Thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) 2019: Dễ hợp, sớm tan

Tìm kiếm giải pháp cho xung đột thương mại và 'phá băng' quan hệ Ấn Độ - Pakistan sẽ là quá tham vọng với Thượng đỉnh Tổ chức Thượng Hải (SCO) diễn ra tại Kygryzstan sắp tới.

Băng rôn chào mừng Hội nghị Thượng đỉnh SCO tại thủ đô Bishkek, Kyrgyzstan. (Nguồn: Tân Hoa xã)

Ngày 13 - 14/6, Hội nghị Thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) sẽ diễn ra tại thủ đô Bishkek, Kyrgyzstan, với sự tham dự của các thành viên cốt cán như Trung Quốc, Nga, Pakistan và Ấn Độ. Là một sự kiện thường niên, song Thượng đỉnh SCO này sẽ rất khác so với những lần trước, khi tình hình thế giới đã chuyển biến nhanh và liên tục. Cạnh tranh thương mại Mỹ - Trung đang tới cao trào, quan hệ Mỹ - Nga tiếp tục căng thẳng còn cặp láng giềng Ấn Độ - Pakistan tiếp tục mắc kẹt trong những xung đột không hồi kết.

Những toan tính riêng

Trong bối cảnh đó, SCO là cơ hội để Trung Quốc tìm kiếm thêm sự ủng hộ từ New Delhi cùng Islamabad cho việc chống lại các “chính sách bảo hộ” và “đơn phương” từ Washington. Theo đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến sẽ có cuộc tiếp xúc bên lề với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Thủ tướng Pakistan Imran Khan.

Tương tự, Nga đang tìm cách vượt qua các lệnh trừng phạt về chính trị - kinh tế bằng cách mở rộng hệ thống đối tác, thị trường. Khi đó, New Delhi và Islamabad, hai thị trường với 1,5 tỷ dân cùng khoa học công nghệ tiên tiến là địa điểm lý tưởng để các doanh nghiệp Nga mở rộng đầu tư. Quan trọng hơn, bất chấp những tiến bộ vượt bậc gần đây trong công nghệ chế tạo quốc phòng, Ấn Độ vẫn là thị trường vũ khí lớn thứ hai của Nga, với hơn 68% khí tài của quốc gia này đến từ xứ Bạch Dương.

Với New Delhi, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi vừa tái đắc cử nhiệm kỳ thứ hai với số phiếu áp đảo và đây là cơ hội để ông tái khẳng định việc duy trì chính sách đối ngoại, một trong số đó chính là lập trường cứng rắn với Islamabad. Bên cạnh đó, tại Thượng đỉnh SCO lần này, New Delhi, Bắc Kinh và Moscow được cho là sẽ tiếp nối tinh thần đẩy mạnh hợp tác, vốn được nhất trí tại cuộc họp ba bên bên lề Thượng đỉnh G20 năm 2018, Thượng đỉnh Đông Á và BRICS.

Khi mỗi quốc gia đều có những toan tính của riêng mình, chỉ có lợi ích đến từ giải quyết một vấn đề chung mới có thể mang họ lại gần nhau. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, khó có thể khẳng định SCO sẽ kết thúc với kịch bản cùng thắng cho tất cả các bên.

Hợp tung khó bền

Thời Chiến Quốc trong lịch sử Trung Quốc đã sản sinh ra nhiều nhân vật thú vị. Một trong số đó là Tô Tần, đại diện tiêu biểu của phái Hợp tung, từng thành công trong việc liên minh sáu chư hầu của nhà Chu là Yên, Triệu, Ngụy, Tề, Sở và Hàn, chống lại sự bành trướng của nhà Tần. Chính sách này của Tô Tần đã thành công trong 15 năm, mang về cho ông nhiều vinh hoa phú quý. Tô Tần nay đã khuất xa, nhưng tư tưởng của ông thì có thể được sử dụng trở lại và có thể “đông sơn tái khởi” một lần nữa.

