Thung lũng Silicon bất đồng quan điểm với Amazon

Quyết định đưa toàn bộ nhân viên trở lại văn phòng 5 ngày/tuần của Amazon gặp phản đối từ phần lớn Thung lũng Silicon. Nhưng họ có thể suy nghĩ lại nếu gã khổng lồ này thành công.

Tháng 9, Amazon trở thành doanh nghiệp công nghệ lớn đầu tiên kết thúc chế độ làm việc tại nhà sau đại dịch sau khi CEO Andy Jassy yêu cầu nhân viên đến văn phòng làm việc 5 ngày/tuần. Quy định mới này được áp dụng từ ngày 2/1/2025, với nhân sự ở tất cả bộ phận.

Động thái trên khiến Amazon trở nên khác biệt so với các đối thủ cạnh tranh trong ngành công nghệ, nơi mà mô hình làm việc linh hoạt đang ngày càng được ưa chuộng, theo Financial Times. Ông Jassy cũng gia nhập nhóm CEO thúc đẩy việc trở lại văn phòng ngày càng tăng, bao gồm Jamie Dimon của JPMorgan Chase và Elon Musk của Tesla.

 Amazon ban hành một trong những chính sách quay trở lại văn phòng nghiêm ngặt nhất trong số các tập đoàn công nghệ lớn. Ảnh minh họa: Amazon.

Amazon ban hành một trong những chính sách quay trở lại văn phòng nghiêm ngặt nhất trong số các tập đoàn công nghệ lớn. Ảnh minh họa: Amazon.

Khác biệt với Thung lũng Silicon

Công ty phần mềm Flex Index đã phân tích chính sách của 2.670 công ty, chỉ 3% công ty công nghệ lớn (quy mô trên 25.000 nhân viên) yêu cầu làm việc 5 ngày/tuần tại văn phòng.

Trong khi đó, khoảng 75% áp dụng mô hình hybrid (kết hợp làm việc tại nhà và văn phòng), còn 23% cho phép làm việc hoàn toàn linh hoạt.

Apple, Alphabet, Meta và Microsoft hiện nằm trong số những công ty lớn đang áp dụng mô hình làm việc kết hợp. Tuy nhiên, những chính sách này cũng đã phải trải qua không ít lần sửa đổi cùng phản đối từ nhân viên.

Năm 2020, Mark Zuckerberg muốn Facebook (hiện là Meta) trở thành “công ty tiên phong nhất về làm việc từ xa”. Tuy nhiên, 3 năm sau, ông yêu cầu gần như tất cả 70.000 nhân viên quay lại văn phòng ít nhất 3 ngày/tuần.

Tháng 6/2023, giám đốc nhân sự Google thông báo rằng phương án làm việc từ xa hoàn toàn sẽ chỉ được áp dụng “trong trường hợp đặc biệt”. Còn lại, nhân sự sẽ được giám sát tần suất lên văn phòng thông qua thẻ ID. Thông tin này sau đó sẽ được dùng để đánh giá hiệu suất và cơ hội thăng tiến của họ.

Apple cũng dần tăng số ngày làm việc tại văn phòng xuyên suốt năm 2022, từ 1 lên 3 ngày/tuần, bất chấp phản đối từ một bộ phận trong 160.000 nhân viên.

 Nhiều công ty công nghệ thuộc Thung lũng Silicon vẫn chưa thực hiện chính sách quay trở lại văn phòng khắt khe như Amazon. Ảnh minh họa: The Economist.

Nhiều công ty công nghệ thuộc Thung lũng Silicon vẫn chưa thực hiện chính sách quay trở lại văn phòng khắt khe như Amazon. Ảnh minh họa: The Economist.

Ngay cả Zoom, công ty phần mềm góp phần thúc đẩy xu hướng làm việc từ xa trong thời kỳ đại dịch, cũng tuyên bố vào tháng 8/2023 rằng bất kỳ nhân viên nào sống trong phạm vi 50 dặm (khoảng 80 km) tính từ văn phòng sẽ phải đến làm việc ít nhất 2 ngày/tuần.

Các tập đoàn công nghệ khác, bao gồm Netflix và Nvidia, vẫn chưa ban hành quy định cố định về làm việc tại văn phòng.

Chính sách cứng rắn của Amazon sẽ được các nhà lãnh đạo khác quan tâm khi bắt đầu có hiệu lực vào ngày 2/1/2025. Ông Jassy cho biết nhiều giám đốc điều hành khác cũng mong muốn nhân viên trở lại làm việc toàn thời gian tại văn phòng.

Tiêu biểu, Mike Sievert, Giám đốc điều hành của T-Mobile, đã khuyến khích các công ty đối thủ đưa nhân viên của họ trở lại văn phòng. Ông tiếp tục nhấn mạnh ý kiến này ở sự kiện Technology Alliance diễn ra vào tháng 5 tại Seattle (Mỹ).

