Thụy Điển: Khó chồng khó

Thúc đẩy tiến trình gia nhập NATO, hoàn thành nhiệm kỳ Chủ tịch EU, củng cố đoàn kết nội khối sẽ là nhiệm vụ không dễ dàng dành cho Thụy Điển.

Nỗ lực gia nhập NATO của Thụy Điển tiếp tục vướng “hòn đá tảng” mang tên Thổ Nhĩ Kỳ. (Nguồn: Gzero)

Nỗ lực gia nhập NATO của Thụy Điển tiếp tục vướng “hòn đá tảng” mang tên Thổ Nhĩ Kỳ. (Nguồn: Gzero)

Thụy Điển dưới thời Thủ tướng Ulf Kristersson đang phải đối mặt khó khăn chưa từng có. Nỗ lực gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) của Stockholm tiếp tục vướng “hòn đá tảng” mang tên Thổ Nhĩ Kỳ. Việc Thổ Nhĩ Kỳ cân nhắc chấp nhận Phần Lan song từ chối Thụy Điển đã ít nhiều “thay lời muốn nói”.

Phản ứng gay gắt của Ankara trước vụ đốt kinh Qu’ran và đợt biểu tình phản đối Tổng thống Tayyip Erdogan tại Stockholm tuần trước khiến mọi chuyện càng phức tạp hơn. Ngày 28/1, Ngoại trưởng Thụy Điển Tobias Billstrom tuyên bố nước này đã tạm hoãn quá trình đàm phán NATO vì làn sóng “chống Thụy Điển” tăng cao.

Quãng thời gian làm Chủ tịch luân phiên Liên minh châu Âu (EU) của Thụy Điển cũng “khó nhằn” không kém. Đầu tháng Hai, Nghị viện châu Âu (EP) sẽ tước quyền miễn trừ của hai Nghị sĩ thuộc cơ quan này, ông Marc Tarabella (Bỉ) và ông Andrea Cozzolino (Italy).

Trước đó, quan chức Bỉ đã cáo buộc hai người này cùng Phó Chủ tịch Hội đồng châu Âu Eva Kaili và một số quan chức khác đã nhận hối lộ từ Qatar để tác động chính sách của EU, theo hướng có lợi cho Doha. Vụ việc chưa từng có tiền lệ ở EU hẳn là bài toán đau đầu cho Chủ tịch của khối.

Tuy nhiên, gian nan hơn cả với EU là câu chuyện về đoàn kết nội khối đang cho thấy nhiều khác biệt trong phản ứng với xung đột Nga-Ukraine. Các nước Baltic cùng Ba Lan ngày một quyết đoán về viện trợ quân sự cho chính quyền của ông Volodymyr Zelensky.

Trong khi đó, Đức lại tỏ ra thận trọng về việc gửi các khí tài chiến lược, dù Pháp cam kết sẽ “mở đường” với các xe tăng chiến đấu “hạng nhẹ”. Ngược lại, Hungary liên tục phản đối các biện pháp trừng phạt của EU đối với Nga, trong khi Zagreb đã từ chối cung cấp viện trợ quân sự cho Kiev.

Đó là chưa kể tới các vấn đề khác như đa dạng hóa nguồn cung, thúc đẩy chuyển đổi năng lượng trong bối cảnh thiếu hụt dầu và khí đốt từ Nga, kiểm soát tình trạng người di cư từ Trung Đông và Ukraine, phân bổ ngân sách phục hồi hậu Covid-19…

Thúc đẩy tiến trình gia nhập NATO, hoàn thành nhiệm kỳ Chủ tịch EU, củng cố đoàn kết nội khối sẽ là nhiệm vụ không dễ dàng dành cho Thụy Điển.

Kế Thông

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/thuy-dien-kho-chong-kho-215173.html