Thúc đẩy tiếng nói người bệnh, xây dựng chính sách chăm sóc sức khỏe cộng đồng
Ngày 29-12, tại Hà Nội, diễn ra hội thảo với chủ đề 'Thúc đẩy tiếng nói người bệnh và người bị ảnh hưởng vào quá trình thực thi giám sát luật phòng, chống tác hại của rượu, bia và các chính sách phòng chống bệnh không lây nhiễm'.
Ngày 29-12, tại Hà Nội, diễn ra hội thảo với chủ đề “Thúc đẩy tiếng nói người bệnh và người bị ảnh hưởng vào quá trình thực thi giám sát luật phòng, chống tác hại của rượu, bia và các chính sách phòng chống bệnh không lây nhiễm”.
Tại hội thảo, bà Nguyễn Thị An, Giám đốc tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam, cho biết, xây dựng luật và chính sách chăm sóc sức khỏe cho người dân đòi hỏi chuyên môn không chỉ về mặt pháp lý, mà còn là tổng hòa của các kỹ thuật, khoa học y tế dự phòng, y tế điều trị, các chuyên ngành phục hồi chức năng, giáo dục cộng đồng. Tất cả những điều này đều dựa trên khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), phù hợp bối cảnh, điều kiện kinh tế, văn hóa nước sở tại.
Chính vì vậy, những vấn đề về chăm sóc sức khỏe cần sự tham gia của các bên liên quan, trong đó quan trọng nhất là người bệnh và những người bị ảnh hưởng từ bệnh đó. Chính những người đó sẽ hiểu rõ nhất về những gì họ phải trải qua, tuy nhiên sự tham gia của người bệnh còn rất hạn chế. Đây không chỉ là vấn đề của Việt Nam mà còn của nhiều nước trên thế giới.
Qua đó, WHO khuyến cáo, nên đẩy mạnh việc đưa tiếng nói của người bệnh, những người chịu ảnh hưởng từ bệnh tật vào trong quá trình xây dựng chính sách. Chính sách cần phù hợp, bảo đảm lợi ích tốt nhất cho những người bệnh.
Liên minh phòng, chống các bệnh không lây nhiễm của Việt Nam là một trong tám thành viên tích cực nhất của liên minh phòng, chống toàn cầu, là đơn vị tiên phong triển khai mạng lưới tiếng nói của những người bệnh, người ảnh hưởng từ bệnh vào quá trình xây dựng các chính sách liên quan.
“Chúng tôi kỳ vọng trong quá trình sửa đổi dự thảo Luật Khám, chữa bệnh mà Bộ Y tế đang tiến hành, tiếng nói của những người bệnh sẽ được thể hiện trong việc khám chữa bệnh diễn ra trong thời gian tới”, bà Nguyễn Thị An chia sẻ.
Một số đại biểu trong buổi hội thảo cũng nêu rõ quan điểm, công tác truyền thông cần hấp dẫn hơn, tuyên truyền về tác hại của rượu, bia, nâng cao nhận thức và ý thức của người dân trong việc sử dụng rượu, bia. Không lạm dụng bia, rượu trong các cuộc vui, nhất là trong thời điểm Tết dương lịch và Tết Nguyên đán sắp tới.
Bên cạnh đó, một số đại biểu cho rằng, hiện nay, ô nhiễm môi trường cũng tác động không nhỏ tới những người bệnh và bị ảnh hưởng từ bệnh. Cần đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường, tuyên truyền giáo dục về bảo vệ môi trường bằng những biện pháp tích cực và gần gũi hơn với người dân để cải thiện vấn đề này.