Thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trong điều kiện dịch COVID-19
Chiều 12-3, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) đã tổ chức hội nghị bàn giải pháp thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trong điều kiện dịch COVID-19. Đồng chí Nguyễn Xuân Cường, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ NN và PTNT chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Khoa học và Công nghệ... Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
Chiều 12-3, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) đã tổ chức hội nghị bàn giải pháp thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trong điều kiện dịch COVID-19. Đồng chí Nguyễn Xuân Cường, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ NN và PTNT chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; lãnh đạo một số tổng công ty, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; lãnh đạo UBND, Sở NN và PTNT 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh ta có đồng chí Nguyễn Phùng Hoan, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở: NN và PTNT, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh.
Năm 2020, ngành Nông nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn khi kinh tế toàn cầu tiếp tục xu hướng tăng trưởng chậm; các nền kinh tế chủ chốt đối mặt với nhiều khó khăn; sự bùng phát của dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, chưa dự báo được thời điểm kết thúc; tác động biến đổi khí hậu xuất hiện ngay từ đầu năm gây hạn hán, xâm nhập mặn ảnh hưởng đến trồng trọt, chăn nuôi; dịch tả lợn châu Phi, cúm gia cầm… đã xuất hiện ở một số tỉnh, thành phố. Trước tình hình trên, toàn ngành tập trung triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản nhằm đảm bảo an ninh lương thực trong nước, tăng cường xuất khẩu. Phấn đấu diện tích lúa cả nước đạt 7,3 triệu ha, năng suất bình quân ước đạt 59,3 tạ/ha, tăng 1,2 tạ so với năm 2019 và sản lượng ước đạt 43,4 triệu tấn. Diện tích rau màu khoảng 980 nghìn ha, sản lượng dự kiến đạt 18,2 triệu tấn để bảo đảm dư khoảng 4,2 triệu tấn xuất khẩu. Diện tích cây ăn quả khoảng 1,1 triệu ha, tăng trên 50 nghìn ha; sản lượng ước đạt trên 13,3 triệu tấn, tăng khoảng 0,8 triệu tấn so với năm 2019. Tập trung tái đàn, thúc đẩy chăn nuôi phát triển, phấn đấu tổng sản lượng thịt các loại đạt khoảng 5,8 triệu tấn, tăng 16,3% so với năm 2019. Trong đó, sản lượng thịt lợn ước đạt 3,95 triệu tấn, tăng 19,97%; thịt gia cầm ước đạt 1,42 triệu tấn, tăng 11%; thịt trâu dạt 98,5 nghìn tấn, tăng 3,6%; thịt bò ước đạt 365,3 nghìn tấn, tăng 4,6%; sữa đạt 1,15 triệu tấn... Mặc dù còn nhiều khó khăn về xuất khẩu do dịch COVID-19 nhưng ngành thủy sản phấn đấu tổng sản lượng đạt 8,5 triệu tấn, tăng 4,4%; trong đó, sản lượng khai thác đạt 3,9 triệu tấn; nuôi trồng đạt gần 4,7 triệu tấn. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt khoảng 42 tỷ USD. Trong đó, hàng nông sản khoảng 20 tỷ USD, lâm sản và đồ gỗ khoảng 11,5 tỷ USD, các mặt hàng thủy sản khoảng 10 tỷ USD và các mặt hàng chăn nuôi khoảng 0,8 tỷ USD.
