Thuế carbon có đáng lo ngại đối với các doanh nghiệp xi măng?

Phó Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam Lương Đức Long nhìn nhận việc áp dụng CBAM không quá lo ngại bởi trình độ sản xuất của Việt Nam đã phát triển và lượng xuất khẩu vào EU còn khiêm tốn, tuy nhiên giảm phát thải carbon là mục tiêu dài kỳ ngành theo đuổi.

Xi măng là một trong 6 sản phẩm sẽ phải chịu thuế carbon khi xuất khẩu sang Liên minh châu Âu (EU) khi thực hiện “cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM)”. EU sẽ đánh thuế carbon đối với tất cả hàng hóa xuất khẩu sang thị trường này dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất tại nước sở tại.

Tháng 1/2026, CBAM bắt đầu được dần dần đưa vào song song với việc loại bỏ dần hạn ngạch miễn phí của EU ETS (thị trường mua bán khí phát thải của Liên minh châu Âu). Đến 2027, Ủy ban Châu Âu thực hiện rà soát toàn diện về CBAM. Năm 2034, CBAM chính thức vận hành toàn bộ.

Để tìm hiểu câu chuyện ứng xử của các doanh nghiệp xi măng Việt Nam với cơ chế CBAM và thuế carbon của EU, PetroTimes đã có những cuộc trò chuyện với các nhà sản xuất và Hiệp hội Xi măng Việt Nam.

Nắm thông tin chưa đồng đều nhưng doanh nghiệp sẵn sàng chuyển đổi

Thông qua trao đổi với các doanh nghiệp có thể thấy, việc hiều về cơ chế CBAM và quy trình chuyển đổi đối phó với thuế carbon được nhìn thấy rõ ở các doanh nghiệp lớn, ngược lại, các doanh nghiệp nhỏ vẫn còn mơ hồ.

Ông Đinh Xuân Tồn, Phụ trách chất lượng của Tập đoàn Xi măng The Vissai trụ sở tại Ninh Bình cho biết, tỉnh Ninh Bình và các bộ/ngành tổ chức các hội thảo để phổ biến giúp doanh nghiệp nắm rõ thông tin, quy trình.

Do vậy, Vissai đã sớm bắt tay vào kiểm kê khí nhà kính và đang chuẩn bị cho Tiêu chuẩn ISO 14064 - tiêu chuẩn về hệ thống quản lý xác minh và tính toán khí nhà kính. Doanh nghiệp nhận thức đây là trách nhiệm cần làm để có một nền sản xuất lành mạnh bảo vệ môi trường, không chỉ vì mục đích của công ty mà còn vì cộng đồng.

Khi hỏi về lộ trình, ông Tồn cho biết, trước tiên, Vissai sẽ xác định các nhà máy đang phát thải bao nhiêu thông qua kiểm kê, từ đó đưa ra giải pháp chuyển đổi. Từ mức phát thải 750kg/tấn xi măng sản xuất, VISSAI đặt ra lộ trình giảm xuống còn sấp xỉ 700kg/tấn xi măng sản xuất trong năm 2024.

Để quá trình chuyển đổi ứng phó với CBAM của EU và thích ứng với mục tiêu giảm phát thải nói chung diễn ra thuận lợi, điều doanh nghiệp trăn trở nhất là các thủ tục pháp lý chưa được thông thoáng.

Ông Tồn lấy ví dụ, việc xử lý chất thải, sử dụng nhiên liệu thay thế hay cải tạo dây chuyền cần nhiều thủ tục phức tạp, xin giấy phép các bộ/ngành, cơ quan quản lý Nhà nước. Điều này là trở ngại lớn của các doanh nghiệp xi măng muốn chuyển đổi.

“Thị phần xuất khẩu chính của Vissai là các nước phát triển, tập trung phần lớn ở Mỹ, Australia và EU. Tuy nhiên, chúng tôi không chờ EU áp thuế carbon mới chuyển đổi, doanh nghiệp xác định đây là kim chỉ nam trong định hướng kinh doanh. Hiện tại, Vissai đã có những sản phẩm đáp ứng được tiêu chuẩn châu Âu thông qua sử dụng nguồn nguyên liệu nhân tạo. Dây chuyền Vissai đang sử dụng là công nghệ Nhật Bản hiện đại, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường”, Phụ trách chất lượng của Tập đoàn Xi măng The Vissai khẳng định.

Xi măng The Vissai: Chúng tôi không chờ EU áp thuế carbon mới chuyển đổi sản xuất

Xi măng The Vissai: Chúng tôi không chờ EU áp thuế carbon mới chuyển đổi sản xuất

Cùng trả lời câu hỏi nắm thông tin về CBAM của PetroTimes, đại diện một doanh nghiệp sản xuất xi măng có trụ sở ở miền Bắc cho biết vẫn còn mơ hồ về các hướng dẫn để thích ứng với cơ chế điều chỉnh mới của EU.

