Tích cực tuyên truyền, vận động tiêm phòng cho trẻ ở vùng đồng bào DTTS

Trong thời gian qua, Hội LHPN các cấp đã tích cực phối hợp cũng như triển khai các hoạt động tuyên truyền về lợi ích của tiêm ngừa vaccine cho trẻ đến hội viên, phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số. Qua đó góp phần giúp tỷ lệ tiêm chủng cho trẻ vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng được nâng lên.

 Tuyên truyền bà con cho trẻ đi tiêm phòng vaccine.

Tuyên truyền bà con cho trẻ đi tiêm phòng vaccine.

Xã Khánh Hòa (huyện U Minh, Cà Mau) là địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Trong công tác tiêm ngừa, trạm y tế địa phương đã phối hợp với các tổ chức đoàn thể, chọn những người có uy tín trên địa bàn để tuyên tuyền, vận động chị em phụ nữ có con em trong độ tuổi thực hiện tiêm ngừa đúng thời gian quy định; trong đó có sự tham gia tích cực của Hội LHPN.

Chị Danh Thị Thảo - ngụ xã Khánh Hòa cho biết, khi sắp đến các đợt tiêm chủng, các chị trong tổ y tế đến tận nhà nhắc nhở phụ huynh đưa trẻ đến trạm y tế đúng ngày để đăng ký và tiêm ngừa. Bên cạnh đó, chị cũng được các chị ở chi hội phụ nữ thường xuyên đến thăm hỏi và tuyên truyền cách chăm sóc sức khỏe trẻ em, lợi ích của tiêm ngừa nên con chị luôn được tiêm ngừa đầy đủ, đúng lịch.

Nhân viên y tế tiêm ngừa cho trẻ - Ảnh: Kim Cương

Nhân viên y tế tiêm ngừa cho trẻ - Ảnh: Kim Cương

Huyện Phước Sơn (tỉnh Quảng Nam) hiện có gần 70% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số với 24 thành phần dân tộc, trong đó chủ yếu là người Bhnong (Gié - Triêng) chiếm 58,9%. Bà Nguyễn Thị Thu Hiệp, Chủ tịch Hội LHPN huyện Phước Sơn cho biết, với vai trò, trách nhiệm của mình, các cấp Hội trên địa bàn thường xuyên phối hợp với ngành Y tế triển khai tuyên truyền, vận động các phụ huynh đưa con đi ngừa đầy đủ, đúng lịch.

Thực tế cho thấy, hiểu biết về vacccine của đồng bào dân tộc thiểu số hiện nay còn chưa được nhiều. Bà con chưa hiểu hết được hết lợi ích mà vaccine mang lại. Dù điều kiện địa hình cách trở, khó khăn nhưng công tác tuyên truyền về lợi ích của vaccine luôn được Hội LHPN chú trọng.

Theo bà Hiệp, ngoài tuyên truyền miệng thì Hội cũng triển khai đa dạng các hình thức như xây dựng video, sau đó tuyên truyền qua các trang mạng xã hội. Tuy nhiên, do đa phần bà con còn chưa có điều kiện sử dụng điện thoại thông minh, sóng điện thoại chỗ có chỗ không nên hình thức tuyên truyền này cũng còn hạn chế.

"Ở những vùng thấp thì bà con đưa các bé đến trạm y tế để tiêm vaccine, còn ở vùng cao thì nhân viên y tế sẽ về tận nhà dân để tiêm nên việc tiêm vaccine cho trẻ đạt tỷ lệ ngày càng cao. Trong thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục nâng cao năng lực của cán bộ Hội cơ sở để công tác tuyên truyền về tiêm ngừa đạt hiệu quả cao hơn nữa", bà Hiệp chia sẻ.

Cần tiêm vaccine đầy đủ, đúng lịch cho trẻ

Theo các chuyên gia, trẻ nhỏ có hệ thống miễn dịch chưa hoàn chỉnh khiến bệnh tật dễ dàng xâm nhập; các cơ quan như hô hấp, tiêu hóa đều non nớt, mỏng manh, đồng thời giảm dần kháng thể bảo vệ từ mẹ. Trẻ càng nhỏ khi mắc bệnh càng có nguy cơ cao biến chứng nặng. Nếu mắc phải các bệnh truyền nhiễm trong những tháng đầu đời nhưng không kịp điều trị, trẻ có thể gánh chịu những di chứng suốt đời, ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ và thể chất, thậm chí tử vong.

