Thực hiện cao điểm đảm bảo trật tự, an toàn giao thông trong học sinh

Thực hiện theo sự chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, Công an tỉnh đã triển khai cao điểm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) trong học sinh trên địa bàn tỉnh. Thời gian thực hiện cao điểm từ ngày 1/10/2024 đến hết ngày 31/10/2024.

Đại tá Trần Văn Hòa - Phó Giám đốc Công an tỉnh, Phó Trưởng Ban ATGT tỉnh cho biết, mục đích yêu cầu của đợt cao điểm là tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chính quyền, các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai thực hiện theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh về thực hiện Chỉ thị số 31/CT-TTg, ngày 21/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm TTATGT cho lứa tuổi học sinh trong tình hình mới. Quán triệt đến tất cả cán bộ, chiến sĩ thực hiện nghiêm các kế hoạch của Cục Cảnh sát giao thông, nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về tư duy, nhận thức và hành động quyết liệt hơn nữa trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về bảo đảm TTATGT cho lứa tuổi học sinh. Không để xảy ra tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng liên quan lứa tuổi học sinh trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, các cơ quan liên quan sẽ chủ động phối hợp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT với nội dung, hình thức phù hợp từng địa bàn, đối tượng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của người dân, nhất là trong lứa tuổi học sinh. Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm học sinh vi phạm TTATGT ngay trong nhà trường và trên các tuyến giao thông; xử lý người giao xe cho các em học sinh chưa đủ điều kiện điều khiển loại phương tiện, trách nhiệm của nhà trường trong việc quản lý, giáo dục các em học sinh. Kết hợp chặt chẽ giữa tuyên truyền, giáo dục với kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; việc xử lý phải linh hoạt, mềm dẻo, không gây bức xúc cho phụ huynh học sinh và làm ảnh hưởng đến tâm lý lứa tuổi học sinh. Đồng thời cương quyết xử lý nghiêm các trường hợp cố tình cản trở, chống đối người thi hành công vụ.

Thực tế hiện nay, học sinh điều khiển xe gắn máy trên 50 phân khối khi chưa có giấy phép lái xe vẫn còn khá phổ biến. Ảnh: SONG LÊ

Thực tế hiện nay, học sinh điều khiển xe gắn máy trên 50 phân khối khi chưa có giấy phép lái xe vẫn còn khá phổ biến. Ảnh: SONG LÊ

Tiếp tục làm tốt công tác điều tra cơ bản nắm tình hình tuyến, địa bàn phân công phụ trách có các trường trung học phổ thông, trung học cơ sở để phối hợp với cấp ủy, chính quyền cơ sở đẩy mạnh công tác tuyên truyền về thực hiện cao điểm. Xác định thời điểm có nhiều học sinh, thanh thiếu niên, người nhà học sinh điều khiển phương tiện vi phạm; các tổ chức, cá nhân sử dụng xe ôtô, các phương tiện thủy, bến khách ngang sông đưa đón học sinh, các hộ dân xung quanh khu vực các trường học nhận trông giữ xe môtô trên 50cm3 của học sinh để chủ động phối hợp, triển khai các biện pháp tuyên truyền, kiểm tra, xử lý vi phạm về TTATGT.

Thông qua hoạt động nghiệp vụ để chủ động nắm chắc tình hình trên không gian mạng và qua các cơ quan thông tin đại chúng, hệ thống camera giám sát giao thông để xác định thời gian, phương thức, tuyến đường, địa điểm, nơi các đối tượng trong lứa tuổi học sinh thường tụ tập đua xe trái phép, lạng lách, đánh võng gây mất TTATGT, trật tự công cộng nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý ngay từ ban đầu.

