Tiền nóng chọn trái phiếu doanh nghiệp, cảnh báo 'bỏng tay' (Kỳ cuối): Phát triển thị trường lành mạnh, cách nào?
Cho rằng thị trường trái phiếu doanh nghiệp bắt đầu có diện mạo mới sau nhiều năm chậm phát triển, nhưng đang phát sinh những rủi ro, bất cập mới kể từ sau khi áp dụng các cơ chế tại Nghị định 163/2018 về phát hành trái phiếu doanh nghiệp từ đầu năm đến nay, các thành viên thị trường kiến nghị nhà quản lý cần áp dụng nhiều giải pháp có chiều sâu để thị trường phát triển lành mạnh, tránh những cú sốc.
Nhiều bất cập
“Qua thực tiễn vận hành, chúng tôi nhận được phản ánh từ các thành viên về những vướng mắc, bất cập hiện tại trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang cần có hướng tháo gỡ…”, ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) thông tin.
Theo đó, một số quy định về chính sách thuế của Việt Nam chưa thực sự hấp dẫn nhà đầu tư tham gia thị trường so với các nước trong khu vực.
Hiện nay, so với các quốc gia trong khu vực, nước ta có mức thuế thu nhập dành cho các nhà đầu tư cá nhân thấp hơn, nhưng đối với doanh nghiệp lại cao hơn.
Cụ thể, mức thuế thu nhập doanh nghiệp áp dụng với nhà đầu tư trong nước là 20%, thuế thu nhập từ lãi và giá trị chuyển nhượng đối với nhà đầu tư nước ngoài lần lượt là 5% và 0,1%.
Trong khi tại Thái Lan, đối với pháp nhân, mức thuế thu nhập từ lãi là 1% và giá trị chuyển nhượng là 0-15% tùy thuộc vào thỏa thuận thuế kép. Tại Malaysia, không áp thuế thu nhập từ trái phiếu.
Đây là một điểm khá bất lợi khi nhà đầu tư là doanh nghiệp, tổ chức chiếm tỷ trọng cao hơn các cá nhân trong cơ cấu nhà đầu tư trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam.
Từ góc độ của tổ chức phát hành, một số vấn đề quy định tại Nghị định 163/2018 chưa rõ ràng, dẫn đến doanh nghiệp lúng túng, khó khăn trong quá trình triển khai phát hành trái phiếu, chẳng hạn chưa quy định rõ người đại diện ký bản công bố thông tin phát hành trái phiếu, quy định về thời gian công bố thông tin trước đợt phát hành quá dài, chưa quy định cụ thể các nội dung về kết quả phát hành trái phiếu sẽ được công bố công khai trên chuyên trang thông tin trái phiếu doanh nghiệp (thay vì công bố toàn bộ nội dung báo cáo kết quả phát hành mà doanh nghiệp gửi đến sở giao dịch chứng khoán như hiện nay, bao gồm cả danh sách nhà đầu tư mua trái phiếu)...
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp là lĩnh vực khá mới nên hiểu biết, nhận thức của hầu hết các thành phần tham gia, bao gồm cả tổ chức phát hành còn hạn chế, do đó không tránh khỏi sự lúng túng, e ngại nhất định trong việc tham gia mạnh mẽ vào thị trường.
Bên cạnh đó, sự thiếu vắng các tổ chức xếp hạng tín nhiệm làm cho tính minh bạch, chuẩn mực của thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam không cao so với nhiều nước trong vực và có thể tác động đến sự phát triển của thị trường từ một số góc nhìn.
Cụ thể, từ góc độ của người phát hành trái phiếu để vay vốn, nếu có định hạng tín nhiệm chuẩn đạt chất lượng tin cậy cho cả thị trường, thì mỗi doanh nghiệp với mức xếp hạng tín nhiệm cụ thể của mình và của dự án kinh doanh có thể dễ dàng ước tính, dự báo chi phí vốn. Vì thế, việc thông tin thiếu minh bạch và khó đánh giá, lường đón khiến các doanh nghiệp có thể ngần ngại khi xem xét phát hành trái phiếu...
Thiếu vắng các tổ chức xếp hạng tín nhiệm làm cho tính minh bạch, chuẩn mực của thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam không cao so với nhiều nước trong vực và có thể tác động đến sự phát triển của thị trường...
