Thương mẹ vô ngần!

Mẹ tôi, một người đàn bà sinh ra từ làng quê nghèo. Cả cuộc đời mẹ gắn bó với đồng lúa mênh mông, với cây đa, giếng nước, sân đình, với con ngõ nhỏ ngoằn ngoèo dẫn lối từ nhà ra cánh đồng.

Từ đông sang hè, mẹ gắn bó với chái bếp thấp lè tè, khom lưng để đi ra, đi vào. Những buổi sớm còn tờ mờ, khi chúng tôi đang cuộn mình trong chăn ấm, mẹ đã trở dậy lo bữa sáng. Những buổi chiều đi làm đồng về, lấm lem bùn đất, mẹ lật đật thả chiếc gầu múc nước dưới giếng lên rửa vội chân tay, rồi lại lúi cúi trong bếp lo bữa cơm chiều. Tiếng nồi cơm sôi sùng sục, mùi nước lá vối tỏa ra thơm nồng, nồi ngô khoai lục bục, cá diếc kho riềng thơm nức mũi… Những món ăn qua tay mẹ chế biến đều ăm ắp thương yêu.

Mẹ tôi, một người đàn bà lớn lên ở làng quê nghèo. Những năm thập niên năm mươi, sáu mươi, cái thời ăn chưa đủ no, khéo co chưa đủ ấm, quần rách, áo vá, tằn tiện sống qua ngày. Mẹ may mắn hơn bạn bè cùng trang lứa khi được ông ngoại cho đi học ở trường làng. Thế nhưng, đường đến lớp qua vài con đò ngang, cố gắng lắm mẹ cũng chỉ theo học đến khi biết đọc, biết viết…

Mẹ tôi, một người đàn bà chỉ biết gắn bó với làng, chưa một lần dám đi xa, chưa từng có suy nghĩ một ngày nào đó đi Đông, đi Tây, du lịch khắp muôn nơi. Chỉ đến khi tôi sinh em bé và không có ai đỡ đần, vì thương con, mẹ hứa chắc nịch sẽ vào Bình Phước để bên cạnh con giờ khắc quan trọng nhất.

Mẹ tôi, người đàn bà cả đời gắn bó với ruộng đồng, nay tạm dừng chuyện đồng áng, bỏ bãi mía, nương dâu, bỏ lại những luống rau đang lúc xuân thì để sắp xếp một chuyến đi - chuyến đi xa nhà đầu tiên của mẹ. Nhưng trước khi đi, mẹ lo lắng đến mất ăn mất ngủ, bao việc ngổn ngang dù đã cố gắng sắp xếp nhưng trong lòng vẫn chẳng yên tâm. Lúa ở đồng sẽ chín sớm, mẹ giao chị hai thuê công gặt về. Luống rau ngoài bờ đê đã lỡ trồng rồi không người chăm sóc, mẹ lại chạy khắp làng trên, xóm dưới dặn nhà này mai tưới hộ, nhà kia mốt rau tốt hái về ăn, để rau già thì thật lãng phí… Mẹ dặn nhiều đến mức bố phải gắt: “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi!”. Nhưng mẹ vẫn lo, tỉ mẩn viết vào cuốn sổ dặn dò đủ thứ linh tinh.

Mẹ tôi, một người đàn bà chưa theo kịp sự chuyển mình của thời đại 4.0. Đi máy bay nhưng mẹ gói gém tất cả yêu thương chốn quê nghèo vào trong hành lý. Từ quả cà mẹ hái vội chiều qua, chục trứng gà con so được bọc kỹ lưỡng, bánh dày giò, củ cải phơi khô… Những thứ tôi thích mẹ cố mang theo nhưng lại quên đem hành lý cho chính mình.

Lúc đón mẹ ở sân bay, nhìn trứng gà vỡ ra trong mớ hành lý, tôi đã giận mẹ vô cùng và buột miệng cằn nhằn: “Trời ơi, mẹ mang theo chi cho cực, trong này đâu thiếu gì, ra siêu thị mẹ muốn bao nhiêu mà chẳng được. Con đã dặn mẹ đừng mang gì vào rồi mà”. Ánh mắt mẹ sụp xuống vừa buồn rầu vừa luyến tiếc.

Mẹ tôi luôn tin những gì các con nói. Đôi lần gọi điện về nhà tôi hay than vãn: thèm ăn cà nhưng mua ngoài chợ sợ bị phun thuốc sâu, ăn trứng công nghiệp dở quá, giá như ở gần chạy qua xin mẹ chục trứng; rồi ước được ăn bánh dày giò ngày mưa thì ngon tuyệt… Có thể, tôi chỉ nói dăm ba câu chuyện rồi quên ngay sau đó, thế nhưng mẹ đã lưu tâm tất cả mà kỳ công chuẩn bị mang theo. Thứ mẹ đem vào chẳng phải những món quà quê mà đó là tình yêu thương vô ngần mẹ dành cho con. Vậy mà tôi nỡ vô tâm, để sầu vương trên mắt mẹ. Ngẫm lại, thấy thương mẹ vô ngần!

Nguyễn Thắm

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/142769/thuong-me-vo-ngan