Thúc đẩy phát triển công nghiệp vùng ven biển

Để xây dựng vùng kinh tế ven biển trở thành vùng kinh tế động lực, có bước phát triển nhanh, bền vững, tỉnh luôn xác định phát triển công nghiệp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Đặc biệt, Nghị quyết chuyên đề toàn khóa số 05-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh ban hành ngày 18-6-2021 về phát triển kinh tế biển đã xác định trọng tâm là phát triển công nghiệp gắn với thế mạnh, lợi thế của vùng. Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định

Để xây dựng vùng kinh tế ven biển trở thành vùng kinh tế động lực, có bước phát triển nhanh, bền vững, tỉnh luôn xác định phát triển công nghiệp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Đặc biệt, Nghị quyết chuyên đề toàn khóa số 05-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh ban hành ngày 18-6-2021 về phát triển kinh tế biển đã xác định trọng tâm là phát triển công nghiệp gắn với thế mạnh, lợi thế của vùng. Theo đó các địa phương có biển đã chủ động xây dựng lộ trình và từng bước triển khai hiệu quả các giải pháp thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp vùng ven biển.

Sản xuất đồ chơi trẻ em xuất khẩu tại Công ty TNHH JY Plastic Nam Định, xã Hải Phương (Hải Hậu).

Sản xuất đồ chơi trẻ em xuất khẩu tại Công ty TNHH JY Plastic Nam Định, xã Hải Phương (Hải Hậu).

Bên cạnh việc tích cực triển khai công tác quy hoạch làm định hướng cho phát triển vùng ven biển, ưu tiên huy động nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng giao thông phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng ven biển, tỉnh đặc biệt chú trọng thu hút nguồn lực đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp (CCN) nhằm tạo quỹ đất thu hút các nhà đầu tư vào sản xuất công nghiệp. Đến nay, tại vùng ven biển của tỉnh đã đầu tư xây dựng Khu công nghiệp (KCN) Dệt may Rạng Đông, huyện Nghĩa Hưng (quy mô là 550ha) với ngành nghề chính: dệt sợi, vải, nhuộm, phụ kiện và may mặc. Có 4 CCN cấp huyện đã đi vào hoạt động, gồm các CCN: Hải Phương 21,4ha, Hải Minh 6,6ha, Thịnh Long 15,8ha tại huyện Hải Hậu; CCN Nghĩa Sơn 9ha tại huyện Nghĩa Hưng. Đã thành lập mới 4 CCN gồm: Thịnh Lâm 22ha, Giao Thiện 50ha, Giao Yến 75ha tại huyện Giao Thủy; CCN Hải Vân 10,7ha tại huyện Hải Hậu. Ngoài ra, các ngành, các địa phương đẩy mạnh xúc tiến, thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp; hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở đang hoạt động trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp đầu tư, ứng dụng công nghệ mới, áp dụng các quy chuẩn, kỹ thuật sản xuất tiên tiến, chuyển đổi số, tham gia thương mại điện tử để nâng cao chất lượng, thương hiệu, giá trị gia tăng cho các sản phẩm.

