Thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trước tác động của dịch Covid-19
Ngày 9/3/2020, Bộ Công Thương sẽ tổ chức hội nghị trực tuyến của ngành Công Thương về tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trước tác động của dịch Covid-19. Hội nghị được tổ chức dưới hình thức trực tuyến tại 63 đầu cầu trên cả nước.
Dự hội nghị tại đầu cầu Hà Nội có Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, các Thứ trưởng, lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ, đại diện các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Giao thông vận tải, Lao động – Thương binh và Xã hội, đại diện các hiệp hội ngành hàng và đại diện một số doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực: dệt may, da giày, hóa chất, điện tử, thép, chế biến thực phẩm…
Nhằm nắm bắt kịp thời các khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp trên cơ sở đó đề ra các giải pháp hỗ trợ hiệu quả, hướng tới thành công của Hội nghị trực tuyến nói trên, ngày 4/3/2020 tại Hà Nội, lãnh đạo Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) đã có buổi làm việc với đại diện các Hiệp hội ngành hàng.
Báo cáo của các Hiệp hội ngành hàng tại buổi làm việc cho thấy, tác động của dịch Covid-19 với các doanh nghiệp là không giống nhau. Hiệp hội Sữa Việt Nam cho biết các doanh nghiệp ngành sữa ít bị ảnh hưởng do dịch bệnh không ảnh hưởng đến đàn bò sữa trong khi các doanh nghiệp sữa lâu nay không nhập nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc, một số doanh nghiệp có nguồn nguyên liệu đến từ Australia hoặc New Zealand. Còn báo cáo của Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam cho thấy, nhiều doanh nghiệp đã chủ động được nguồn nguyên liệu đầu vào từ 6 tháng đến 1 năm nên cũng ít bị tác động.
Theo báo cáo của Hiệp hội Cơ khí Việt Nam, lâu nay nhiều doanh nghiệp cơ khí vẫn gặp khó về việc làm. Dịch Covid-19 đã khiến nhiều doanh nghiệp cơ khí trong nước có xu hướng bắt tay với nhau để tháo gỡ khó khăn. Lượng hợp đồng đã ký tuy không lớn song cũng mang ý nghĩa trong bối cảnh hiện nay. Nhiều doanh nghiệp cơ khí bày tỏ mong muốn được kết nối với nhau nhiều hơn nữa để tận dụng được quy tắc xuất xứ tại các FTA, nhất là EVFTA trong thời gian tới.
Là ngành sản xuất sử dụng nhiều lao động nên dệt may là ngành được xem là chịu nhiều tác động từ dịch Covid-19. Báo cáo của Hiệp hội Dệt may cho thấy, các doanh nghiệp lớn thuộc khối FDI đã chủ động được nguồn nguyên phụ liệu đến hết tháng 3 - 4 nên không quá lo ngại. Trong trường hợp gặp khó thì các nhãn hàng sẽ điều tiết nguồn nguyên phụ liệu.
Trong khi đó các doanh nghiệp vừa và nhỏ là dễ tổn thương nhất. Cùng với việc thiếu nguyên phụ liệu hiện, nhiều doanh nghiệp trong khối này không có khả năng mua nguyên phụ liệu vì giá bị đẩy cao tới 30 - 40% so với trước tết. Theo khảo sát, doanh nghiệp thuộc khối này bi quan hơn trong vòng từ 2 đến 1 tuần trở lại đây cho dẫu mức giảm trong sản xuất của tháng 2 đã đỡ hơn tháng 1/2020.
Trong khi đó báo cáo của Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ cho thấy, nhiều doanh nghiệp hội viên đang bị kẹt nguồn nguyên liệu từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, hiện chỉ còn đủ nguồn nguyên liệu cho 1 tháng. Cá biệt có doanh nghiệp từ tháng 1 đến nay không tìm được nguồn nguyên liệu.
Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Hiệp hội Dệt may và Hiệp Hội Công nghiệp hỗ trợ đều mong muốn được giảm lãi vay, giãn nợ, giảm thuế GTGT, tăng cường kết nối thị trường, giảm chi phí logistics. Hiệp hội Dệt may cũng mong muốn được giải quyết gỡ khó trong vấn đề tiền lương, hoàn thuế GTGT cho doanh nghiệp mở rộng, bỏ quy định nộp thuế GTGT cho doanh nghiệp sử dụng vải trong nước làm hàng xuất khẩu. Còn Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ mong muốn tiếp cận được các nguồn cung cấp chính, thông tin về vận chuyển đường biển với các thị trường chính.
Tại buổi làm việc, đại diện Cục Công nghiệp đã đề nghị các Hiệp hội tiếp tục thông tin cụ thể hơn, rõ hơn các khó khăn hiện tại, các đề xuất miễn giảm, nhất là một số ngành sản xuất mang tính đặc thù, đặc biệt cần có các số liệu so sánh cụ thể với mục tiêu kế hoạch năm 2020, so sánh với cùng kỳ 2019. Với các chính sách hỗ trợ người lao động, các Hiệp hội cũng cần nêu cụ thể các đề xuất với Bộ LĐ- TB&XH. Trên cơ sở đó Cục sẽ tổng hợp báo cáo Chính phủ và Bộ Công Thương tại cuộc họp trực tuyến sắp tới.