Thương mại LNG toàn cầu tăng 5% trong năm 2022

Năm 2022, thương mại LNG toàn cầu tăng 5% so với năm 2021, theo dữ liệu từ tổ chức phi lợi nhuận Cedigaz do Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) công bố.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Năm 2022, thương mại LNG toàn cầu tăng 2,6 tỷ feet khối/ngày (bcfd), tương đương 5% so với năm 2021 với mức trung bình đạt được là 51,7 bcfd. Sự tăng trưởng trong thương mại LNG toàn cầu được hỗ trợ bởi việc bổ sung đáng kể thêm công suất khí hóa lỏng chủ yếu là ở Mỹ và nhu cầu tăng ở châu Âu sau khi EU tuyên bố thay thế hoàn toàn khí đốt của Nga bằng LNG.

Xuất khẩu LNG của Mỹ trong năm 2022 tăng 1,4 bcfd (16%) so với năm 2021. Trong nửa đầu năm 2022, Mỹ lần đầu tiên trở thành nhà xuất khẩu LNG lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, việc đóng cửa Nhà máy Freeport LNG ở Texas đã khiến xuất khẩu LNG của Mỹ suy giảm trong nửa cuối năm 2022. Bởi lẽ nếu hoạt động hết công suất, Freeport LNG có thể cung cấp khoảng 15 triệu tấn LNG ra thị trường mỗi năm, được đánh là một trong những mắt xích quan trọng của thị trường LNG toàn cầu.

Theo sau Mỹ là Qatar và Australia - hai nhà xuất khẩu LNG hàng đầu thế giới khác trong năm 2022, hai nước bán được lần lượt là 10,5 bcfd và 10,4 bcfd khí dưới dạng LNG.

Xuất khẩu LNG cũng tăng từ Malaysia, Na Uy, Trinidad và Tobago, Nga, Oman và Guinea Xích đạo với tổng cộng 1,3 bcfd. Ngược lại, ở Bắc Phi, xuất khẩu LNG từ Algeria và Nigeria lại giảm 500 triệu feet khối/ngày (mmcfd).

Trong khi đó, châu Âu (bao gồm cả Thổ Nhĩ Kỳ) lại dẫn đầu về nhập khẩu LNG, là khách hàng lớn nhất trên thị trường khí đốt tự nhiên hóa lỏng toàn cầu vào năm 2022 với mức nhập khẩu nhiều hơn 65% so với năm 2021. Ở châu Á, nhập khẩu LNG giảm 9% (3,2 bcfd) và ở châu Mỹ Latinh giảm 34% (800 mmcfd) so với năm 2021.

Công suất nhập khẩu LNG của EU và Vương quốc Anh tăng mạnh 73% (6,3 bcfd) trong năm 2022.

Cũng vào năm 2022, Nhật Bản trở lại với tư cách là nhà nhập khẩu LNG hàng đầu thế giới - danh hiệu mà nước này đã nắm giữ trong hơn 50 năm - sau khi Trung Quốc vượt qua Nhật Bản trở nước mua LNG lớn nhất thế giới hồi năm 2021. Theo EIA, các quốc gia châu Á khác, đặc biệt là những nước phụ thuộc lớn vào thị trường LNG giao ngay, đã giảm lượng mua giao ngay do giá LNG tăng cao kỷ lục vào năm ngoái. Ấn Độ, Pakistan và Bangladesh đã giảm 18% lượng mua LNG trong năm 2022 do giá cao. Ở Mỹ Latinh, Brazil cũng đã giảm 70% lượng mua LNG chủ yếu là do thủy điện tạo ra nhiều năng lượng, làm giảm nhu cầu phát điện từ khí đốt tự nhiên trong năm 2022 so với năm 2021.

Ánh Ngọc

Oil & Gas Journal

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/thuong-mai-lng-toan-cau-tang-5-trong-nam-2022-687389.html