Thời gian qua, ở cả 3 huyện có biển đều tích cực phát triển các ngành nghề thế mạnh của địa phương, nhất là công nghiệp chế biến thực phẩm gắn với nuôi trồng, khai thác thủy sản; công nghiệp dệt may và sản xuất hàng tiêu dùng; các ngành công nghiệp cơ khí, đóng và sửa chữa tàu thủy, sản xuất thiết bị điện, máy thủy. Tại huyện Giao Thủy, thời gian qua ngành công nghiệp chế biến thủy hải sản khá phát triển tại các xã Giao Hải, Giao Long với các sản phẩm truyền thống chủ yếu là nước mắm, mắm tôm, tôm, cá khô... Nước mắm Giao Châu trở thành thương hiệu có tiếng; mắm tôm, tôm cá khô được tiêu thụ nhiều trên thị trường cả nước. Nhiều sản phẩm được đầu tư nâng cấp đồng bộ từ chất lượng, quy trình công nghệ, xây dựng thương hiệu, cải tiến mẫu mã kiểu dáng công nghiệp của sản phẩm, các chính sách phân phối... để tham gia và được bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP... Với việc được xếp hạng sản phẩm, việc phân phối bán hàng, đưa sản phẩm vào các chuỗi tiêu thụ hiện đại ngày càng thuận lợi, mở rộng thị trường và tăng số lượng tiêu thụ ở cả thị trường trong và ngoài nước. Hiện nay, trong tổng số 58 sản phẩm OCOP của huyện Giao Thủy có một số sản phẩm thủy hải sản chế biến nổi tiếng như: Tép moi sấy khô (hạng 4 sao), chả cá Hùng Vương (hạng 4 sao), cá tẩm gia vị (hạng 4 sao), tôm nõn hấp (hạng 4 sao), nõn bề bề (hạng 4 sao) của Công ty TNHH một thành viên Hải sản Hùng Vương; ngao sạch Giao Thủy (hạng 4 sao) của Doanh nghiệp tư nhân Cửu Dung; cá nục một nắng (hạng 3 sao); cá thu một nắng (hạng 3 sao) của Công ty Thủy sản Xuân Thủy - Nam Định. Đặc biệt, sản phẩm tép moi sấy khô của Công ty TNHH một thành viên Thủy sản Hùng Vương đã có mặt ở nhiều tỉnh, thành phố trong nước và xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Nhật Bản.

Tại huyện Nghĩa Hưng, giai đoạn 2016-2020, thu hút đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp tăng trưởng mạnh; giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 21,13%/năm; thu hút được 34 dự án đầu tư, với tổng mức vốn đăng ký đầu tư trên 9.150 tỷ đồng, gồm 31 dự án đầu tư trong nước và 3 dự án đầu tư nước ngoài. Trong đó, có các nhà đầu tư lớn như Tập đoàn BUDA đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất giày xuất khẩu tại xã Nghĩa Minh với quy mô 20ha, tổng mức đầu tư trên 3.000 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho gần 8.000 lao động. Hiện mới có thêm dây chuyền sản xuất số 2 đi vào hoạt động; dự kiến tối đa sẽ giải quyết việc làm cho thêm 4.000 công nhân. Công ty Cổ phần May Sông Hồng đã đầu tư xây dựng nhà máy tại xã Nghĩa Thái với quy mô 6,2ha, tổng vốn đầu tư gần 500 tỷ đồng, góp phần giải quyết việc làm cho trên 2.000 lao động với mức lương bình quân 6,2 triệu đồng/người/tháng. Tập đoàn Toray Nhật Bản đã đầu tư nhà máy sản xuất hàng dệt may tại KCN Dệt may Rạng Đông, tổng vốn đăng ký đầu tư trên 210 triệu USD. Trong năm 2021, huyện tiếp tục thu hút được doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp quy mô lớn như: Tập đoàn Xuân Thiện đầu tư các dự án nhà máy thép xanh số 1 Xuân Thiện Nam Định tổng vốn đầu tư 88 nghìn tỷ đồng, nhà máy thép xanh Xuân Thiện Nghĩa Hưng tổng vốn đầu tư 10 nghìn tỷ đồng, nhà máy sản xuất cấu kiện bê tông đúc sẵn Xuân Thiện Nam Định tổng vốn đầu tư 900 tỷ đồng.

Tại huyện Hải Hậu, những năm qua, trong 3 lĩnh vực kinh tế ưu tiên phát triển là nuôi trồng thủy sản, du lịch dịch vụ và công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp làng nghề, huyện đã chú trọng khai thác, phát triển sâu sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến thủy hải sản. Đến nay huyện đã hình thành khu vực chế biến thực phẩm gắn với nuôi trồng, khai thác thủy sản tại CCN Thịnh Long, các xã Hải Triều, Hải Lý… Trong số 20 cơ sở, doanh nghiệp chế biến, kinh doanh hải sản của huyện có một số cơ sở, doanh nghiệp đã ký hợp đồng với các ngư dân, chủ tàu cá, hình thành chuỗi liên kết giá trị vững chắc từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm; tiêu biểu như Công ty Cổ phần Chế biến hải sản Nam Định, Công ty TNHH Thịnh Long, Công ty TNHH Chế biến hải sản Vạn Hoa, Công ty TNHH Nước mắm Lâm Bão… Bên cạnh đó, huyện cũng duy trì, phát triển khu vực đóng, sửa chữa tàu thuyền tại CCN Thịnh Long; phát triển ngành sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ, khảm trai Bình Minh tại làng nghề xã Hải Minh…