Do đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa chương trình chủng ngừa mở rộng cho trẻ em vào kế hoạch phòng bệnh cho các quốc gia. Từ đó, đã cải thiện được tỉ lệ tử vong, biến chứng có thể xảy ra cho trẻ.

Thực hiện tiêm chủng cho trẻ vùng đồng bào dân tộc thiểu số - Ảnh: Nội Hà

Thực hiện tiêm chủng cho trẻ vùng đồng bào dân tộc thiểu số - Ảnh: Nội Hà

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Liên chi hội truyền nhiễm TPHCM cho biết, trẻ mới sinh ra, có một số kháng thể từ mẹ được giữ lại, nhưng không đủ hoàn hảo để bảo vệ trẻ. Trong 6 tháng đầu đời, có những bệnh không tạo được miễn dịch cho dù trẻ có bú mẹ hay có kháng thể của mẹ. Vì thế lúc này cần chủng ngừa kịp thời để trẻ có được những miễn dịch cơ bản.

Lịch chủng ngừa thường sẽ bắt đầu vào tháng thứ 2, 3, 4 hoặc 2, 4, 6. Miễn dịch cơ bản có thể kéo dài đến 1,5 năm. Sau thời gian này sẽ bắt đầu lịch phòng ngừa nhắc lại. Cần lưu ý, bệnh có thể xảy ra đối với trẻ chưa được chủng ngừa đầy đủ trong 6 tháng đầu đời.

Đa số vaccine cơ bản như bạch hầu, uốn ván, ho gà, sốt bại liệt hay phế cầu… đều gần như phòng ngừa được bệnh. Đa số vaccine cơ bản tạo được kháng thể cho trẻ đạt trên 90%. Mỗi loại vaccine đưa vào sử dụng đều đã được nghiên cứu về tính an toàn, hiệu lực, hiệu quả, liều lượng, đường tiêm, lịch tiêm chủng theo những quy định của Tổ chức Y tế Thế giới, Bộ Y tế. Vaccine chỉ hiệu quả cao nhất khi tiêm đủ số mũi.

Mặt khác, theo chuyên gia, vaccine cần vài tuần để tạo ra kháng thể chống lại bệnh tật, trường hợp tiêm chủng chậm lịch, kháng thể chưa tạo đủ để bảo vệ trẻ, trẻ vẫn có thể mắc bệnh khi tiếp xúc với người mang virus, vi khuẩn. Do vậy, phụ huynh, đặc biệt là ở đồng bào dân tộc thiểu số cần tránh tâm lý chủ quan có dịch bệnh mới đưa con em đi tiêm vaccine.

Bên cạnh việc tiêm phòng đẩy đủ, đúng lịch thì việc khám sức khỏe định kỳ là một phần quan trọng để đảm bảo trẻ em được phát triển khỏe mạnh, hạnh phúc. Khám sức khỏe định kỳ nên được tiến hành thường xuyên, ít nhất mỗi năm 1 lần, đặc biệt là những trẻ có tiền sử bệnh lý.

Đây cũng có thể là thời điểm tốt để bác sĩ đánh giá và giải đáp thắc mắc của cha mẹ, người chăm sóc về các vấn đề sức khỏe của trẻ và thảo luận về những thay đổi bất thường mà trẻ gặp phải.

Lợi ích của khám sức khỏe định kỳ:

• Theo dõi sự tăng trưởng và phát triển của trẻ về thể chất và tinh thần.

• Kiểm tra, phát hiện những bệnh lý có thể điều trị sớm.

• Xác định những bất thường có thể trở thành vấn đề y tế trong tương lai.

• Tiêm chủng những mũi cần thiết.

• Giải đáp các vấn đề phụ huynh đang băn khoăn về sức khỏe của trẻ.

Mộc Miên

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/tich-cuc-tuyen-truyen-van-dong-tiem-phong-cho-tre-o-vung-dong-bao-dtts-20241006104030438.htm