Thực trạng sản xuất và tiêu thụ nông sản đặc trưng, đặc sản ở huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa
THS. NGUYỄN THỊ HUYỀN - THS. LÊ THỊ THÙY LINH (Bộ môn Quản trị kinh doanh, Khoa Kinh tế - Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Hồng Đức)
TÓM TẮT:
Bá Thước là huyện miền núi có diện tích khá rộng thuộc địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Đây là huyện có nhiều nông sản đặc trưng, đặc sản phong phú, đa dạng, có giá trị kinh tế cao. Trong những năm gần đây, các nông sản đặc trưng của huyện đã được quan tâm phát triển và tiêu thụ trên thị trường, tuy nhiên chưa khai thác hết những tiềm năng sẵn có. Xuất phát từ thực tiễn trên, bài viết phân tích thực trạng và đề xuất các giải pháp thúc đẩy tiêu thụ nông sản đặc trưng, đặc sản của huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa.
Từ khóa: Nông sản đặc trưng, đặc sản, tiêu thụ sản phẩm, Bá Thước, Thanh Hóa.
1. Đặt vấn đề
Bá Thước là huyện miền núi thuộc tỉnh Thanh Hóa, cách Thành phố Thanh Hóa khoảng 120 km về phía Bắc Tây Bắc, diện tích đất tự nhiên 77.522,02 ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp 7.314,59 ha, đất lâm nghiệp 53.139,04 ha, đất phi nông nghiệp 4.284,05 ha và đất chưa sử dụng là 12.692,12 ha (có 338,16 ha đất bằng và 4.087,68 ha đất đồi núi). Đơn vị hành chính gồm 22 xã và 1 thị trấn, trong đó có 13 xã đặc biệt khó khăn (thuộc chương trình 135 của Chính phủ); 14 xã thuộc diện vùng cao. Bá Thước có các dân tộc chiếm đa số là Mường, Thái, Kinh,… và một số ít dân tộc anh em khác cùng sinh sống. Căn cứ vào địa hình, địa mạo và tình hình thực tế phát triển sản xuất có thể chia thành 3 tiểu vùng trên địa bàn huyện:
Vùng núi cao: Gồm 6 xã là Ban Công, Thành Lâm, Thành Sơn, Lũng Niêm, Cổ Lũng, Lũng Cao.
Vùng đồi, núi thấp: Gồm 7 xã là Tân Lập, Lương Trung, Lương Nội, Lương Ngoại, Thiết Kế, Kỳ Tân và Văn Nho
Vùng thấp: Gồm 10 xã, thị trấn là Thiết Ống, Lâm Xa, Ái Thượng, Hạ Trung, Điền Quang, Điền Lư, Điền Trung, Điền Hạ, Điền Thượng và Thị trấn Cành Nàng.
Do địa hình chia cắt mạnh đã tạo nên nhiều tiểu vùng khí hậu và các yếu tố nông hóa, thổ nhưỡng khác nhau. Điều đó đã tạo cho huyện nhiều sản phẩm nông nghiệp mang tính đặc thù và là đặc sản của các vùng miền trong tỉnh.
2. Những thuận lợi và khó khăn trong sản xuất nông sản (cây, con) ở khu vực miền núi Bá Thước (vốn sản xuất, kinh nghiệm, khoa học kỹ thuật) 2.1. Thuận lợi
Sản xuất nông nghiệp tiếp tục được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, các ngành. Các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp tiếp tục được triển khai thực hiện, nhất là chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất theo Nghị quyết 30a, 135 và Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; Chính sách hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi và tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh; Chính sách nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ theo Quyết định 50 của Thủ tướng Chính phủ; Nghị quyết của huyện về phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm và cơ chế khuyến khích phát triển chăn nuôi tập trung theo hướng gia trại, trang trại và nông hộ hay đã góp phần tăng cường cơ sở vật chất, kỹ thuật cho sản xuất, tạo thêm động lực cho nông dân và doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Các chương trình, dự án đầu tư phục vụ sản xuất, nhất là công trình thủy lợi, giao thông nội đồng đã và đang được đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp đưa vào sử dụng ngày càng có hiệu quả.
