Thương mại điện tử xuyên biên giới

Trong những năm gần đây, thương mại điện tử (TMĐT) tại Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ, trở thành một trong những lĩnh vực then chốt của nền kinh tế. Tổng doanh thu từ các giao dịch TMĐT giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng trong năm 2023 đã đạt khoảng 498,9 nghìn tỷ đồng. Doanh thu của 5 nền tảng TMĐT lớn: Shopee, Lazada, Tiki, Sendo và TikTok shop đạt tới 233,2 nghìn tỷ đồng.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Cùng với sự phát triển của TMĐT, doanh thu bán lẻ hàng hóa xuyên biên giới của Việt Nam cũng đang tăng trưởng mạnh mẽ, trung bình hơn 20% mỗi năm. Không chỉ mang lại lợi ích kinh tế, TMĐT xuyên biên giới còn giúp Việt Nam thúc đẩy hội nhập kinh tế toàn cầu. Nhờ các nền tảng TMĐT, doanh nghiệp Việt có thể tiếp cận với khách hàng từ nhiều quốc gia khác nhau, trong khi người tiêu dùng trong nước cũng dễ dàng tiếp cận với các sản phẩm quốc tế phong phú và đa dạng. Điều này không chỉ mở rộng quy mô thị trường, mà còn góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên trường quốc tế.

Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội lớn, TMĐT cũng đặt ra nhiều thách thức đối với cơ quan quản lý, đặc biệt trong việc kiểm soát các giao dịch xuất nhập khẩu qua kênh trực tuyến. Các vấn đề như gian lận thương mại, buôn lậu hàng hóa qua biên giới và trốn thuế đã trở nên phức tạp hơn với sự gia tăng của các giao dịch TMĐT. Điều này đòi hỏi các cơ quan chức năng phải có những biện pháp quản lý chặt chẽ và đồng bộ hơn, bảo vệ lợi ích quốc gia và nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt.

Việc Chính phủ ban hành Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT giai đoạn 2021-2025 không chỉ hướng đến việc thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa trong nước, mà còn mở rộng thị trường quốc tế cho doanh nghiệp Việt Nam, giúp Việt Nam nhanh chóng bắt kịp với xu thế hội nhập kinh tế toàn cầu.

Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã triển khai nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp xuất nhập khẩu, đồng thời đảm bảo quản lý chặt chẽ các giao dịch TMĐT. Các giải pháp bao gồm việc tư vấn, hướng dẫn doanh nghiệp về quy trình khai báo hải quan, chế độ ưu đãi và giảm thuế, cũng như tối ưu hóa quy trình thông quan để tiết kiệm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp. Một trong những biện pháp quan trọng nhất là việc xây dựng Nghị định về quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thông qua giao dịch TMĐT, dự thảo này đã được Bộ Tài chính trình Chính phủ từ năm 2023. Nghị định này được kỳ vọng sẽ tạo ra một hành lang pháp lý vững chắc, giúp quản lý chặt chẽ hơn các giao dịch xuyên biên giới, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực TMĐT thuận lợi hơn.

Để ngăn chặn tình trạng buôn lậu và gian lận thương mại, các ngành chức năng Hải quan, Công an, Biên phòng và Quản lý thị trường đã chủ động triển khai các biện pháp giám sát chặt chẽ, kết hợp giữa các phương pháp kiểm soát truyền thống và công nghệ hiện đại. Điều này giúp phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm, bảo đảm an ninh kinh tế và chống thất thu ngân sách Nhà nước.

Theo dự báo, doanh thu bán lẻ từ TMĐT xuyên biên giới sẽ tăng trưởng trung bình trên 20% mỗi năm, đạt khoảng 256,1 nghìn tỷ đồng (tương đương 11,1 tỷ USD) vào năm 2026. Sự phát triển mạnh mẽ của TMĐT không chỉ mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường, mà còn giúp thúc đẩy nền kinh tế số Việt Nam hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế toàn cầu.

Tuy nhiên, để TMĐT phát triển bền vững và mang lại lợi ích lâu dài cho nền kinh tế, việc quản lý chặt chẽ và đồng bộ các quy định pháp lý là vô cùng quan trọng. Các cơ quan quản lý cần phối hợp chặt chẽ để xây dựng và thực thi các chính sách phù hợp, đảm bảo tính minh bạch và công bằng trong các giao dịch TMĐT. Việc áp dụng các biện pháp quản lý hiện đại, cùng với sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế sẽ giúp cơ quan chức năng nâng cao năng lực quản lý và đảm bảo tính hiệu quả trong công tác giám sát TMĐT xuyên biên giới.

Hoàng Lâm

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/thuong-mai-dien-tu-xuyen-bien-gioi-post482418.html