Bắc Kinh đang phải đối mặt với áp lực thuế quan đến từ cạnh tranh thương mại Mỹ - Trung và cần tìm kiếm những đồng minh và đối tác mới để đối mặt và giảm thiểu tác động từ các chính sách thuế của Washington. Tuần qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thăm Moscow và ít nhiều thành công trong việc cải thiện “tình anh em” với Tổng thống Nga Vladimir Putin qua hợp tác kinh tế - chính trị. Tuy nhiên, bản chất hợp tác Nga – Trung vẫn chỉ mang tính tạm thời và khó có thể kết thành liên minh như lịch sử quan hệ song phương đã từng chứng minh.

Do đó, tại SCO lần này, Trung Quốc sẽ quay sang Ấn Độ để tìm kiếm sự ủng hộ. Tuy nhiên, khả năng này khó có thể xảy ra bởi New Delhi, bất chấp những bước tiến trong quan hệ song phương, vẫn luôn thận trọng trong bang giao với Bắc Kinh. Bài học Doklam năm 2017, người Ấn chưa quên. Duy trì chính sách Hướng Đông, mở rộng quan hệ với các nước Đông Nam Á, tích cực tham gia sáng kiến “Bộ Tứ” với Mỹ, Australia cùng Nhật Bản là hai dấu hiệu rõ nét nhất cho thấy Ấn Độ khó có thể “vào hùa” với Trung Quốc.

Nhân tố hiếm hoi mà Trung Quốc có thể tranh thủ trong sự kiện này là Pakistan. Pakistan đã dựa nhiều vào các khoản vay đến từ Trung Quốc, với con số hiện đã đạt mức 90 tỷ USD và nhiều khả năng sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. Tuy nhiên, thái độ lạnh nhạt của Islamabad sau khi bị Washington cắt viện trợ đã chẳng khiến chính quyền Tổng thống Donald Trump mảy may suy nghĩ và khó có thể đóng vai trò gì nhiều giúp Trung Quốc giảm thiểu áp lực đến từ Mỹ. Từng được cho là sân chơi của “Trung Quốc và những người bạn”, song giờ đây, chính Bắc Kinh cũng không còn gặt hái được nhiều quả ngọt từ SCO nữa.

Thêm vào đó, SCO được cho là khó có thể tìm kiếm giải pháp cho căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan, vốn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt trong thời gian gần đây. Ngày 6/6, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết ông Modi sẽ không gặp người đồng cấp Pakistan Imran Khan như nhiều người mong chờ, qua đó củng cố phát ngôn của Ấn Độ về việc “cô lập Pakistan trên các diễn đàn quốc tế”.

Ấn Độ đã không đối thoại với Pakistan sau vụ tấn công khủng bố tại Sân bay quân sự Pathankot vào tháng 1/2016, thậm chí còn triển khai các chiến dịch tấn công chính xác nhằm trả đũa quốc gia láng giềng sau vụ khủng bố tại Pulwama đầu năm nay. Việc ông Modi, nhân vật có lập trường vô cùng cứng rắn trong vấn đề này tái đắc cử sẽ khó mang tới biến chuyển tích cực cho quan hệ Ấn Độ - Pakistan thời gian tới.

Khi mà quan hệ song phương rơi vào bế tắc và không thể đàm phán, cơ hội của Islamabad giờ đây chỉ đến từ các diễn đàn đa phương mà hai bên cùng tham gia, trong đó có SCO. Tuy nhiên, với việc Thủ tướng Ấn Độ từ chối bay qua không phận Pakistan hay gặp gỡ người đồng cấp láng giềng, cùng sự hờ hững đến từ Trung Quốc và Nga, rất khó để kỳ vọng 48 tiếng tại Bishkek có thể phá băng quan hệ hai nước.

Thiếu vắng lợi ích chiến lược chung, thất bại trong hòa giải xung đột giữa các thành viên, sau 18 năm hình thành và phát triển, SCO có lẽ vẫn chỉ dừng ở mức “dễ hợp, sớm tan” mà thôi.

Minh Quân

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/thuong-dinh-to-chuc-hop-tac-thuong-hai-sco-2019-de-hop-som-tan-95810.html