Lực lượng cảnh sát giao thông chủ động phối hợp chặt chẽ các cơ quan, đơn vị có liên quan, nhà trường, báo, đài, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT. Xây dựng văn hóa giao thông văn minh (văn hóa chấp hành pháp luật về ATGT; văn hóa ứng xử khi tham gia giao thông; ứng xử khi chứng kiến tai nạn, va chạm giao thông; ứng xử khi tham gia xe buýt, xe khách và các loại hình phương tiện giao thông khác; ứng xử khi bị tai nạn, va chạm giao thông, ùn tắc giao thông...). Đưa những vụ việc lứa tuổi học sinh vi phạm TTATGT và hậu quả những vụ TNGT có liên quan trên các phương tiện thông tin đại chúng để răn đe, phòng ngừa, nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật về TTATGT cho lứa tuổi học sinh và phụ huynh học sinh.

Kiểm tra, xử lý học sinh vi phạm về TTATGT, kết hợp với nhắc nhở, giáo dục để tránh tình trạng tái phạm. Ảnh: SONG LÊ

Kiểm tra, xử lý học sinh vi phạm về TTATGT, kết hợp với nhắc nhở, giáo dục để tránh tình trạng tái phạm. Ảnh: SONG LÊ

Tiếp tục triển khai đến từng hộ gia đình ký cam kết không giao xe cho học sinh điều khiển khi chưa đủ điều kiện theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh; tiếp tục nhân rộng mô hình “Cổng trường an toàn giao thông”, các “Đội cờ đỏ” tại khu vực cổng trường trong các giờ cao điểm, nhằm tạo thói quen cho học sinh và phụ huynh học sinh chấp hành pháp luật về giao thông. Tập hợp chung danh sách học sinh trên địa bàn tỉnh vi phạm TTATGT đã thông báo đến các nhà trường để gửi đến Sở Giáo dục và Đào tạo nhằm có biện pháp kiểm tra, đôn đốc, chấn chỉnh. Yêu cầu các nhà trường có học sinh vi phạm phối hợp với phụ huynh giáo dục không để tái phạm.

Kiến nghị ngành Giáo dục và Đào tạo tiếp tục đưa nội dung chấp hành pháp luật về TTATGT là một trong những tiêu chí đánh giá thi đua hằng năm đối với cơ sở giáo dục và đánh giá, xếp loại hạnh kiểm đối với học sinh trong từng học kỳ và năm học. Xử lý dứt điểm, không để nhà trường và các hộ dân xung quanh các trường học nhận trông giữ xe môtô của học sinh.

Tập trung kiểm tra tuyến đường, địa bàn của cả thành thị lẫn nông thôn và trên đường bộ, đường thủy. Đối với đường bộ sẽ tập trung kiểm tra, xử lý vi phạm điều khiển xe không có giấy phép lái xe; không đội mũ bảo hiểm; chạy dàn hàng ngang; chở quá số người quy định; không chấp hành hiệu lệnh, tín hiệu giao thông; đi ngược chiều của đường một chiều; bấm còi, rú ga; điều khiển xe chạy bằng một bánh đối với xe hai bánh; sử dụng chân chống hoặc vật khác quẹt xuống đường khi xe đang chạy; lạng lách đánh võng; tụ tập gây rối trật tự công cộng, đua xe trái phép; giao phương tiện cho người chưa đủ điều kiện điều khiển tham gia giao thông…

Đối với đường thủy sẽ kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm đón trả khách không đúng quy định, chở quá số người quy định, không trang bị đầy đủ các thiết bị an toàn như áo phao, dụng cụ cứu sinh, cứu đắm cho học sinh; đưa phương tiện không đủ điều kiện vào hoạt động đưa đón học sinh; giao phương tiện cho người không đủ điều kiện điều khiển; không mặc áo phao khi tham gia giao thông trên đường thủy; thuyền viên, người lái phương tiện đang làm việc trên phương tiện mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, ma túy.

Công tác đảm bảo TTATGT trong học sinh cần phải được thực hiện quyết liệt để ngăn chặn, giảm thiểu tai nạn giao thông và xây dựng văn hóa tự giác chấp hành pháp luật về giao thông trong lứa tuổi học sinh, thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước.

SONG LÊ

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/phap-luat/202410/thuc-hien-cao-iem-am-bao-trat-tu-an-toan-giao-thong-trong-hoc-sinh-6f71d1f/