Mặc dù hiện chưa có sản phẩm xuất khẩu trực tiếp sang EU, nhưng doanh nghiệp này chia sẻ họ lo ngại nguy cơ EU áp dụng cơ chế CBAM cho các nước đối tác khác như Nhật, Trung Quốc, bởi đây cũng là các nhà nhập khẩu của hầu hết doanh nghiệp Việt.

Do đó, doanh nghiệp đang thực hiện các giải pháp chuyển đổi từ bây giờ để nắm thế chủ động. Hiện tại, doanh nghiệp này đã thực hiện nhiều cải tạo công nghệ sản xuất từ lọc bụi đầu tư 20 tỷ đồng, phát điện nhiệt dư đầu tư 300 tỷ đồng đến việc thay đổi quy trình hiện đại, tiên tiến bắt kịp xu hướng.

“Việc thay đổi dây chuyền sản xuất tốn kém khá nhiều kinh phí của doanh nghiệp, chúng tôi rất mong muốn có được sự hỗ trợ của Chính phủ, tuy nhiên doanh nghiệp xác định phải tự chủ lo liệu, bởi việc kiến nghị hay đề xuất cần thời gian dài mới có thể ban hành chính sách, trong khi mốc thời gian cũng không còn nhiều”, đại diện doanh nghiệp chia sẻ.

Việc mơ hồ về các quy trình chuyển đổi thích ứng với CBAM cũng là chia sẻ của Công ty cổ phần Đại Việt trụ sở ở TP Hà Nội – doanh nghiệp cung cấp các thiết bị trong ngành xi măng.

Chung nỗi niềm với các doanh nghiệp nhỏ khác, đại diện Đại Việt tâm sự khá lo lắng vì cho rằng thuế carbon sẽ tác động đến nhiều bên trong chuỗi sản xuất – cung ứng xi măng ở Việt Nam. Do đó, doanh nghiệp cho biết sẽ tích cực tìm hiểu để có những cập nhật chuyển đổi mới nhất trong thiết bị ngành.

Ngành xi măng theo đuổi lộ trình dài kỳ giảm phát thải carbon

Trao đổi với PetroTimes PGS.TS Lương Đức Long, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Xi măng Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, việc áp dụng cơ chế CBAM của EU đáng quan tâm nhưng không cần quá lo ngại đối với các sản phẩm xi măng Việt Nam xuất khẩu sang EU.

Bởi trình độ sản xuất xi măng Việt Nam hiện nay đã đạt tới độ trung bình tiên tiến trên thế giới, không phải quá kém nên mức phát thải không còn quá cao như trước đây. Bên cạnh đó, lượng xuất khẩu xi măng Việt Nam vào EU còn khiêm tốn, nhiều năm qua chỉ ở ngưỡng xấp xỉ 2% tổng lượng xuất khẩu. Giả sử EU áp thuế carbon cao, Việt Nam không thể xuất xi măng sang khối này thì vẫn có thể bù vào từ những thị trường khác.

Tuy nhiên, ông Long nhấn mạnh cơ chế điều chỉnh EU đưa ra là vấn đề cần các doanh nghiệp có sự quan tâm nghiêm túc, sớm đưa ra giải pháp giảm phát thải trong sản xuất. Đây cũng là mục tiêu của các ngành sản xuất khi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký cam kết trung hòa carbon, đưa phát thải ròng về 0 năm 2050, nhất là khi xi măng là ngành ghi nhận nhiều phát thải carbon.

Mục tiêu giảm phát thải carbon là lộ trình dài kỳ được ngành xi măng theo đuổi và tiếp tục đẩy mạnh trong thời gian tới. Nghị định 06/2022 cũng nêu rõ sẽ đưa ra các định mức phát thải carbon của các ngành công nghiệp áp dụng từ năm 2026.

Cũng theo PGS.TS Lương Đức Long, khi Chính phủ khi đưa ra hạn mức cho từng ngành, các doanh nghiệp sẽ phải tìm giải pháp đáp ứng yêu cầu trước hết ở trong nước để không phải nộp các phí phát thải dư thừa. Hướng tới hình thành thị trường carbon trong nước từ năm 2027, các doanh nghiệp làm tốt có thể bán phần hạn mức dư thừa cho các doanh nghiệp chưa làm được.