Từ góc nhìn của nhà đầu tư, việc thiếu hệ thống xếp hạng tín nhiệm chuẩn trên thị trường sẽ dẫn đến khó nghiên cứu, tìm kiếm, xem xét, đánh giá để ra quyết định đầu tư vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp, công tác định giá từng trái phiếu doanh nghiệp cũng sẽ thiếu minh bạch và khó khăn hơn. Việc thiếu vắng các tổ chức xếp hạng tín nhiệm có chất lượng tin cậy và trung tâm định giá trái phiếu tập trung dẫn đến thiếu thông tin cơ sở cần thiết để nhà đầu tư có thể đánh giá tương quan rủi ro - lợi suất mà trái phiếu đem lại.
Sự tham gia của các tổ chức tư vấn luật chuyên nghiệp vào các giao dịch trên thị trường còn thưa thớt cũng là một phần nguyên nhân làm cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp chưa thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư chuyên nghiệp, dài hạn cả trong nước và quốc tế. Các vấn đề này có thể dẫn đến sự ngần ngại tham gia thị trường của nhiều đối tượng nhà đầu tư trong và ngoài nước, đồng thời làm giảm tính thanh khoản trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp thứ cấp…
Đứng từ góc độ của cơ quan quản lý, việc thị trường trái phiếu doanh nghiệp thiếu các dịch vụ định hạng tín nhiệm chuẩn, đáng tin cậy khiến công tác quan sát, đánh giá, lựa chọn mục tiêu và áp dụng các chính sách quản lý phù hợp, hiệu quả trong từng giai đoạn trở nên khó khăn hơn.
Cách nào tháo gỡ?
Thời gian tới, kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ còn tăng trưởng nhanh, tạo ra tiềm năng phát triển lớn cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Trong bối cảnh đó, VBMA đề xuất ưu tiên tập trung triển khai các giải pháp phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp có chiều sâu hơn.
Theo đó, các cơ quan quản lý cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, trọng tâm là ban hành Luật Chứng khoán sửa đổi và các văn bản hướng dẫn thi hành, nhằm tạo điều kiện tốt hơn cho doanh nghiệp trong huy động vốn, nâng cao tính công khai, minh bạch của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, cũng như hiệu quả quản lý, giám sát thị trường chứng khoán để bảo vệ lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư.
Cần có giải pháp, chiến lược tổng thể, rõ ràng để phát triển đa dạng hóa các nhà đầu tư trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bao gồm cả việc thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.
Xác định rõ mục tiêu phát triển thị trường, lợi thế cạnh tranh, điểm mạnh, điểm yếu so với các thị trường đối thủ cạnh tranh trong thu hút các nhà đầu tư để có chính sách khuyến khích nhà đầu tư, cơ chế đánh đổi cụ thể trong ngắn, trung và dài hạn về thuế, hạch toán kế toán, cơ chế phòng ngừa rủi ro tỷ giá, lãi suất, thủ tục hành chính, phương thức, sản phẩm, hạ tầng giao dịch…
Cần đẩy nhanh các biện pháp nhằm nâng cao tính công khai, minh bạch của thị trường, trong đó cấp thiết nhất là việc thành lập các tổ chức xếp hạng tín nhiệm, đại lý định giá trái phiếu doanh nghiệp và nhanh chóng đưa vào vận hành chuyên trang thông tin trái phiếu doanh nghiệp.
Đi liền với đó là các chính sách đẩy mạnh việc truyền thông, đào tạo, nâng cao hiểu biết về hoạt động của thị trường trái phiếu doanh nghiệp cho các thành phần tham gia thị trường; từng bước xây dựng, hình thành các chuẩn mực cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp gần các thông lệ, chuẩn mực quốc tế, trong đó bao gồm các chuẩn mực về quy trình, thủ tục phát hành, các bộ mẫu hợp đồng để doanh nghiệp tham khảo, sử dụng trong quá trình triển khai.
Trước những kiến nghị trên, đại diện Vụ Tài chính - Ngân hàng (Bộ Tài chính) cho hay, cơ quan quản lý đang nắm bắt các bất cập nảy sinh để có phương án sửa đổi, bổ sung Nghị định 163/2018/NĐ-CP, cũng như Luật Chứng khoán sửa đổi. Định hướng sửa đổi pháp lý là sẽ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp huy động vốn qua kênh trái phiếu, nhưng thị trường phải phát triển công khai, lành mạnh, đồng thời rộng mở kênh đầu tư chuyên nghiệp, minh bạch, phù hợp với khẩu vị đầu tư đa dạng của nhà đầu tư trong nước và quốc tế.