Ngày càng có nhiều doanh nghiệp quan tâm đầu tư vào lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi theo hướng sản xuất thực phẩm an toàn, là cơ sở để tổ chức lại sản xuất, hình thành các chuỗi giá trị, nâng cao hiệu quả sản xuất trồng trọt.
Các tiến bộ kỹ thuật về giống, kỹ thuật thâm canh, phòng trừ sâu bệnh; cơ giới hóa trong sản xuất tiếp tục được đưa vào khảo nghiệm và ứng dụng trên địa bàn huyện là điều kiện thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp ngày một phát triển ổn định, bền vững.
2.2. Khó khăn 2.2.1. Đối với trồng trọt
Tình hình biến đổi khí hậu và diễn biến thời tiết bất thường, cực đoan, tiếp tục gây khó khăn lớn cho sản xuất trồng trọt.
Giá các loại nông sản như lúa gạo, ngô, mía đường, sắn và một số nông sản khác ở mức thấp ảnh hưởng đến tâm lý đầu tư thâm canh của nông dân trong sản xuất trồng trọt.
Diện tích sản xuất các loại cây trồng nói chung hầu hết là nhỏ lẻ, manh mún, lao động trong nông nghiệp đang từng bước thiếu hụt do lực lượng lao động trẻ đi làm ăn xa gây nhiều khó khăn cho sản xuất trồng trọt.
2.2.2. Đối với chăn nuôi
Tập quán sản xuất của các hộ dân còn nhiều hạn chế, đang xem chăn nuôi là việc kết hợp sản xuất nông, lâm nghiệp nên chưa mạnh dạn đầu tư phát triển chăn nuôi với số lượng tổng đàn lớn, phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa.
Giá cả thị trường đầu ra các sản phẩm chăn nuôi không ổn định, đặc biệt là giá lợn hơi duy trì mức thấp; thiếu các doanh nghiệp liên kết đầu tư và bao tiêu sản phẩm đầu ra với giá tối thiểu, trong khi giá thức ăn đầu vào cao nên khi đầu tư phát triển với số lượng quy mô tổng đàn lớn người chăn nuôi thường gặp rủi ro dẫn đến tâm lý ngại đầu tư.
Một số cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa thực sự vào cuộc một cách quyết liệt, việc tổ chức thực hiện nghị quyết, đề án, kế hoạch còn chậm, kết quả chưa cao.
Công tác quản lý nhà nước về chăn nuôi thú y có mặt còn hạn chế, đặc biệt là công tác tiêm phòng, vận chuyển, buôn bán và kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm. Việc theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, sơ kết ở một số đơn vị còn chưa được thường xuyên; xây dựng và nhân rộng điển hình còn ít, đội ngũ cán bộ chăn nuôi, thú y ở cấp huyện, cấp xã còn hạn chế.
3. Thực trạng sản xuất nông sản đặc trưng ở huyện Bá Thước
Có thể kể đến một số sản phẩm nông nghiệp mang tính đặc trưng, đặc sản của Bá Thước như Quýt hôi Quốc Thành, Giảo cổ lam, vịt Cổ Lũng.
3.1. Quýt hôi Quốc Thành
Với khí hậu, thổ nhưỡng đặc trưng, Quýt hôi Quốc Thành khác biệt với các vùng khác, là giống quýt riêng chỉ có ở 6 xã khu vực Quốc Thành (Ban Công, Thành Lâm, Thành Sơn, Lũng Niêm, Cổ Lũng, Lũng Cao).
