Thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm nông sản chủ lực sang thị trường Trung Quốc

Sáng 10.12, Tổ điều hành Diễn đàn Kết nối nông sản 970 tổ chức Diễn đàn trực tuyến 'Thúc đẩy xuất khẩu sầu riêng, chanh leo, khoai lang, chuối và các sản phẩm nông sản - thực phẩm chủ lực sang thị trường Trung Quốc' với kỳ vọng tiếp tục giải đáp thắc mắc, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để việc sản xuất, xuất khẩu được thuận lợi.

Diễn đàn được tổ chức theo hình thức trực tuyến kết hợp trực tiếp với điểm cầu chính ở Báo Nông nghiệp Việt Nam (Hà Nội); Văn phòng Bộ NN-PTNT phía Nam (TP Hồ Chí Minh) cũng như các điểm cầu tại Sở NN-PTNT các tỉnh, thành phố. Đại biểu tham dự bao gồm các doanh nghiệp, hiệp hội, hợp tác xã; các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh, các nhà bán lẻ, hệ thống phân phối đến từ nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.

Diễn đàn diễn ra tại đầu cầu Báo Nông nghiệp Việt Nam

Diễn đàn diễn ra tại đầu cầu Báo Nông nghiệp Việt Nam

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Phó Tổng biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam Trần Văn Cao cho biết, với sự nỗ lực của Cục Bảo vệ thực vật (BVTV), Cục Thú y và các đơn vị liên quan của Bộ NN-PTNT, thời gian gần đây, Tổng cục Hải quan Trung Quốc và Bộ NN-PTNT đã ký nhiều Nghị định thư quy định về kiểm dịch và an toàn thực phẩm (ATTP) đối với sầu riêng, chuối, khoai lang, tổ yến và thông báo nhập khẩu thí điểm chanh leo từ Việt Nam sang Trung Quốc. Một trong những yêu cầu đặt ra là cơ sở sản xuất phải có mã vùng trồng, vùng nuôi, mã cơ sở đóng gói được Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt nhằm quản lý về ATTP và truy xuất nguồn gốc.

Diễn đàn tổ chức nhằm mục đích kịp thời cung cấp thông tin và hướng dẫn cho doanh nghiệp, HTX, hộ nông dân nắm vững các quy định của thị trường Trung Quốc về ATTP, yêu cầu về mã vùng trồng, vùng nuôi, quy trình cấp mã cơ sở nuôi chim Yến và các biện pháp quản lý mã số; Phổ biến Danh mục các loại thuốc BVTV được phép sử dụng và Danh mục các loại thuốc BVTV cấm sử dụng ở Việt Nam vừa được Bộ NN-PTNT ban hành.

Nhiều lưu ý khi nông sản xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc

Tại diễn đàn, Đại diện Cục BVTV, bà Nguyễn Thị Phương Hoa khẳng định, các yêu cầu về an toàn thực phẩm của Trung Quốc đối với các sản phẩm nhập khẩu ngày càng khắt khe và liên tục cập nhật, bổ sung mới. Các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm vào Trung Quốc cần đáp ứng điều 5, Lệnh 248 như thuộc quốc gia có hệ thống quản lý ATTP được Tổng cục Hải Quan Trung Quốc (GACC) đánh giá tương đương; được thành lập và chịu sự giám sát hiệu quả của cơ quan có thẩm quyền quốc gia đó; thiết lập hệ thống quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm trong sản xuất, xuất khẩu hiệu quả, hợp pháp tại quốc gia đó và đảm bảo thực phẩm xuất khẩu sang Trung Quốc đáp ứng các luật và quy định liên quan và các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm của Trung Quốc.

Chia sẻ về một số lưu ý về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đối với các mặt hàng chanh leo, sầu riêng, khoai lang, chuối xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, TS Phan Thị Thu Hiền, Cục BVTV cho biết, Trung Quốc yêu cầu đối với các sản phẩm nông sản muốn vào thị trường này đều phải có mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói để phục vụ truy xuất nguồn gốc, đảm bảo an toàn thực phẩm. Đối các mặt hàng: Sầu riêng, chanh leo, khoai lang, chuối... phía bạn yêu cầu các mặt hàng này phải được đăng ký với các cơ quan chức năng ngành NN-PTNT. Sau đó, ngành NN-PTNT sẽ gửi cho Tổng cục Hải quan Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (GACC) phê duyệt. Danh sách sẽ được cập nhật thường xuyên trên trang web của GACC. Đối với vùng trồng để được cấp mã số phải tuân thủ các yêu cầu khác...

Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thực phẩm Xuất khẩu Đồng Giao Đinh Gia Nghĩa nhấn mạnh, thị trường Trung Quốc không thua kém thị trường Mỹ và châu Âu trong tiêu chuẩn về quy cách, mẫu mã sản phẩm, chất lượng. Những rào cản thương mại, các quy định về chất lượng sản phẩm ở thị trường này đều rất nghiêm túc và rõ ràng.

Thiết lập quản lý vùng trồng theo tiêu chuẩn VietGAP

Chia sẻ tại Diễn đàn, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nam Ninh (Trung Quốc) Bob Wang đã đưa ra các đề xuất cho việc xuất khẩu trái cây Việt Nam sang Trung Quốc. Đầu tiên, các cơ quan chức năng và nông dân trồng trái cây Việt Nam cần kiểm soát chặt chẽ chất lượng trái cây và xây dựng các quy tắc thống nhất để đảm bảo rằng việc hái và khử trùng trái cây đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế; nghiêm ngặt trong quy trình đóng gói, bán hàng và nên áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc chất lượng. Việt Nam cần xây dựng mô hình nông nghiệp mới kết nối chặt chẽ giữa người sản xuất và người bán hàng, đồng thời nắm bắt được những thông tin mới nhất của thị trường Trung Quốc. Chính phủ Việt Nam nên thành lập cơ quan xúc tiến thương mại nông sản với Trung Quốc để giúp xây dựng thương hiệu và tiếp thị nông sản Việt Nam tại Trung Quốc. Cho dù đó là thiết lập văn phòng thường trú tại Trung Quốc hay thông qua mua sắm trực tuyến cũng cung cấp cho người dân các kênh mua sắm thuận tiện với ít người trung gian hơn.

Sầu riêng là sản phẩm nông sản được người dân Trung Quốc ưa chuộng

Sầu riêng là sản phẩm nông sản được người dân Trung Quốc ưa chuộng

“Trong năm nay, dự án ‘Chợ trái cây quốc tế' sẽ khởi động tại Trung Quốc và điểm dừng chân đầu tiên là điểm thường trực của Hội chợ triển lãm Trung Quốc-ASEAN: Thủ phủ tỉnh Quảng Tây, thành phố Nam Ninh. Chúng tôi dự định tổ chức một cuộc triển lãm và bán sầu riêng quy mô lớn tại Nam Ninh, chủ yếu thông qua mô hình bán trước trực tuyến để đổi mới mô hình bán trái cây Việt Nam tại Trung Quốc”, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nam Ninh thông tin.

Với kinh nghiệm 15 năm xây dựng thương hiệu Việt Nam tại thị trường Trung Quốc, Chủ tịch Hội doanh nghiệp Việt Nam lâm thời tại Trung Quốc Trà My nhận định, để sản phẩm nông sản Việt tiếp cận được thị trường 1,4 tỷ dân, trước tiên là phải bảo hộ thương hiệu. Tiếp đó, cần tìm những nhà nhập khẩu hoặc phân phối có thực lực về kinh tế, kênh bán hàng tốt hoặc tận dụng nguồn lực kiều bào và hội doanh nghiệp Việt Nam tại các nước bản địa. Doanh nghiệp Việt Nam nên thay đổi tư duy, không bán những gì mình có mà nên nghiên cứu nhiều hơn thị trường mình cần thâm nhập. Trung Quốc là quốc gia có yêu cầu rất cao về mẫu mã, số lượng.

Đưa ra những hướng dẫn sản xuất nông sản đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc, Ths. Ngô Xuân Chinh - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chuyển giao tiến bộ kĩ thuật nông nghiệp, Viện Khoa học và Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam, cho biết, việc thiết lập quản lý vùng trồng theo tiêu chuẩn VietGAP sẽ đảm bảo được tính minh bạch để truy nguyên được nguồn gốc sản phẩm và nâng cao chất lượng cũng như hiệu quả sản xuất nông sản của Việt Nam.

Trang Nhung

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/doi-song/thuc-day-xuat-khau-cac-san-pham-nong-san-chu-luc-sang-thi-truong-trung-quoc-i310966/