Thương chiến hạ nhiệt, VN-Index liệu có lên cao?

Trong tuần trước, chỉ số VN-Index có diễn biến giao dịch giằng co trong biên độ hẹp. Kết thúc tuần, VN-Index tăng nhẹ 0,43%, lên mức 991,8 điểm. Nhóm cổ phiếu ngân hàng, tài chính vẫn thu hút được dòng tiền khá tốt, qua đó giúp giữ nhịp thị trường.

 Thị trường chứng khoán Việt Nam được dự báo phục hồi khi chiến tranh thương mại hạ nhiệt. Ảnh: VCBS

Thị trường chứng khoán Việt Nam được dự báo phục hồi khi chiến tranh thương mại hạ nhiệt. Ảnh: VCBS

Thanh khoản tuần qua sụt giảm nhẹ với giá trị khớp lệnh bình quân trên sàn HSX đạt 2.886 tỉ đồng/phiên, giảm 12% so với tuần trước đó. Việc thị trường đi ngang với thanh khoản sụt giảm cho thấy sự thận trọng của giới đầu tư trong bối cảnh ngưỡng cản 1.000 điểm đang không dễ vượt qua.

Về giao dịch của khối ngoại, họ tiếp tục bán ròng trong cả năm phiên nhưng áp lực đã giảm đáng kể, chỉ còn 264 tỉ đồng. Điểm tích cực tuần qua đến từ dòng vốn ETF khi quỹ FTSE Vietnam ETF, sau giai đoạn liên tiếp bị rút vốn, đã phát hành ròng lượng chứng chỉ quỹ trị giá 2,9 triệu đô la Mỹ (tương đương 68 tỉ đồng). Ở chiều ngược lại, các quỹ ETF khác bao gồm VNM ETF, VFMVN30 ETF, iShare MSCI Frontier 100 ETF đều bị rút vốn, nhưng giá trị không quá lớn.

Về các thông tin quốc tế, cuối tuần qua và đầu tuần này, thị trường chứng khoán thế giới đón nhận những tín hiệu lạc quan mới liên quan đến xung đột thương mại Mỹ - Trung. Sau hai ngày đàm phán, Mỹ và Trung Quốc đã đạt được một “mini deal”, hay chính xác hơn là một “lệnh ngừng bắn” tạm thời. Theo đó, chính quyền của Tổng thống Donald Trump sẽ không tăng mức thuế áp lên 250 tỉ đô la Mỹ hàng hóa của Trung Quốc (từ 25% lên 30%) kể từ ngày 15-10-2019. Tuy nhiên, việc áp thuế cho hơn 160 tỉ đô la Mỹ hàng hóa sau ngày 15-12-2019 tới thì không được hai bên đề cập đến trong thỏa thuận lần này.

Đổi lại, Trung Quốc đồng ý mua thêm đậu nành và thịt heo của Mỹ với giá trị 40-50 tỉ đô la. Đây là những sản phẩm rất quan trọng đối với những bang có cử tri ủng hộ ông Trump, nhưng đồng thời cũng là những mặt hàng mà Trung Quốc đang rất cần, đặc biệt là thịt heo do dịch bệnh trong nước. Việc Mỹ và Trung Quốc đạt được một thỏa thuận, dù là khiêm tốn, vẫn là diễn biến khá bất ngờ đối với giới đầu tư. Tuy nhiên, về bản chất, thỏa thuận này chỉ đơn giản là cho cả Mỹ và Trung Quốc thêm thời gian cũng như tạo lợi thế chính trị ngắn hạn cho lãnh đạo đôi bên. Còn về bức tranh tổng thể chung, thỏa thuận này là không đủ để đảo ngược xu hướng tăng trưởng chậm lại của kinh tế toàn cầu hiện nay.

Trong nước, việc Việt Nam bị Moody’s xem xét hạ mức tín nhiệm trong tuần qua là thông tin đáng lưu ý nhất. Theo Moody’s thì việc xem xét hạ mức tín nhiệm này chủ yếu liên quan đến sự phối hợp không đồng bộ giữa các cơ quan của Chính phủ dẫn đến sự chậm trễ trong việc thanh toán một số nghĩa vụ nợ đến hạn. Ngay lập tức, Bộ Tài chính cũng đã ra thông báo cho biết việc Moody’s chỉ dựa một sự việc riêng lẻ để hạ bậc tín nhiệm của Việt Nam là không phù hợp. Cũng theo Bộ Tài chính, việc chậm thanh toán xuất phát từ một khoản nợ được Chính phủ bảo lãnh (tức nghĩa vụ nợ dự phòng) chứ không phải nợ trực tiếp của Chính phủ.

Đây là một cảnh báo nghiêm khắc cho công tác quản lý và thanh toán các khoản nợ công (dù trực tiếp hay bảo lãnh) của Việt Nam. Tuy nền tảng tài chính của Việt Nam đang tốt nên khả năng xảy ra vỡ nợ là không có, nhưng sự phối hợp không tốt hoặc vướng mắc về các thủ tục hành chính có thể sẽ khiến Việt Nam gặp rắc rối với các tổ chức đánh giá quốc tế. Nếu xếp hạng tín nhiệm quốc gia bị hạ, các doanh nghiệp của Việt Nam cũng sẽ bị “vạ lây” hạ mức tín nhiệm theo, dù tình hình kinh doanh không xấu đi.

Khoảng thời gian để Moody’s xem xét là ba tháng trước khi có quyết định chính thức về việc có hạ bậc tín nhiệm hay không. Đây là cơ hội để Việt Nam có sự giải trình và cải thiện những điểm còn bất cập trong các khâu phối hợp của mình. Chắc chắn Chính phủ sẽ không muốn bị Moody’s hạ bậc tín nhiệm vì điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến khả năng vay vốn của Việt Nam trong tương lai (lãi suất sẽ tăng lên) và kéo theo hiệu ứng dây chuyền, dẫn đến các hãng xếp hạng tín nhiệm khác (S&P, Fitch) có thể cũng sẽ ra quyết định hạ mức tín nhiệm đối với các khoản vay nợ của Việt Nam.

Bình An

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/295491/thuong-chien-ha-nhiet-vn-index-lieu-co-len-cao-.html