Tiền tệ kỹ thuật số mới của BRICS: Một thách thức đối với đồng đô la?

Với mong muốn thách thức sự thống trị của đồng USD và Euro, các quốc gia thành viên BRICS đang nghiên cứu việc phát triển một loại tiền kỹ thuật số chung trên toàn cầu.

Những quốc gia thuộc khối BRICS (bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) đang tăng tốc trong việc thúc đẩy việc tạo ra đồng tiền kỹ thuật số mới nhằm giảm sự phụ thuộc vào các loại tiền tệ phương Tây và củng cố ảnh hưởng kinh tế của mình.

Động thái này phần lớn xuất phát từ tình hình bất ổn tài chính toàn cầu gần đây và các chính sách đối ngoại mạnh mẽ của Hoa Kỳ, điều đã khiến căng thẳng giữa các nước trong khối gia tăng.

Bằng cách thúc đẩy đồng tiền kỹ thuật số mới, các quốc gia BRICS hướng đến việc giảm sự phụ thuộc vào đồng USD và hạn chế tác động từ các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Mặc dù chưa có thời gian cụ thể được xác nhận, các cuộc thảo luận về vấn đề này đang có xu hướng tăng tốc, với Nga và Iran dẫn đầu trong việc thúc đẩy việc tạo ra đồng tiền mới.

Theo một số báo cáo, dự kiến các quốc gia thành viên BRICS sẽ thảo luận về dự án tiền kỹ thuật số này tại hội nghị thượng đỉnh BRICS tổ chức ở Nga từ ngày 22 đến 24 tháng 10.

Nhận định của các chuyên gia

Một trong những lý do chính thúc đẩy BRICS tạo ra đồng tiền này là nhằm giảm bớt sức mạnh của các lệnh trừng phạt từ Mỹ.

Bà Alessia Amighini, đồng giám đốc Trung tâm châu Á thuộc Viện Nghiên cứu Chính trị Quốc tế, cho rằng cuộc xung đột Nga-Ukraine và các biện pháp trừng phạt từ phương Tây đã đẩy nhanh xu hướng phi đô-la hóa trong khối BRICS.

Bà cũng lưu ý rằng, kết quả của quá trình này là các ngân hàng trung ương đã mua kỷ lục 1.136 tấn vàng trong năm ngoái để giảm sự phụ thuộc vào đồng USD.

Lượng vàng dự trữ có thể sẽ là cơ sở cho đồng tiền mới của BRICS, khi các nước thành viên đang tích cực tăng cường dự trữ vàng.

Chẳng hạn, Trung Quốc đã vươn lên dẫn đầu thị trường vàng, với việc mua kỷ lục 100 tấn vàng kể từ tháng Sáu.

Thách thức về tính khả thi

Mặc dù các quốc gia BRICS đang tiến lên trong kế hoạch tạo ra đồng tiền kỹ thuật số mới, một số chuyên gia tỏ ra lo ngại về tính khả thi của dự án này. Họ cho rằng sự đa dạng trong các hệ thống kinh tế của các quốc gia thành viên là một thách thức lớn.

Bà Melissa Pistilli, chuyên gia phân tích của mạng lưới Investing News Network, đã nhận định rằng đồng tiền mới có thể gặp khó khăn trong việc cân bằng ảnh hưởng của đồng Nhân dân tệ Trung Quốc với các đồng tiền nhỏ hơn như đồng Rúp của Nga.

Tuy nhiên, bà Pistilli vẫn nhìn thấy những lợi ích tiềm năng từ dự án này, bao gồm các giao dịch xuyên biên giới hiệu quả hơn, tăng cường sự bao trùm tài chính và thúc đẩy mối quan hệ kinh tế sâu rộng hơn giữa các quốc gia thành viên.

“Theo tôi, việc tạo ra đồng tiền chung của BRICS là một bước đi quan trọng nhằm định hình lại trật tự tài chính quốc tế. Mặc dù vẫn còn nhiều thách thức, nhưng tiềm năng lợi ích là rất lớn và cả thế giới đang theo dõi sát sao để xem dự án này sẽ ảnh hưởng thế nào đến tương lai của tài chính toàn cầu,” bà Pistilli nhận xét.

Hệ thống thanh toán mới của BRICS

Nhằm tiếp tục những nỗ lực cải cách tài chính toàn cầu, BRICS gần đây đã ra mắt hệ thống thanh toán toàn cầu mới, BRICS Pay, tại Diễn đàn Kinh doanh BRICS ở Moscow.

Hệ thống này cung cấp một phương thức thanh toán phi tập trung, tiết kiệm chi phí so với các phương pháp thanh toán quốc tế truyền thống, cho phép các giao dịch xuyên biên giới giữa các quốc gia thành viên mà không cần phụ thuộc vào các tổ chức tài chính phương Tây.

BRICS Pay được thiết kế để tuân thủ các quy định pháp lý của từng quốc gia thành viên, đảm bảo tính an toàn và hợp pháp khi sử dụng.

Hệ thống này cũng sẽ hỗ trợ các loại tiền kỹ thuật số và stablecoin gắn liền với các đồng tiền quốc gia, giúp cho đồng tiền kỹ thuật số toàn cầu mới có thể tương thích với cơ sở hạ tầng thanh toán hiện tại.

Dũng Phan (Theo CCN)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tien-te-ky-thuat-so-moi-cua-brics-mot-thach-thuc-doi-voi-dong-do-la-post318085.html