Hiện, toàn khu vực Quốc Thành của huyện có khoảng 31 ha trồng quýt, trong đó 20 ha đang cho thu hoạch quả. Sản lượng quýt hàng năm cho thu hoạch đạt sản lượng là 121 tấn, với giá bình quân 15.000 - 20.000 đ/kg. Đến nay, sản phẩm Quýt hôi Quốc Thành ngày càng khẳng định chất lượng trên thị trường và được người dân mở rộng quy mô sản xuất. Với đầu ra cung không đủ cầu, cây quýt đang dần trở thành một trong những sản phẩm hàng hóa giúp người dân xóa đói, giảm nghèo. Thời gian tới, huyện sẽ huy động nguồn lực để đầu tư phát triển vùng trồng quýt với quy mô phù hợp, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng cây quýt. Quản lý thương hiệu, tăng cường xúc tiến và quảng bá tiêu thụ sản phẩm, nhằm tăng thu nhập, nâng cao đời sống của người trồng quýt, góp phần thực hiện mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
3.2. Giảo cổ lam
Cây giảo cổ lam được phân bố ở 6 xã khu vực Quốc Thành (Ban Công, Thành Lâm, Thành Sơn, Lũng Niêm, Cổ Lũng, Lũng Cao).
Trước đây, cây giảo cổ lam mọc tự nhiên trong rừng được người dân thu hái bán tươi cho các đầu mối tại địa phương với giá 3.000 - 5.000đ/kg. Các đầu mối sau khi thu mua phơi khô và bán cho tư thương với giá từ 30.000 - 50.000đ/kg.
Từ năm 2012, xác định giảo cổ lam là sản phẩm bản địa, có giá trị kinh tế cao, có tiềm năng để phát triển kinh tế vùng, UBND huyện Bá Thước đã đầu tư xây dựng mô hình trình diễn trồng di thực cây giảo cổ lam về vườn hộ gia đình. Theo đánh giá bước đầu, cây giảo cổ lam sau 4 - 5 tháng kể từ ngày trồng có thể tiến hành thu hoạch. Mỗi năm, cây giảo cổ lam có thể cho thu hoạch 3 lứa, năng suất trung bình 180kg - 200kg khô/sào (500m2)/lứa cắt, tương đương 3.600 - 4.000kg giảo cổ lam khô/ha/lứa cắt.
Hiện tại, sản phẩm giảo cổ lam tại địa bàn được người dân thu hoạch từ 2 nguồn là tại các vườn rừng và trồng tại vườn nhà. Đây là sản phẩm quý hiếm, giá bán tại thời điểm là 50.000 - 70.000đồng/kg khô.
Đầu ra cho sản phẩm giảo cổ lam rất tốt, thường cung không đủ cầu. Sản phẩm được bán cho các đơn vị như Công ty Dược Đông Á, hoặc các tư thương và người dân tại các tỉnh, thành phố như Hải Phòng, Hà Nội, Nam Định,… và các huyện trong tỉnh Thanh Hóa.
3.3. Vịt Cổ Lũng
Giống vịt Cổ Lũng được bà con nông dân chăn nuôi theo hình thức chăn thả (lúa - vịt) là chính, vịt có tuổi đẻ 23 - 24 tuần, khối lượng vào đẻ 1,6 - 1,8kg, năng suất trứng 130 - 145 quả/mái/năm, nuôi thịt 3 tháng đạt 1,6 - 1,7kg. Đây là giống vịt đặc sản của vùng Bá Thước tỉnh Thanh Hóa, được nuôi nhiều ở 2 xã Cổ Lũng và Lũng Niêm.
Thời gian trước, giống vịt Cổ Lũng được bà con chăn nuôi theo cách tự phát, mỗi nhà nuôi vài chục con và tự nhân lên, không có sự đầu tư về công tác giốngkhiến số lượng giảm dần, bị lai tạp bởi các giống vịt có năng suất cao khác.
Từ năm 2010, việc khôi phục và phát triển giống vịt Cổ Lũng đã được quan tâm, đầu tư hơn. Nhiều chương trình, dự án để phục hồi và phát triển giống vịt bản địa này, mở ra hướng phát triển chăn nuôi vịt chất lượng cao, đem lại lợi ích kinh tế trực tiếp cho nông dân, đồng thời là cơ sở để lưu giữ các nguồn gen quý, nhằm lai tạo ra các giống vịt mang thương hiệu Việt Nam.