Theo đồng chí Vũ Thị Kim, TUV, Giám đốc Sở Công Thương: Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp địa bàn vùng ven biển đang dần đóng vai trò quan trọng, trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong tình hình mới, bên cạnh những biện pháp tích cực đã áp dụng, tỉnh chỉ đạo các ngành, các địa phương gia tăng các biện pháp để hướng đến mục tiêu phát triển toàn diện, đồng bộ các ngành công nghiệp ven biển theo hướng hiện đại, thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn, dự án lớn, tạo sức cạnh tranh cao, tạo sự hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường. Theo đó, ngành Công Thương sẽ phối hợp với các ngành, các địa phương có biển khẩn trương hoàn thành xây dựng hạ tầng và sớm lấp đầy KCN Dệt may Rạng Đông, các CCN Thịnh Lâm, Giao Thiện, Giao Yến (Giao Thủy), CCN làng nghề Hải Vân (Hải Hậu); đẩy mạnh đầu tư mới hạ tầng các khu, CCN theo quy hoạch để thu hút các nhà đầu tư thứ cấp. Tích cực hỗ trợ các nhà đầu tư thực hiện các dự án lớn trên địa bàn các huyện ven biển. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ khuyến công, tư vấn phát triển công nghiệp trong giai đoạn mới, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong các CCN, làng nghề. Phát triển nhanh, đa dạng các lĩnh vực thương mại, dịch vụ; tiếp tục cải tạo, nâng cấp hệ thống chợ; khuyến khích, thu hút đầu tư xây dựng mới các trung tâm thương mại, siêu thị ở các thị trấn, thị tứ và các vùng nông thôn...; sớm hình thành, nâng cao giá trị chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm công nghiệp ở vùng kinh tế ven biển. Tập trung nghiên cứu, tham mưu, đề xuất tỉnh ban hành cơ chế chính sách phát triển hợp lý các ngành công nghiệp. Trong đó, tiếp tục thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp có tiềm năng, thế mạnh, chủ lực của vùng như cơ khí đóng tàu, sản xuất kim loại, vật liệu xây dựng, công nghiệp chế biến thủy hải sản, dược liệu…; ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ cao, thân thiện với môi trường phù hợp địa phương; đánh giá tiềm năng để phát triển năng lượng tái tạo, điện khí sau khi Quy hoạch điện 8 được Chính phủ phê duyệt như Nhà máy điện khí LNG Nam Định công suất 6.000MW tại huyện Hải Hậu của Công ty TNHH Cường Thịnh Thi với tổng mức đầu tư 7,3 triệu USD, các dự án điện gió trên bờ tại khu vực huyện Giao Thủy cũng như ngoài khơi vùng biển Nam Định...

Bằng việc gia tăng các biện pháp kể trên, Nam Định phấn đấu đến năm 2025, tổng giá trị sản xuất trên địa bàn 3 huyện ven biển chiếm tỷ trọng từ 30-35% so với toàn tỉnh, tổng thu ngân sách Nhà nước đạt khoảng 3.000-4.000 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 110 triệu đồng/năm; đến năm 2030, vùng kinh tế ven biển là cực tăng trưởng phía nam của tỉnh, đóng góp quan trọng để hoàn thành mục tiêu Nam Định là tỉnh phát triển khá của cả nước./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy

Nguồn Nam Định: http://baonamdinh.com.vn/channel/5085/202208/thuc-day-phat-trien-cong-nghiep-vung-ven-bien-2552577/