Tiêm kích Rafale bắt gặp 'điều chưa từng thấy' ở Ấn Độ: Sự kỳ lạ đến Pháp cũng choáng ngợp
Chiều 29/7, 5 chiếc máy bay Rafale đầu tiên mà Ấn Độ đặt mua của Pháp đã hạ cánh xuống sân bay quân sự ở thành phố Ambala.
Truyền thông Ấn Độ "tôn thờ" Rafale
Ấn Độ đã đặt mua 36 tiêm kích Rafale từ Pháp theo thỏa thuận có giá trị lên tới 9,4 tỷ USD. Toàn bộ số máy bay này dự kiến sẽ được hoàn tất chuyển giao vào cuối năm 2021.
Công ty Pháp Dassault đang cạnh tranh để bán cho Ấn Độ thêm nhiều phi cơ nữa trong bối cảnh New Delhi tuyên bố họ cần có thêm hơn 150 chiến đấu cơ dành cho hải quân và không quân.
Theo tờ EurAsian Times, thông tin về sự hiện diện của các máy bay chiến đấu Rafale tràn ngập "một cách kỳ lạ" trên các phương tiện truyền thông Ấn Độ, đến Pháp cũng phải choáng ngợp.
Rafale là chiến đấu cơ thế hệ 4 do công ty hàng không Dassault của Pháp phát triển và được đưa vào sản xuất năm 1992. Chúng đã được Pháp cung cấp cho Ai Cập và UAE nhưng chưa bao giờ thu hút nhiều sự chú ý tới vậy.
Ấn Độ là quốc gia gần đây nhất đặt mua các tiêm kích Rafale và mẫu máy bay này đã được hoan nghênh với sự phô trương cực độ. Mặc dù Rafale là sự bổ sung tuyệt vời cho Không quân Ấn Độ (IAF) nhưng các phương tiện truyền thông Ấn Độ có vẻ còn đẩy sự tuyệt vời đó lên một mức cao hơn nữa mà người ta gọi là "tôn thờ".
EurAsian Times cho biết, thông tin về Rafale thậm chí còn "chiếm sóng" nhiều hơn cả tin về lũ lụt gây chết người ở đông bắc Ấn Độ hay tin tức về sự gia tăng các trường hợp nhiễm COVID-19.
Kênh NDTV của Ấn Độ đã bao quát mọi tin tức về thỏa thuận Rafale, kèm theo đó là hình ảnh, video và các cuộc phỏng vấn với chuyên gia. Bên cạnh đó, họ còn thường xuyên update trên Twitter những thông tin liên quan.
Các tin tức tương tự cũng được đăng tải trên tờ Hindustan Times. Tờ này còn đăng một bài viết bàn luận các kế hoạch của IAF và bằng cách nào có thể đánh bại Trung Quốc dựa trên các chiến đấu cơ sắp được chuyển giao.
Trang tin CNN-News 18 thì đăng bài viết so sánh Rafale với các tiêm kích JF-17 và J-20 của Trung Quốc.
Theo các chuyên gia của EurAsian Times, sở dĩ truyền thông Ấn Độ "thổi phồng" Rafale như vậy là vì 2 lý do. Thứ nhất, Rafale là tiêm kích gốc phương Tây đầu tiên gia nhập Không quân Ấn Độ sau Mirage-2000. Điều này tự nó đã dẫn tới sự phấn khích của người dân Ấn Độ.
Thứ 2, thông tin về việc chuyển giao Rafale lại xuất hiện trùng với thời điểm căng thẳng biên giới Trung-Ấn đang gia tăng. Sự hiện diện của chúng trong hàng ngũ Không quân Ấn Độ không chỉ đóng vai trò như một lực đẩy đối với lực lượng vũ trang của New Delhi mà còn cả với nhân dân nước này.
Các tiêm kích Rafale sẽ là thành phần trong Không đoàn số 17 Không quân Ấn Độ, còn được biết đến là "Mũi tên vàng" (Golden Arrows).
Giới chính trị gia Ấn Độ chào đón Rafale
Giới chính trị gia Ấn Độ cũng hăm hở chào đón các tiêm kích Rafale từ Pháp. Nhiều người trong số họ đã thể hiện sự hoan nghênh của mình trên mạng xã hội.
Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh chào đón những thành viên mới nhất của Không quân Ấn Độ bằng cách đăng tải trên Twitter đoạn video ghi lại cảnh một chiếc Rafale hạ cánh xuống Ambala.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cũng chia sẻ trên Twitter đoạn video này.
Rahul Gandhi – Chủ tịch Đảng Quốc Đại Ấn Độ không đưa ra bình luận cá nhân nào về các tiêm kích Rafale mới được chuyển giao nhưng Đảng Quốc Đại đã nhanh chóng thể hiện sự vui mừng trên Twitter chính thức, đồng thời chỉ trích gay gắt Đảng Bharatiya Janata của Thủ tướng Modi đã giảm số lượng máy bay đặt mua từ 126 xuống còn 36 chiếc.
EurAsian Times nhận định, sự hiện diện của các tiêm kích Rafale rõ ràng sẽ là sự thúc đẩy lớn đối với Không quân Ấn Độ. Tuy nhiên, chúng không thể khiến Ấn Độ đủ tiềm lực đối phó với cuộc chiến tranh trên cả hai mặt trận với Trung Quốc, Pakistan.
Thay vào đó, chúng giúp New Delhi phòng thủ trước các động thái hung hăng của Trung Quốc và hỗ trợ lực lượng máy bay hiện có của IAF.
Hãng thông tấn AFP (Pháp) nhận định, Ấn Độ muốn thông qua sự hiện diện của Rafale để gửi thông điệp cảnh cáo tới Trung Quốc.