Từ năm 2016, vịt Cổ Lũng được huyện Bá Thước xác định là vật nuôi có lợi thế của địa phương và được đưa vào Nghị quyết chuyên đề của Huyện ủy Bá Thước để chỉ đạo phát triển. Qua 2 năm thực hiện, tổng đàn vịt Cổ Lũng đã tăng lên đáng kể, năm 2016 là 28.140 con, đến năm 2017 là 30.850 con. Hiện tại, đầu ra của vịt Cổ Lũng rất tốt, cung không đủ cầu, giá bán vịt Cổ Lũng trung bình từ 80.000 đồng - 100.000 đồng /kg. Đây là giống vịt mang lại nguồn thu đáng kể cho người chăn nuôi. Dự kiến, trong năm 2020, Bá Thước sẽ đưa tổng đàn vịt Cổ Lũng ổn định ở mức 52.000 con.
4. Một số định hướng trong thời gian tới đối với sản xuất và tiêu thụ nông sản đặc trưng, đặc sản ở huyện Bá Thước 4.1. Đối với lĩnh vực sản xuất
Huyện đã sử dụng hơn 14 tỷ đồng để thực hiện 33 mô hình trồng trọt, 15 mô hình chăn nuôi, 3 mô hình cơ giới hóa, với 2.536 hộ tham gia. Hiện có nhiều mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, như: Mô hình cấy lúa SRI đưa năng suất lúa toàn huyện từ 46 tạ/ha năm 2010 đến nay tăng lên 56 tạ/ha năm, mô hình trồng ngô Đông trên đất 2 lúa cho hiệu quả kinh tế 40 triệu đồng/ha/vụ.
Tái cơ cấu ngành trồng trọt theo phương châm phát triển hàng hóa các cây trồng đặc sản, truyền thống. Chú trọng thâm canh, tăng năng suất, sản lượng các cây trồng chính, như: Lúa, ngô, mía, sắn; Phát triển ổn định vùng nguyên liệu nghệ dược liệu, rau an toàn, hoa, quả công nghệ cao, từng bước khảo nghiệm và phát triển vùng nguyên liệu cây gai xanh, tích cực thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển một phần diện tích đất trồng lúa, đất đồi thấp, đất vườn tạp trồng các cây trồng có hiệu quả kinh tế cao hơn.
Cây lúa: Tái cơ cấu cây lúa theo hướng đảm bảo an ninh lương thực, phấn đấu năm 2020 diện tích ước đạt 2.519 ha, năng suất ước đạt 49,5 tạ/ha, sản lượng ước đạt 12.473 tấn, không để đất bỏ hoang, đất trồng lúa kém hiệu quả. Sử dụng 100% bộ giống lúa chủ lực, cho năng suất, chất lượng cao.
Cây ngô: Ổn định, từng bước tăng năng suất, sản lượng cây ngô bằng cách sử dụng các giống ngô lai cho năng suất cao, có tính kháng sâu bệnh và thuốc cỏ như các giống: DK, NK, CP, PSC và ngô biến đổi gen; liên kết sản xuất ngô dầy làm thức ăn cho gia súc.
Giảo cổ lam: Điều kiện, khí hậu vào tháng 8, 9 là thuận lợi nhất với giảo cổ lam . Sau 30 ngày kể từ khi trồng, cây phát triển từ 5 - 7 cm. Nhờ thực hiện đúng quy trình nên 17 hộ tham gia trồng cây ỉao cổ lam đều có thêm nguồn thu mới. Huyện cần tăng cường tập huấn kỹ thuật và trực tiếp tham gia mô hình nên các hộ tham gia mô hình đã biết giữ gìn, bảo tồn cây dược liệu giảo cổ lam. Đồng thời, biết nhân giống, tận dụng diện tích đất dưới tán rừng, chân núi đá để trồng thâm canh tăng năng suất mà không phụ thuộc vào nguồn dược liệu từ tự nhiên, chủ động tạo nguồn dược liệu tại chỗ.
Quýt hôi: Để khôi phục, phát triển giống quýt quý này, huyện Bá Thước đã lồng ghép các chính sách hỗ trợ từ Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Chương trình Mục tiêu quốc gia về giảm nghèo nhanh và bền vững hỗ trợ cho nông dân cây giống. UBND huyện Bá Thước cũng đã phối hợp với Viện Thổ nhưỡng nông hóa (trực thuộc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam) nghiên cứu, lựa chọn, trình UBND Tỉnh công nhận 6 cây giống đầu dòng và thực hiện đề tài “Phục hồi và phát triển giống quýt hôi trên địa bàn huyện Bá Thước” thuộc nguồn vốn khoa học công nghệ.
