Thực hiện Chiến lược công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh

Để phát triển toàn diện và bền vững vùng dân tộc thiểu số và miền núi, ngày 12/3/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 449 về phê duyệt Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020 (viết tắt là chiến lược). Tiếp đó, ngày 4/12/2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2356 về chương trình hành động thực hiện chiến lược.

Sau 5 năm triển khai thực hiện, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tập trung chỉ đạo đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, các chính sách của chiến lược đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Trên địa bàn tỉnh Lào Cai, cơ cấu kinh tế có sự chuyển dần từ sản xuất nông nghiệp là chính sang sản xuất công nghiệp, dịch vụ, du lịch. Tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, giai đoạn sau cao hơn giai đoạn trước; giai đoạn 2014 - 2019 đạt hơn 10%, riêng năm 2018 đạt 10,23%. Sản lượng lương thực tăng liên tục, bảo đảm an ninh lương thực trên địa bàn tỉnh; tốc độ tăng trưởng bình quân 7,0%/năm. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư nâng cấp, mở rộng và tương đối đồng bộ, đã xây dựng được một số công trình hiện đại, có ý nghĩa lịch sử. Hằng năm, tỉnh dành hơn 70% nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cho vùng nông thôn, vùng cao, vùng dân tộc thiểu số. Đến nay, diện mạo vùng nông thôn đã có nhiều thay đổi.

Đồng chí Nông Đức Ngọc, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh trao đổi công tác dân tộc với đại biểu người có uy tín tại hội nghị biểu dương người uy tín năm 2017. Ảnh: Gia Lâm

Đồng chí Nông Đức Ngọc, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh trao đổi công tác dân tộc với đại biểu người có uy tín tại hội nghị biểu dương người uy tín năm 2017. Ảnh: Gia Lâm

Công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động vùng dân tộc thiểu số được chú trọng. Trong 5 năm qua, đã triển khai hơn 5.042 dự án vay vốn, với gần 219,5 tỷ đồng; tạo việc làm cho 77.670 người, trong đó có 47.500 lao động là người dân tộc thiểu số, góp phần tạo việc làm ổn định, nâng cao thu nhập, đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số. Năm 2018, tỷ lệ giảm nghèo của tỉnh là 5,56%, tương ứng hơn 8 nghìn hộ thoát nghèo (tỷ lệ hộ nghèo còn 16,25%); thu nhập bình quân đầu người đạt gần 62 triệu đồng…

Giáo dục, đào tạo có bước phát triển, trung bình mỗi năm huy động hơn 100 tỷ đồng hỗ trợ sự nghiệp giáo dục. Toàn tỉnh hiện có 9/9 trường phổ thông dân tộc nội trú có cấp THPT, 128 trường phổ thông dân tộc bán trú với 2.064 lớp, 47.366 học sinh. Hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú đã trở thành nòng cốt của giáo dục dân tộc, giáo dục vùng cao.

Chất lượng khám - chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân ngày càng được nâng cao; hệ thống y tế được củng cố, phát triển từ tuyến tỉnh đến cơ sở. Toàn tỉnh hiện có 4.835 cán bộ y tế, trong đó có 212/857 bác sỹ là người dân tộc thiểu số, đạt 11,6 bác sỹ/vạn dân. Vì vậy, đồng bào dân tộc thiểu số cơ bản được tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe, đồng bào nghèo được khám - chữa bệnh miễn phí. Các dịch bệnh ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi như sốt rét, bướu cổ... cơ bản được khống chế, giảm đáng kể tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng...

Văn hóa của các dân tộc trên địa bàn được bảo tồn và phát triển, góp phần đẩy lùi lạc hậu. Hoạt động đối ngoại tiếp tục mở rộng, đi vào chiều sâu và đặc biệt là công tác xây dựng Đảng có nhiều đổi mới. Hệ thống chính trị cơ sở vùng dân tộc thiểu số được củng cố, kiện toàn và ngày càng phát huy hiệu quả. Quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm. Khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng được củng cố và tăng cường...

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được sau 5 năm thực hiện, các chính sách dân tộc trong chiến lược còn một số hạn chế. Hệ thống chính sách dân tộc chưa thực sự đồng bộ, thiếu kết nối. Công tác phối hợp giữa các cơ quan trong xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách chưa chặt chẽ. Một số chính sách được xây dựng còn mang tính chủ quan, chưa sát với đặc điểm vùng, miền, văn hóa đặc thù của đồng bào dân tộc thiểu số. Chưa có cơ chế đặc thù để phát huy nội lực người dân, người nghèo trong tiến trình hội nhập quốc tế. Nguồn lực bố trí cho các chính sách dân tộc chưa thực hiện theo đúng mục tiêu đề ra, tiến độ triển khai chậm và luôn phải kéo dài thời gian thực hiện. Việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế diễn ra chậm, các hình thức liên kết, tiêu thụ sản phẩm chưa phát triển, giải quyết việc làm ở vùng nông thôn còn nhiều hạn chế. Các mô hình sản xuất hiệu quả còn ít, chưa bền vững, chủ yếu mới được thực hiện trong vòng đời dự án. Công tác bảo tồn và phát triển những giá trị văn hóa truyền thống ở các vùng dân tộc thiểu số còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu và nguyện vọng của đồng bào các dân tộc. Đội ngũ cán bộ quản lý và làm công tác văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn thiếu và yếu…

Để khắc phục những hạn chế, hướng tới sự phát triển toàn diện, bền vững vùng dân tộc thiểu số cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, cần chỉ đạo thực hiện đồng bộ, lồng ghép hiệu quả các nguồn lực, chương trình, chính sách, đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại vùng dân tộc và miền núi, trong đó tập trung và chủ động triển khai thực hiện các chính sách, chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, các chính sách dành riêng cho đồng bào dân tộc thiểu số… Ưu tiên bố trí ngân sách, xây dựng và triển khai đề án tập trung cho những thôn, bản đặc biệt khó khăn. Bên cạnh đó, có cơ chế thu hút doanh nghiệp đầu tư vào khu vực này, khai thác lợi thế để phát triển kinh tế lâm nghiệp, cây đặc sản, chăn nuôi, du lịch... Tiếp tục đầu tư phát triển giáo dục - đào tạo; thực hiện chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ gạo, tiền; đầu tư phát triển hệ thống y tế; đào tạo nhân lực y tế để chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao chất lượng dân số gắn với mục tiêu phát triển bền vững. Tăng cường tuyên truyền để nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của người dân; khắc phục tình trạng trông chờ, ỷ lại của một bộ phận người dân…

Sau 6 năm triển khai và 5 năm thực hiện chiến lược, hệ thống chính sách dân tộc đã được bao phủ trên địa bàn toàn tỉnh. Việc triển khai thực hiện các chính sách đã cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi, qua đó giải quyết được nhu cầu, nguyện vọng của người dân. Các chính sách không chỉ giải quyết cơ bản những khó khăn, bức xúc nhất trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, mà còn tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, là nền tảng để thực hiện tốt chính sách đại đoàn kết các dân tộc ở địa phương.

Nông Đức Ngọc

Trưởng Ban Dân tộc tỉnh

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/chinh-tri/thuc-hien-chien-luoc-cong-tac-dan-toc-tren-dia-ban-tinh-z1n2019100208131136.htm