Để hoàn thành mục tiêu đề ra, Bộ NN và PTNT phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp tiếp tục thúc đẩy thực hiện tái cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu, phát huy lợi thế vùng trên cơ sở tăng tỷ trọng nuôi trồng thủy sản và cây ăn quả. Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, địa phương điều chỉnh phù hợp về cơ cấu mùa, vụ lúa, diện tích gieo trồng, cơ cấu giống hoặc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa, trồng lúa kết hợp với nuôi trồng thủy sản nhằm hạn chế thấp nhất tác động bất lợi của thời tiết, khí hậu để bảo đảm nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Rà soát, xây dựng, phát triển các vùng sản xuất đối với sản phẩm xuất khẩu chủ lực, có thị trường thuận lợi. Tập trung rà soát chuyển đổi cơ cấu chủng loại, giống cây ăn quả chất lượng, phù hợp, có thị trường tiêu thụ ổn định. Phát triển các giống cây ăn quả đặc sản có lợi thế tại các địa phương, vùng; ưu tiên công tác bình tuyển, phục tráng các giống bản địa, đặc sản địa phương. Ưu tiên nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao trong bảo quản, chế biến, khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường đầu tư đổi mới thiết bị, dây chuyền công nghệ tiên tiến, hiện đại và đồng bộ; nâng cao công suất chế biến, bảo quản trái cây; đa dạng hóa sản phẩm chế biến, tăng cường chế biến sâu. Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư liên kết với nông dân trong chuỗi giá trị; bảo đảm nguồn cung thuốc bảo vệ thực vật, phân bón. Đối với chăn nuôi lợn tiếp tục các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, nhất là bệnh dịch tả lợn châu Phi; đẩy nhanh tiến độ và quy mô tái đàn khôi phục đàn lợn nhằm ổn định thị trường và giá bán mặt hàng thịt lợn trong nước. Chỉ đạo điều chỉnh giảm mức tăng trưởng về đầu con và sản lượng gia cầm; kiểm soát chất lượng và nguồn gốc con giống, nhất là giống nhập khẩu. Khuyến khích các địa phương, người dân mở rộng quy mô đàn gia súc ăn cỏ theo hướng cả thịt và sữa… Tiếp tục chỉ đạo phát triển nuôi trồng thủy sản với các đối tượng chủ lực là tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra và các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao. Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu nông, lâm nghiệp và thủy sản; từng bước giảm dần mức độ phụ thuộc vào một số thị trường, đáp ứng tiêu chuẩn cao về xuất xứ hàng hóa, chỉ dẫn địa lý; thúc đẩy công nghiệp chế biến nông sản. Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ các mặt hàng nông sản, tiếp cận hệ thống bán lẻ, chuỗi siêu thị tại nước ngoài…
Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN và PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: Ngành Nông nghiệp đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là dịch COVID-19 ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp, tuy nhiên yêu cầu đặt ra đối với toàn ngành là cần tiếp tục phát triển đảm bảo nhu cầu cuộc sống của người dân trong nước và xuất khẩu. Vì vậy, toàn ngành Nông nghiệp cũng như các địa phương cần thống nhất, đảm bảo nguyên tắc nhận diện sớm các nguy cơ, thách thức để đề ra các giải pháp phù hợp. Tập trung chỉ đạo quyết liệt các cấp, ngành, doanh nghiệp, người dân để vượt khó khăn, thách thức. Tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trong điều kiện hiện nay. Phát hiện sớm những lợi thế để biến “nguy” thành “cơ” để khai thác, phát triển sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã cơ bản được khống chế, do đó các địa phương tập trung cao độ cho nhiệm vụ tái đàn lợn nuôi theo lộ trình, có quản lý chặt chẽ của cấp ủy, chính quyền để hạn chế dịch bệnh phát sinh, đồng thời bảo đảm nguồn cung đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, ổn định thị trường lâu dài và người chăn nuôi có lãi, ngành chăn nuôi phát triển bền vững. Các doanh nghiệp, Hiệp hội ngành nghề hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn cần chủ động phối hợp với các địa phương, các sở, ngành liên quan hỗ trợ phát triển chăn nuôi vượt qua các nguy cơ, thách thức thông qua việc hình thành các chuỗi liên kết giá trị, trong đó doanh nghiệp là hạt nhân. Bộ NN và PTNT sẽ phối hợp với bộ, ngành liên quan tổ chức các hội nghị, các đợt xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường, tạo điền kiện thúc đẩy hoạt động xuất khẩu các sản phẩm nông, lâm sản và thủy sản tiếp tục phát triển./.
Tin, ảnh: Văn Đại