú trọng phòng, trừ dịch bệnh; sử dụng thức ăn từ những công ty sản xuất uy tín, không sử dụng sản phẩm trôi nổi trên thị trường nên đàn lợn phát triển khỏe mạnh. Ngoài ra, tôi thường xuyên theo dõi thông tin của thị trường để điều chỉnh phương án chăn nuôi phù hợp.

Theo đánh giá của ngành nông nghiệp và PTNT, bão số 3 vừa qua đã khiến cho ngành nông nghiệp nói chung và hoạt động chăn nuôi của tỉnh nói riêng bị ảnh hưởng nặng nề. Tuy nhiên, với các biện pháp khôi phục sản xuất nông nghiệp sau bão được thực hiện kịp thời ở các địa phương, nguồn cung thực phẩm vẫn được bảo đảm. Đầu tháng 10 năm nay, tổng đàn vật nuôi của tỉnh đạt trên 9,2 triệu con; trong đó, đàn lợn giảm 1,63%, đàn gia cầm giảm 7,59%, đàn bò giảm 2,91% so với cùng kỳ năm trước. Hiện nay, các doanh nghiệp, trang trại, hộ chăn nuôi trong tỉnh đang tích cực tăng đàn, tái đàn mở rộng sản xuất đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cuối năm. Theo dự báo, dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi có thể tăng thêm 15 – 25% so với các tháng khác trong năm. Từ những tín hiệu của thị trường, dự báo nguồn cung thịt GSGC trong những tháng cuối năm sẽ không thiếu. Mặt khác, thời gian qua, giá lợn hơi, gia cầm đã ổn định trở lại, trong khi đó, giá thức ăn chăn nuôi có xu hướng giảm nên người chăn nuôi yên tâm tái đàn, tăng đàn.

Những tháng cuối năm, để hạn chế rủi ro trong sản xuất, ngành nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương khuyến cáo người chăn nuôi cần theo sát diễn biến của thị trường, dự báo khả năng tiêu thụ để xác định quy mô tái đàn, tăng đàn phù hợp, bảo đảm hiệu quả sản xuất. Tăng cường công tác giám sát, kiểm dịch vận chuyển động vật và sản phẩm động vật để bảo đảm lượng GSGC nhập vào tỉnh có nguồn gốc rõ ràng và an toàn dịch bệnh. Thời điểm cuối năm thường xuất hiện các đợt rét đậm, rét hại ảnh hưởng đến sự phát triển của vật nuôi, vì vậy các hộ chăn nuôi cần cân đối các loại thức ăn giàu dinh dưỡng, bổ sung vitamin, khoáng chất... để tăng sức đề kháng cho đàn vật nuôi; chú trọng thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, tiêm phòng vắc xin theo đúng quy định, góp phần bảo đảm ổn định nguồn cung thực phẩm cho thị trường.

Hoa Phương

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/thuc-day-phat-trien-chan-nuoi-bao-dam-nguon-cung-thuc-pham-dip-cuoi-nam-3176357.html