Thủy đậu bùng phát mạnh, 5 điều mọi người cần biết để tránh biến chứng nặng
Đây là bệnh truyền nhiễm nhưng lành tính, không có triệu chứng nặng nề, tuy nhiên rất dễ gây nhiễm trùng.
Thời điểm từ tháng 2 đến tháng 6 hằng năm thường xuất hiện dịch bệnh thủy đậu (dân gian gọi trái rạ) ở trẻ em. Đây là bệnh truyền nhiễm nhưng lành tính, không có triệu chứng nặng nề, tuy nhiên rất dễ gây nhiễm trùng da nơi mọc phỏng nước, có thể dẫn đến biến chứng nhiễm trùng huyết, viêm phổi, viêm não... nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách.
ThS.BS Nguyễn Phương Thảo – Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: “Trẻ nhỏ, nhất là trẻ sơ sinh khi mắc thủy đậu rất dễ gặp những biến chứng khó lường. Vì vậy, việc cha mẹ nhận biết được biểu hiện bệnh sớm, theo dõi dấu hiệu trở nặng để đưa con đến cơ sở y tế điều trị kịp thời là vô cùng cần thiết”.
Dưới đây là 5 điều cha mẹ cần biết về bệnh thủy đậu:
Nguyên nhân gây bệnh
Bệnh thủy đậu (Chickenpox) là bệnh truyền nhiễm lây qua đường hô hấp do virus Varicella Zoster (VZV) gây nên. Thủy đậu xảy ra chủ yếu ở trẻ em, biểu hiện bằng sốt và phát ban dạng nốt phỏng, thường diễn biến lành tính. Ở người có suy giảm miễn dịch, phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh, thủy đậu có thể tiến triển nặng dẫn đến các biến chứng nội tạng như viêm phổi, viêm cơ tim và có thể dẫn tới tử vong.
Biểu hiện
Giai đoạn tiền triệu chứng thường kéo dài 1-2 ngày trước khi xuất hiện ban. Người bệnh mệt mỏi, sốt từ 37,8°-39,4°C.
Ban trên da xuất hiện đầu tiên trên mặt và thân, nhanh chóng lan ra tất cả các vùng khác trên cơ thể.
Ban lúc đầu có dạng dát sẩn, tiến triển đến phỏng nước trong vòng vài giờ đến một vài ngày; Phần lớn các nốt phỏng có kích thước nhỏ 5-10 mm, có vùng viền đỏ xung quanh. Các tổn thương da có dạng tròn hoặc bầu dục; vùng giữa vết phỏng dần trở nên lõm khi quá trình thoái triển của tổn thương bắt đầu.
Các nốt phỏng ban đầu có dịch trong, dạng giọt sương, sau đó dịch trở nên đục; nốt phỏng bị vỡ hoặc thoái triển, đóng vảy; vảy rụng sau 1 đến 2 tuần, để lại một sẹo lõm nông.
Ban xuất hiện từng đợt liên tiếp trong 2-4 ngày; trên mỗi vùng da có thể có mặt tất cả các giai đoạn của ban – dát sẩn, phỏng nước và vảy.
Đường lây
Virus thủy đậu lây truyền qua đường hô hấp. Nguồn lây lớn nhất là người bị thủy đậu; người bệnh có khả năng lây cho người khác khoảng 48 giờ trước khi xuất hiện ban, trong giai đoạn phát ban (thường kéo dài 4-5 ngày), và cho đến khi ban đóng vảy.
Thủy đậu là bệnh dễ lây truyền; tỷ lệ lây nhiễm lên đến 90% ở những người chưa có miễn dịch. Bệnh thường xuất hiện thành dịch ở trẻ em lứa tuổi đi học.
Phòng bệnh
Vắc-xin thủy đậu là vắc-xin sống giảm độc lực, được chỉ định cho tất cả trẻ em trên 1 tuổi (cho tới 12 tuổi) chưa mắc thủy đậu và người lớn chưa có kháng thể với Herpes zoster.
Vắc xin thủy đậu có tính an toàn và hiệu quả cao.
Trẻ em cần được tiêm một liều vắc-xin và người lớn được tiêm hai liều. Một số trường hợp có thể có thủy đậu sau tiêm phòng.
Không tiêm vắc-xin thủy đậu cho trẻ suy giảm miễn dịch nặng (trẻ nhiễm HIV có triệu chứng).
Tránh tiếp xúc người bệnh bị thủy đậu hoặc Zona.
Vệ sinh cá nhân.
Tiêm vắc-xin là giải pháp đơn giản và hiệu quả nhất để phòng bệnh thủy đậu cho trẻ.
Chăm sóc trẻ mắc bệnh thủy đậu
– Khi trẻ có triệu chứng sốt, phát ban phỏng nước, gia đình nên cách ly con không tiếp xúc với mọi người xung quanh để tránh lây nhiễm. Phòng thông thoáng, sạch sẽ, có ánh nắng mặt trời.
– Nếu trẻ sốt trên 38º5 độ, cho trẻ uống thuốc hạ sốt thành phần paracetamol 10-15mg/kg cách 4-6 giờ/ lần, kết hợp chườm ấm. Lưu ý khi chườm ấm cho trẻ thủy đậu, cần dùng nước ấm tan giá (không quá ấm nóng) để tránh gây vỡ, bỏng rát các phỏng nước trên cơ thể.
– Nếu con có các biểu hiện ho nhiều, khó thở, mệt mỏi, li bì cần đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám.
Vệ sinh cơ thể, chăm sóc da đúng cách – Không nên kiêng tắm, kiêng nước như dân gian.
Hiện nay, vẫn có nhiều người quan niệm mắc bệnh thủy đậu phải kiêng nước, kiêng gió nên không tắm cho con. Tuy nhiên, đây là quan niệm chưa đúng, khi trẻ mắc thủy đậu cha mẹ nên vệ sinh cơ thể, chăm sóc da đúng cách để tránh nhiễm khuẩn khiến tình trạng của trẻ càng nặng hơn.
Ngoài ra, cha mẹ nên chú ý bổ sung dinh dưỡng đầy đủ cho con, không ăn kiêng, nếu trẻ đau miệng có thể cho trẻ ăn thức ăn mềm, dễ tiêu, uống sữa, ăn cháo.