Tiến trình đàm phán về đập thủy điện Đại Phục hưng tiếp tục bế tắc
Cuộc đàm phán giữa Ai Cập, Sudan và Ethiopia liên quan tới việc vận hành và tích nước của đập thủy điện Đại Phục hưng tiếp tục rơi vào tình trạng bế tắc và 3 quốc gia này hy vọng sẽ đạt được một thỏa thuận cuối cùng trước thời hạn chót vào ngày 15/1 tới.
Theo phóng viên TTXVN tại Ai Cập, phát biểu sau cuộc họp diễn ra trong 2 ngày 8-9/1 tại thủ đô Addis Ababa của Ethiopia, Bộ trưởng Nguồn nước và Thủy lợi Ai Cập Mohamed Abdel Aty cho hay 3 nước vẫn chưa đạt được một thỏa thuận, song ít nhất đã tiến tới lập trường rõ ràng hơn trong tất cả các vấn đề, bao gồm hoạt động tích trữ nước của đập thủy điện Đại Phục hưng. Trên cơ sở đó, Ai Cập, Sudan và Ethiopia hy vọng có thể giải quyết bất đồng và đạt được thỏa thuận cuối cùng vào tuần tới tại thủ đô Washington của Mỹ.
Trong khi đó, Bộ trưởng Nguồn nước Ethiopia Seleshi Bekele cho biết 3 bên không thể đồng thuận do phía Ai Cập đưa ra đề xuất mới yêu cầu hoạt động trữ nước của đập thủy điện Đại Phục hưng sẽ diễn ra trong vòng 12-21 năm và đây là điều mà Addis Ababa không chấp nhận. Dự kiến, Ethiopia sẽ bắt đầu trữ nước trong con đập này vào tháng 7 tới.
Theo kế hoạch, 3 nước này sẽ tham dự một cuộc họp do Mỹ bảo trợ vào ngày 13/1 tới tại Washington, nhằm mục tiêu giải quyết vướng mắc còn tồn đọng trước thời hạn chót ngày 15/1 liên quan tới việc vận hành và tích nước của con đập thủy điện trị giá 4 tỷ USD mà Ethiopia đang xây dựng trên sông Nile.
Bất đồng về việc vận hành đập thủy điện Đại Phục hưng là nguyên nhân chính gây ra cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa Ai Cập và Ethiopia. Cairo lo ngại rằng con đập này sẽ làm hạn chế nguồn nước sông Nile vốn đã ngày càng trở nên kham hiếm, trong bối cảnh hơn 90% dân số Ai Cập phải phụ thuộc vào nguồn nước này. Tuy nhiên, phía Addis Ababa phủ nhận con đập sẽ làm giảm khả năng tiếp cận nguồn nước sông Nile của Ai Cập, đồng thời khẳng định dự án mà họ đang theo đuổi là rất quan trọng cho sự phát triển kinh tế. Đập thủy điện Đại Phục hưng dự kiến sẽ sản xuất hơn 6.000 MW điện, đưa Ethiopia tiến tới mục tiêu trở thành nhà xuất khẩu điện năng lớn nhất châu Phi.
Theo thỏa thuận mà các bên đạt được trước đó tại Washington, nếu Ai Cập, Sudan và Ethiopia không thể tiến tới đồng thuận vào ngày 15/1 thì một nhà hòa giải quốc tế sẽ được chỉ định để giúp giải quyết bất đồng.