Cùng với các chương trình hỗ trợ, phục tráng, nhân giống, huyện Bá Thước cần tích cực thực hiện bảo tồn nguồn gen, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào việc chọn tạo và sản xuất giống cây đạt chất lượng, đưa cây quýt hôi vào phát triển trong các hộ gia đình nhằm mở rộng cả quy mô diện tích và chất lượng sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân; tạo ra sản phẩm đặc trưng theo Chương trình OCOP để phục vụ cho việc phát triển du lịch gắn với Khu Bảo tồn thiên thiên Pù Luông.
Chăn nuôi: Trong những năm qua, chăn nuôi đại gia súc ở huyện Bá Thước nói riêng đã được người dân quan tâm, nhờ đó chăn nuôi theo truyền thống, lạc hậu trước đây đã dần thay đổi. Người dân đã biết áp dụng các biện pháp trồng cỏ, thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, đói rét cho đàn gia súc. Đến nay, các sản phẩm chăn nuôi đã dần trở thành hàng hóa. Đây được xem là một trong những giải pháp quan trọng để huyện Bá Thước nâng cao thu nhập và giảm nghèo bền vững cho người dân trên địa bàn.
Cùng với việc tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, xã Điền Lư còn vận động nhân dân đầu tư vốn phát triển kinh tế hộ, tập trung vào chăn nuôi đại gia súc, xóa bỏ tập quán thả rông. Đặc biệt, tạo mọi điều kiện thuận lợi để người dân tiếp cận dễ dàng hơn với nguồn vốn vay, nguồn vốn hỗ trợ từ các chính sách của Nhà nước và chính quyền địa phương. Bên cạnh đó, thường xuyên hướng dẫn người dân nắm bắt được kỹ thuật chăn nuôi, phòng bệnh cho đàn gia súc thông qua các lớp tập huấn. Chăn nuôi gia súc đã góp phần mang lại giá trị kinh tế cho xã, khoảng trên 11 tỷ đồng/năm.
Để phát triển chăn nuôi đại gia súc, huyện Bá Thước đã tạo điều kiện về quỹ đất để người dân xây dựng trang trại, đẩy nhanh việc cấp giấy chứng nhận đối với những trang trại đủ tiêu chí quy định để chủ trang trại yên tâm đầu tư phát triển lâu dài. Bên cạnh đó, huyện cũng thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích người dân phát triển chăn nuôi, như: Hỗ trợ và phát triển trang trại có quy mô triển trồng cỏ, hỗ trợ kinh phí tiêm vắc-xin phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc. Đến nay, huyện Bá Thước đã trồng được 370 ha cỏ voi và 250 ha ngô, đảm bảo nguồn thức ăn cung cấp cho trên 20 nghìn con trâu và gần 17 nghìn con bò. Để chăn nuôi gia súc trở thành mũi nhọn trong phát triển kinh tế, huyện Bá Thước đang tiếp tục thực hiện tốt các chính sách về phát triển chăn nuôi, đặc biệt là các chính sách về đất đai, về nguồn vốn, nhằm tiếp tục hỗ trợ người dân đầu tư phát triển chăn nuôi có quy mô. Đồng thời, hướng dẫn người dân nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn thức ăn, phế, phụ phẩm nông nghiệp sẵn có tại địa phương, bảo đảm đầy đủ khẩu phần ăn, nâng cao sức đề kháng, khả năng chống đỡ bệnh tật cho đàn gia súc; áp dụng khoa học - kỹ thuật trong công tác chọn giống vật nuôi;...
4.2. Định hướng đối với lĩnh vực tiêu thụ
- Hỗ trợ tiếp cận thị trường cho nông dân sản xuất nông sản đặc trưng, đặc sản miền núi. Thông qua truyền thông cũng như các hội nghị kết nối cung cầu để nông dân sản xuất tiếp cận được xu hướng thị trường, các điều kiện, yêu cầu để cung cấp nông sản đặc trưng, đặc sản vào các trung tâm thương mại, các siêu thị và cửa hàng tiện lợi tiêu chuẩn chất lượng.