 Động thái của Amazon không được tất cả công ty công nghệ tán thành. Ảnh minh họa: Gonzalo Mendiola/Pexels.

Động thái của Amazon không được tất cả công ty công nghệ tán thành. Ảnh minh họa: Gonzalo Mendiola/Pexels.

'Tự bắn vào chân mình'

Dù vậy, nhiều công ty công nghệ vẫn thận trọng về việc loại bỏ mô hình làm việc hybrid.

Họ vẫn xem đây là một lợi thế để thu hút các tài năng trẻ về kỹ thuật và lập trình, cùng các ứng viên có xuất thân đa dạng - vốn là những người ưu tiên mô hình làm việc linh hoạt hơn.

Một giám đốc điều hành công ty công nghệ lớn tại bờ biển phía Tây (Mỹ) nói rằng họ không có kế hoạch áp dụng chính sách tương tự Amazon. Họ cảm thấy cách làm này Amazon giống như "tự bắn vào chân mình".

Prithwiraj Choudhury, Giáo sư tại Trường Kinh doanh Harvard (Mỹ), cảnh báo rằng những công ty ép buộc nhân viên quay lại văn phòng sẽ dễ dàng đánh mất nhân tài, "bởi những người giỏi luôn có những lựa chọn phù hợp hơn bên ngoài".

Nghiên cứu từ Đại học Pennsylvania (Mỹ) cho thấy các vị trí làm việc từ xa trong lĩnh vực công nghệ thu hút thêm 15% ứng viên là nữ và 33% ứng viên đến từ nhóm thiểu số khác.

Một số nhân viên Amazon đã lên tiếng phàn nàn trên mạng xã hội. Thực tế, có một người bày tỏ mong muốn tìm việc mới trên LinkedIn. Họ nói rằng lên công ty 5 ngày/tuần là "thật xui xẻo". Họ chỉ muốn làm việc để kiếm sống, chứ không phải lên văn phòng và ra vẻ làm việc.

Ít có khả năng Amazon thu hồi quyết định của mình. CEO Jassy muốn biến chính sách trở lại văn phòng thành một phần quan trọng trong nỗ lực khôi phục văn hóa "Ngày 1" - văn hóa khuyến khích tinh thần luôn đổi mới và sáng tạo như ngày đầu khởi nghiệp do nhà sáng lập Amazon Jeff Bezos.

Tuy nhiên, các giám đốc của Amazon lo ngại rằng tinh thần khởi nghiệp đã suy yếu và tình trạng quan liêu đã xuất hiện khi công ty phát triển lên 1,5 triệu nhân viên và mở rộng sang nhiều lĩnh vực mới.

Cuộc biểu tình phản đối chính sách quay trở lại văn phòng làm việc của công ty Amazon vào tháng 5/2023. Ảnh: Kurt Schlosser/ GeekWire Photo.

Cuộc biểu tình phản đối chính sách quay trở lại văn phòng làm việc của công ty Amazon vào tháng 5/2023. Ảnh: Kurt Schlosser/ GeekWire Photo.

Ngoài quyết định đưa toàn bộ nhân viên trở lại văn phòng, Amazon cũng lên kế hoạch cắt giảm lên đến 7.000 người để tiết kiệm 700 triệu USD mỗi năm, theo ước tính từ nhà phân tích Justin Post của Ngân hàng Mỹ.

Giáo sư kinh tế Nicholas Bloom từ Đại học Stanford (Mỹ) không rõ tại sao Amazon lại tiến hành việc này, ngoài mục đích giảm số lượng nhân viên. Tuy nhiên, ông cảnh báo rằng việc cắt giảm có thể khiến những nhân viên có hiệu suất cao, thường có nhiều lựa chọn công việc khác, sẽ rời bỏ công ty.

Theo giáo sư Bloom, quyết định thay đổi của Amazon có thể được củng cố bởi một nghiên cứu từ Trường Kinh doanh Stanford, cho thấy nhân viên thể hiện sự sáng tạo và đổi mới hơn trong các cuộc họp trực tiếp. Dù vậy, giáo sư lưu ý rằng nhân viên không nhất thiết phải đến văn phòng mỗi ngày.

Nghiên cứu của giáo sư Bloom, được công bố vào tháng 7, chỉ ra rằng mô hình làm việc kết hợp (hybrid) không kém năng suất so với làm việc hoàn toàn tại văn phòng, nhưng làm việc từ xa hoàn toàn có liên quan đến việc giảm khoảng 10% năng suất.

Tuy nhiên, nếu Amazon thành công với chính sách trở lại văn phòng toàn thời gian, các công ty khác có thể xem xét và điều chỉnh theo hướng tương tự.

Thiên Thanh

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/thung-lung-silicon-bat-dong-quan-diem-voi-amazon-post1501657.html