Tiền Giang: GRDP quý I-2024 đạt 4,24%
Hoạt động kinh tế - xã hội quý I năm nay diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; xung đột quân sự giữa Nga và U-crai-na kéo dài, căng thẳng trên Biển Đỏ, dải Gaza leo thang; tăng trưởng kinh tế, thương mại, đầu tư toàn cầu tiếp tục xu hướng suy giảm; thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu… sẽ ảnh hưởng sâu rộng đến tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, an ninh - quốc phòng và đời sống nhân dân.
Trước bối cảnh chung đó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Tiền Giang tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, quyết tâm chính trị cao, năng động, sáng tạo, khắc phục khó khăn, nỗ lực phấn đấu, tập trung thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong năm 2024 với chủ đề “Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững”. Tăng trưởng kinh tế của tỉnh quý I năm 2024 có nhiều khởi sắc, các khu vực kinh tế đều tăng hơn so với cùng kỳ.
Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tỉnh quí I năm 2024 ước đạt 16.157 tỷ đồng, tăng 4,24% so với quí I năm 2023; tăng cao hơn cùng kỳ 1,34% (quí I năm 2023 tăng 2,90, quí I năm 2022 tăng 3,39%); trong đó: khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,81%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,47% và khu vực dịch vụ tăng 5,92 % (bao gồm thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm); Nếu tách riêng thuế sản phẩm thì khu vực dịch vụ tăng 6,25 % và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 4,25% so cùng kỳ.
Mức đóng góp của các khu vực: trong 4,24% tăng trưởng thì khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản đóng góp 0,68%, khu vực công nghiệp và xây dựng đóng góp 1,51%, khu vực dịch vụ đóng góp 1,81% và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm làm giảm 0,24%.
Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản: Quí I năm 2024 tăng 1,81% so với quí I năm 2023; Tăng cao hơn 0,86% so quí I năm 2023 (quí I năm 2023 tăng 0,95%).
Tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp quí I năm 2024 tăng 2,10%; Trong quí I năm 2024 dự báo sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn, do hạn mặn đến sớm hơn và xâm nhập sâu hơn cùng kỳ của các năm trước. Nhưng công tác phòng chống hạn mặn được chủ động, triển khai thực hiện ngay từ rất sớm, nông dân tuân thủ theo lịch thời vụ đã khuyến cáo, nên hầu hết diện tích gieo trồng đã được thu hoạch, trách được tác động của hạn mặn.
Tuy nhiên dự báo hạn, mặn tiếp tục kéo dài sẽ hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân trong quí II. Xuất khẩu các mặt hàng nông sản trong quí thuận lợi nên giá bán các loại sản phẩm trồng trọt tăng so cùng kỳ nhất là sầu riêng, mít, lúa ...
Trà lúa Đông Xuân năm nay phát triển tốt, năng suất bình quân đạt 70,6 tạ/ha, tăng 1,2% so cùng kỳ (tăng 0,8 tạ/ha); Nhưng diện tích gieo sạ giảm 6,9%, tương đương giảm 3.319,3 ha, do chuyển đổi sang đất phi nông nghiệp là 57,92 ha, cây hàng năm khác 659,33 ha, cây lâu năm 2.577,23 ha, nuôi thủy sản 01 ha và không sản xuất là 23,8 ha.
Diện tích gieo trồng giảm hầu hết ở các huyện trong đó: TX. Gò Công giảm 142,44 ha, TX Cai Lậy giảm 72,89 ha, Tân Phước giảm 23,2 ha, Cái Bè giảm 1.835 ha, Cai Lậy giảm 446,57 ha, Châu Thành giảm 365,1 ha, Chợ Gạo 24,27 ha, Gò Công Tây giảm 285,11 ha và Gò Công Đông giảm 124,7 ha; Nên sản lượng lúa thu hoạch giảm 5,7% so cùng kỳ.
Lĩnh vực chăn nuôi, dịch bệnh còn xảy ra ở một số địa phương, gây tâm lý lo lắng cho người nuôi, giá bán sản phẩm đầu ra không tăng, trong khi giá thức ăn nằm ở mức cao, nên người nuôi lãi không nhiều, không kích thích nông dân tập trung đầu tư, nên tổng đàn giảm so cùng kỳ. Ước đến 01/3/2024 tổng đàn gia súc gia cầm của tỉnh như sau: đàn bò 117 nghìn con, giảm 5,7%, đàn lợn 285 nghìn con, giảm 2,6% và đàn gà 16,1 triệu con, giảm 5,5% so cùng kỳ.
Ngành thủy sản tăng 0,25% so cùng kỳ, tăng chủ yếu ở sản lượng nuôi trồng, sản lượng nuôi trồng trong quí đạt 36.227 tấn, tăng 0,5% so cùng kỳ; sản lượng khai thác trong quí đạt 18.658 tấn, giảm 11,6% so cùng kỳ. Sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, các đội tàu khai thác của tỉnh cũng đã ra khơi bắt đầu mùa vụ khai thác mới. Tuy nhiên ảnh hưởng của thời tiết, gió nhiều, sóng lớn nên các đội tàu gặp khó khăn trong quá trình khai thác và số lượng tàu thuyền đánh bắt giảm do phải đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật của khai thác thủy sản bền vững.