- Có các chính sách tín dụng đặc thù để các hộ sản xuất yên tâm đầu tư sản xuất nông sản đặc trưng, đặc sản và cung cấp ra thị trường.
- Tăng cường tập huấn cho nông dân sản xuất nông sản đặc trưng, đặc sản trong bảo quản, sơ chế, chế biến sản phẩm trước khi đưa ra thị trường; Tập huấn, hỗ trợ các nội dung liên quan đến lập kế hoạch trong sản xuất gắn với thị trường cũng như các yêu cầu của kênh phân phối hiện đại để nông dân định hướng sản xuất thích ứng được với sự chuyển đổi của thị trường. Nâng cao năng lực tiếp cận thị trường cho nông dân sản xuất nông sản đặc trưng, đặc sản miền núi.
- Phát triển liên kết trong chế biến, bảo quản, sơ chế để nâng cao giá trị nông sản đặc trưng, đặc sản đáp ứng yêu cầu của kênh phân phối hiện đại.
- Lựa chọn sản phẩm, xây dựng một số mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản đặc trưng, đặc sản khu vực miền núi.
5. Kết luận
Kết quả nghiên cứu cho thấy, hoạt động liên kết trong tiêu thụ nông sản đối với các hộ nông dân sản xuất nhỏ ở khu vực huyện Bá Thước nói riêng và miền núi Thanh Hóa chung còn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng. Các hình thức liên kết mới chỉ dừng lại ở một số sản phẩm trên một số ít các địa bàn. Nguyên nhân hạn chế phát triển hoạt động liên kết ở khu vực này đến cả từ các hộ sản xuất và các doanh nghiệp. Trong đó, quy mô sản xuất được coi là rào cản đối với cả các hộ và doanh nghiệp trong việc ra quyết định liên kết.
Tâm lý không muốn ràng buộc khi tham gia liên kết, cũng như chưa nhận thức được lợi ích trong liên kết là những rào cản từ phía nông dân, trong khi, cơ sở hạ tầng và các chính sách khuyến khích phát triển liên kết là những điểm được các doanh nghiệp quan tâm. Các giải pháp về chính sách và tuyên truyền là những nội dung quan trọng cần thực hiện để thúc đẩy phát triển liên kết trong tiêu thụ nông sản miền núi.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa khóa XVII (2015), Nghị quyết số 16-NQ/TU ngày 20/4/2015 về tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững.
Hà Khắc Diệp (2017), Bảo tồn, phát triển, sản xuất cây dược liệu Giảo cổ lam tại huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa, Sở KHCN tỉnh Thanh Hóa.
UBND tỉnh Thanh Hóa (2014), Quyết định số 4438/QĐ - UBND ngày 11/12/2014 về việc phê duyệt Đề án: Phát triển cây trồng, vật nuôi có lợi thế phát triển trên địa bàn các huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020.
UBND tỉnh Thanh Hóa (2008), Quyết định số 62/KH-UBND ngày 23/3/208 về Kế hoạch cơ cấu lại ngành Nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2018-2020.
The current state of producing and consuming typical agricultural products and specialties of Ba Thuoc District, Thanh Hoa Province
Master. Nguyen Thi Huyen
Department of Business Administration
Faculty of Economics – Business Administration, Hong Duc University
Master. Le Thi Thuy Linh
Department of Business Administration
Faculty of Economics – Business Administration, Hong Duc University
ABSTRACT:
Ba Thuoc District is a large mountainous area of Thanh Hoa Province. Ba Thuoc District has many typical agricultural products and diversified specialties of high economic value. In recent years, the consumption of the district’s typical agricultural products is promoted. However, the district’s typical agricultural products have not exploited all their potential. Therefore, this articel analyzes the current state and proposes solutions for promoting the consumption of typical agricultural products and specialty of Ba Thuoc district, Thanh Hoa province.
Keywords: Typical agricultural products, specialties, product consumption, Ba Thuoc Distrcit, Thanh Hoa Province.