PGS.TS Lương Đức Long, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Xi măng Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng)

PGS.TS Lương Đức Long, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Xi măng Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng)

Phân tích về mức độ ảnh hưởng khi EU áp thuế carbon, Phó Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam nhìn nhận điều này phụ thuộc vào ngưỡng giới hạn carbon đưa ra. Hiện nay, trung bình các doanh nghiệp xi măng Việt Nam đang phát thải 700kg CO2/tấn xi măng, nếu ngưỡng EU đưa ra tương đồng mức hiện tại của Việt Nam phát thải thì sẽ không bị áp thuế.

Hiệp hội xi măng Việt Nam và các doanh nghiệp thành viên đã chủ động nghiên cứu các biện pháp giảm phát thải CO2. Về mặt chính sách, giảm phát thải CO2 đồng nghĩa với giảm tiêu hao năng lượng, bởi bản chất của phát thải là tiêu hao nhiệt năng và điện năng.

Theo ông Long, các doanh nghiệp trong ngành hiểu rõ cần phấn đấu mục tiêu này vì họ hiểu tác động kép mang lại, vừa giảm phát thải CO2 vừa giảm giá thành sản phẩm. Các doanh nghiệp thành viên của Hiệp hội hiện đã chuyển dần sang dùng nguyên liệu thay thế như nguyên liệu sinh khối (biomass) hoặc rác thải công nghiệp.

Một giải pháp khác ở tương lai xa nhưng đã có doanh nghiệp xi măng Việt Nam thử nghiệm. Đây là biện pháp ngành dầu khí đang đi đầu, đó là CCUS, CCS – thu hồi và chôn lấp carbon sinh ra trong quá trình sản xuất công nghiệp bằng cách hóa lỏng và bơm xuống các giếng dầu đã đóng không còn khai thác. Giải pháp này cũng mới được thí nghiệm ở EU và các nước tiên tiến vì tốn kém chi phí lớn.

Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam, các nhà máy, doanh nghiệp trước đây được thiết kế để sử dụng nguồn nguyên liệu khoáng sản tự nhiên và nhiên liệu hóa thạch chất lượng tốt. Khi muốn chuyển sang sử dụng các nguồn nguyên liệu thay thế, doanh nghiệp cần đầu tư, cải tạo thêm và thay đổi quy trình sản xuất.

Do đó, các doanh nghiệp cần nhiều nguồn cho vay vốn với lãi suất ưu đãi, bởi đây không chỉ là câu chuyện của nguyên nhà sản xuất mà còn đóng góp cho xã hội sạch hơn – an toàn hơn.

"Chính phủ có thể xem xét đưa ra ưu đãi về tài chính, có các biện pháp về thuế và chương trình quản lý khác khuyến khích doanh nghiệp tích cực chuyển đổi để được hưởng lợi. Ngoài ra, việc xây dựng các hệ thống tiêu chuẩn, hướng dẫn và đưa ra định mức phát thải cũng rất quan trọng, bởi những điều này có thể tác động tích cực hoặc tiêu cực đến quá trình chuyển đổi của các doanh nghiệp xi măng", PGS.TS Lương Đức Long kiến nghị.

Quan điểm đầu tư ngành xi măng cần thay đổi

Theo ông Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam Việt Nam, Việt Nam đã đầu tư nhiều nhà máy xi măng có công suất bậc nhất thế giới, giảm phát thải ô nhiễm ở mức thấp.

Ngành đang thực hiện cuộc cách mạng cải tiến, sử dụng tối đa các rác thải, phế thải công nghiệp. Tất cả rác thải, phế thải, dioxin, kim loại nặng khi qua lò nung nhiệt độ sẽ được xử lý nhiệt hóa hoàn toàn, góp phần đóng góp vào lộ trình Netzero năm 2050.

Tiêu thụ xi măng của Việt Nam hiện nay mới khoảng 500 kg/người/năm trong khi tổng công suất chỉ tiêu là trên 1.000 kg/người. Như vậy, mức tiêu thụ còn rất thấp. So với Trung Quốc, mức tiêu thụ xi măng của Việt Nam bằng 1/3, 1.600kg/người/năm.

“Mức tiêu thụ thấp do các giải pháp chưa được thực hiện đồng bộ. Do đó, việc đầu tư mới vào ngành xi măng tránh thực hiện ồ ạt như thời điểm trước, thay vào đó cần tập trung vào các dây chuyền công nghệ cao. Nếu ngừng đầu tư sẽ khiến ngành chìm đắm trong nền công nghiệp lạc hậu. Công nghệ thay đổi liên tục, nên việc đầu tư cũng cần cập nhật các dây chuyền được cải tiến, bảo vệ môi trường”, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam Việt Nam nêu định hướng.

Phương Thảo

Nguồn PetroTimes: https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/thue-carbon-co-dang-lo-ngai-doi-voi-cac-doanh-nghiep-xi-mang-716625.html