Khu vực công nghiệp - xây dựng: Tăng 5,47% so với quí I năm 2023; Tăng cao hơn quí I năm 2023 là 1,7%. (quí I năm 2023 tăng 3,68%).
Ngành công nghiệp tăng 4,42%, tăng cao hơn cùng kỳ 1,27%. Nhìn chung tình hình sản xuất công nghiệp trong quý I năm 2024 mặc dù vẫn còn một số doanh nghiệp sản xuất ngành: đồ uống; dệt; sản xuất trang phục; sản xuất thiết bị điện ... đang gặp khó khăn do đơn hàng xuất khẩu ký kết hợp đồng với các đối tác nước ngoài giảm mạnh, không ổn định làm ảnh hưởng đến nên tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Nhưng tình hình có dấu hiệu lạc quan hơn, do có một số doanh nghiệp mới đi vào hoạt động; một số ngành cũng kỳ giảm, nhưng quí I năm nay bắt đầu tăng trở lại; Các ngành có chỉ số sản xuất tăng khá so củng kỳ như: Sản xuất chế biến thực phẩm tăng 15,7%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 39,4%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 25,6% do Công ty TNHH Lốp Advance Việt Nam đi vào hoạt động ổn định; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 19,31% so với cùng kỳ, do nhà nhà máy điện gió Tân Phú Đông 1 đã đi vào hoạt động từ cuối tháng 05/2023 ...
Tuy nhiên cũng có một số ngành chiếm tỷ trọng lớn trong giá trị của ngành công nghiệp nhưng giảm hoặc tăng thấp, làm cho chậm đà tăng trưởng của ngành công nghiệp như: Sản xuất trang phục giảm 24,1% (chiếm tỷ trọng 5,17%); Sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 2,60% (chiếm tỷ trọng 18,07); Sản xuất kim loại tăng 1,78% (chiếm tỷ trọng 16,37%) ...
Dự báo xu hướng sản xuất kinh doanh quý II năm 2024, có 43,75% số doanh nghiệp ngành chế biến, chế tạo dự báo tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp quý II/2024 tốt lên so với quý I/2024 và 35,42% dự báo giữ ổn định; có 20,83% doanh nghiệp dự báo tình hình sản xuất kinh doanh khó khăn hơn so với quý I/2024.
Ngành xây dựng tăng 11,88%, là một trong những ngành có tốc độ tăng trưởng tốt nhất trong quí I năm 2024. Trên địa bàn tỉnh có nhiều công trình trọng điểm của địa phương và trung ương đang được triển khai thi công, cộng với sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt trong việc đẩy nhanh tiến độ đầu tư công đã góp phần làm cho hoạt động xây dựng trên địa bàn tỉnh tăng khá so cùng kỳ.
Khu vực dịch vụ: tăng 6,25% so cùng kỳ (cùng kỳ tăng 5,41%):
Hoạt động thương mại trên địa bàn tỉnh 03 tháng đầu năm, duy trì mức tăng trưởng khá, nhờ thực hiện hiệu quả các chương trình bình ổn thị trường, tổ chức kết nối doanh nghiệp phân phối với các nguồn hàng hóa tại từng địa phương, khôi phục hoạt động các chợ truyền thống, chợ đầu mối nhằm đảm bảo cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, tỉnh còn chú trọng các hoạt động xúc tiến và quảng bá du lịch nhằm thu hút khách đến Tiền Giang.
Hầu hết các ngành trong khu vực này đều tăng, nhu cầu tiêu dùng, mua sắm của người dân trong quí tăng cao nên hoạt động thương mại và dịch vụ diễn ra khá sôi động và có mức tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước, một số ngành tăng khá như: bán buôn và bán lẽ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy tăng 8,11%;
Dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 15,41%; hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ tăng 11,33%; Hoạt động động Vận tải kho bãi tăng 15,4%, so với cùng kỳ trong có 02 hãng taxi mới đi vào hoạt động trên địa bàn là Saigon taxi và Xanh SM; việc siết chặt kiểm tra nồng độ cồn người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông làm cho nhu cầu sử phương tiện vận tải công cộng tăng, đã thúc đẩy dịch vụ vận tải đường bộ trên địa bàn tỉnh tăng; ...
Riêng hoạt động nghệ thuật vui chơi và giải trí giảm 4,82% so cùng kỳ, chủ yếu giảm ở hoạt động xổ số kiến thiết, do doanh thu tiêu thụ trong kỳ giảm 2% so cùng kỳ. Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 4,25% so với quí I năm 2023.
Cơ cấu kinh tế: khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 40,4% (cùng kỳ 40,3%); khu vực công nghiệp, xây dựng chiếm 25,2% (cùng kỳ 26,1%); khu vực dịch vụ chiếm 28,8% (cùng kỳ 28,0%); thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 5,6%, tương đương so cùng kỳ.
Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/kinh-te/202403/tien-giang-grdp-quy-i-2024-dat-424-1006676/