Thương về đồng lúa chiều hôm

Dù đã không còn gắn bó cùng đồng ruộng nhưng bây giờ mỗi khi đứng trước cánh đồng, cảm giác xốn xang vẫn tràn ngập trong lòng tôi.

Mùa lúa chín. Ảnh: Lê Minh.

Mùa lúa chín. Ảnh: Lê Minh.

Nhiều lúc mất cả buổi chiều để đi ngang qua những chân ruộng biếc xanh đang dâng lên mùi thơm lúa mới, ngắm nhìn những “chiếc khăn xanh” màu khói đang hững hờ vắt ngang ngọn lúa như một dải lụa mềm.

Mùi của lúa đồng, mùi của sương lam chiều và cả mùi của gió nữa, tất cả vẫn thấp thoáng đâu đây gợi trong tôi không gian của những tháng năm đã cũ. Có vẻ như linh hồn của đồng ruộng vẫn chẳng hề thay đổi, cho dù hình dáng bên ngoài có khác đi chẳng còn như cũ.

Từ lâu rồi cánh đồng làng đã bị thu hẹp bởi sự đánh lấn của những khu dân cư, khu công nghiệp, nhà xây bê tông và những lán xưởng lợp tôn xanh tôn đỏ. Nó giống như một miếng bánh ngon bị những cái miệng đói gặm dần trở nên nham nhở và xấu xí. Màu xanh cây lúa bị giới hạn bởi con người và cuộc sống hiện đại nên cánh đồng có vẻ thiếu tự do.

Ruộng đất càng ngày càng ít đi, thêm vào đó là chi phí cho sản xuất lớn đã khiến cho thu nhập của bà con nông dân vốn đã ít ỏi nay lại càng ít hơn. Nhiều người sinh ra từ làng bây giờ cũng ngần ngại không mặn mà với cây lúa như trước nữa. Họ buồn vì đồng ruộng đã không còn là cái nôi bao bọc, chở che cho cuộc sống của những con người lớn lên cùng cây lúa. Một sương hai nắng trên đồng nhưng những rủi ro đối với mùa màng họ lại không thể kiểm soát nổi.

Bất trắc đến từ đám sâu rầy, chuột, ốc… và cả từ thiên nhiên vốn dĩ đã vô cùng đỏng đảnh. Nắng gắt bỏng cháy, mưa giông bão lụt hoặc giá rét bất thường cũng có thể dẫn đến mùa về tay trắng. Ngay từ khi gieo những mầm mạ đầu tiên xuống đất, người nông dân đã phải canh chừng. Chuột, ốc làm hại mầm non, giá rét hay nắng lửa cũng khiến cây non không mọc nổi. Trồng cây lúa xong rồi mà lòng luôn canh cánh “trông trời trông đất trông mây, trông mưa trông gió trông ngày trông đêm”… Họ trông đợi mùa màng từ những buổi sớm mai cặm cụi lội ruộng bắt ốc bươu vàng, từ những chiều hôm lui cui đặt bẫy bắt chuột và cả những trưa nắng cháy da cõng bình thuốc sâu ì ạch phun thuốc…

Cuộc sống khó khăn luôn muốn bứt người nông dân ra khỏi cánh đồng quen thuộc, đâu phải vì họ không yêu ruộng đất lúa khoai, mà bởi bây giờ cần quá nhiều thứ để sống. Ruộng đất cũng đã cỗi cằn chật hẹp giống như bầu sữa mẹ đã hao gầy, sao đủ nuôi bầy con đông đúc… Điều đó cũng có nghĩa là cuộc sống của người nông dân còn quá nhiều eo hẹp vất vả, nhiều khi họ cũng muốn gắn bó hết mình với ruộng nhưng sao mà khó khăn.

Họ cũng muốn giữ lại cho mình những vùng lúa thẳng cánh cò bay đến tận chân trời như nhiều năm về trước để thu sang có cốm xanh ăn chơi, Tết đến có bánh chưng gói từ gạo nếp thơm cấy ở thửa ruộng đầu làng do tay mình chăm sóc. Để mỗi khi mùa gặt tới họ được hân hoan cầm trong tay bông lúa uốn cong trĩu nặng cho dù mồ hôi thấm ướt vai áo sờn vì quen gánh vác công việc nhà nông nặng nhọc.

Năm nay, giá lúa gạo đã tăng cao đến mức kỷ lục. Nhưng quá lâu rồi hình như bà con nông dân quê tôi đã không còn trông chờ vào ruộng đồng để cải thiện kinh tế gia đình. Bởi lẽ, vất vả sớm hôm cả mấy tháng trời tính ra cũng chỉ lời lãi được vài triệu bạc, chẳng bằng công đi làm thuê ở những nhà xưởng đang mọc lên san sát ở ngay cạnh những ruộng lúa kia. Nhiều người đang nhìn cánh đồng bằng cái nhìn đong đếm của giá cả từng mét vuông diện tích.

Thế nhưng dù nó có dần trở nên chật chội thì chiều nay, màu sương đầu thu đang bảng lảng giăng ngang trên ngọn lúa cũng khiến tôi được an ủi đôi chút. Cánh đồng vẫn đang ở trước mặt…

Tản văn của THÁI HƯƠNG LIÊN

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/thuong-ve-dong-lua-chieu-hom-10287727.html