Thực hiện chính sách dân tộc: Kết quả phải được đo bằng mức tăng thu nhập, nâng cao thực chất đời sống của đồng bào
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến trả lời phỏng vấn Chuyên đề DTTS và miền núi - Báo Công Thương nhân dịp đón chào năm mới và Tết Tân Sửu 2021.
P.V: Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng – sự kiện chính trị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với đất nước - đã thành công tốt đẹp. Nội dung Văn kiện Đại hội XIII tiếp tục nhấn mạnh đến vấn đề “Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc”. Điều này có ý nghĩa như thế nào đối với công tác dân tộc giai đoạn tới, thưa ông?
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến: Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng đã nêu rõ “Bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển; đầu tư phát triển, tạo chuyển biến căn bản về kinh tế, văn hóa, xã hội ở vùng có đông đồng bào DTTS”... Điều này khẳng định, chính sách dân tộc luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm và triển khai thực hiện nhất quán trong mọi thời kỳ. Trong đó, bình đẳng, đoàn kết, tương trợ giúp nhau cùng phát triển là quan điểm rất quan trọng, thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng ta trong các thời kỳ cách mạng.
54 dân tộc anh em với những điều kiện, trình độ, phong tục, tập quán khác nhau, phải thật sự bình đẳng, yêu thương, đoàn kết, giúp đỡ, gắn bó với nhau. Ngược lại, đoàn kết chặt chẽ giữa các dân tộc thì mọi khó khăn, trở ngại đều có sức mạnh vượt qua. Chính vì vậy, mỗi cán bộ, đảng viên trực tiếp hoặc gián tiếp làm công tác dân tộc phải nhận thức sâu sắc đầy đủ vấn đề này, từ đó nỗ lực cao nhất để công tác dân tộc đạt hiệu quả như mong muốn.
Trên thực tế, để tạo chuyển biến căn bản cho vùng đồng bào DTTS, những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, nghị định để các cấp, các ngành thực hiện tốt chính sách dân tộc, công tác dân tộc. Giai đoạn 2021 - 2025 tới đây, “Chương trình Mục tiêu Quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi” chính là một trong những giải pháp trọng tâm cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng đối với công tác dân tộc; hướng tới mục tiêu hỗ trợ, giúp đỡ đồng bào DTTS vùng khó khăn phát triển kinh tế, cơ sở hạ tầng, xóa đói giảm nghèo, phát triển giáo dục đào tạo, xây dựng đời sống ngày càng no đủ, tiến bộ.
Muốn làm được điều này, những chính sách chúng ta xây dựng phải thật cụ thể, thiết thực, kết quả của chính sách phải được đo bằng tăng thu nhập, nâng cao thực chất đời sống của đồng bào. Mặt khác, bản thân đồng bào phải chủ động vươn lên, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, sự giúp đỡ của xã hội để phát triển. Có như vậy, chúng ta mới thực hiện thắng lợi nhiệm vụ công tác dân tộc một cách hiệu quả, bền vững theo các mục tiêu Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.
P.V: Thưa ông, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 sẽ chính thức được triển khai từ năm 2021. Chúng ta có thể kỳ vọng những gì vào bước ngoặt đột phá trong công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc thời gian tới?
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến: Sau rất nhiều nỗ lực, đến nay Chương trình MTQG đã hoàn thành toàn bộ hồ sơ và đang trình Hội đồng thẩm định nhà nước phê duyệt. Mức đầu tư cho giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 137.000 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách trung ương nhà nước là 104.000 tỷ đồng.
Đó là sự quan tâm rất lớn của Đảng và Nhà nước, một dấu ấn lịch sử của công tác dân tộc. Chương trình MTQG là động lực mạnh mẽ để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững cho đồng bào; phát triển sự nghiệp giáo dục, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; nâng cao chất lượng công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân; phát triển văn hóa, thông tin và du lịch; đảm bảo quốc phòng, an ninh, đối ngoại; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở vùng dân tộc thiểu số và miền núi vững mạnh. Đặc biệt là giải quyết những vấn đề cấp thiết về nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt..., tạo sinh kế, tăng thu nhập cho người dân; thu hẹp dần khoảng cách so với vùng phát triển, giảm dần, tiến tới không còn xã, thôn có điều kiện đặc biệt khó khăn về kinh tế, xã hội ở vùng đồng bào DTTS và miền núi vào năm 2030.
Thực hiện vai trò của mình, Ủy ban Dân tộc đang nỗ lực để hoàn thành tốt nhất “sứ mệnh” được Đảng và Nhà nước giao phó; phối hợp hiệu quả với các bộ, ngành, địa phương phấn đấu tạo nên bước đột phá trong công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước.
P.V: Xin cảm ơn ông!