Tiến về Hà Nội...Bài 1: Chủ trương tiếp quản Thủ đô trong hòa bình
Thủ đô là trái tim của Tổ quốc. Bởi vậy, trong chiến tranh giải phóng dân tộc, nếu Thủ đô chưa được giải phóng thì đất nước chưa giải phóng, chưa giành được nền độc lập hoàn toàn. Hướng về Thủ đô Hà Nội, chúng ta đã dồn tâm huyết, trí tuệ, đấu trí, đấu lực quyết liệt với địch, giành thắng lợi hoàn toàn...
Mùa thu cách đây 70 năm, để tiếp quản Thủ đô Hà Nội an toàn và trật tự đó là cuộc đấu trí, đấu lực quyết liệt với địch. Ngày 10-10-1954, dưới sự chỉ huy của Thiếu tướng Vương Thừa Vũ, Chủ tịch Ủy ban Quân chính, đại quân ta từ các cửa ô tiến vào Hà Nội trong không khí tự hào, hiên ngang của một đoàn quân chiến thắng. Ta đã tiếp quản Thủ đô tuyệt đối an toàn, nhanh gọn, bao gồm hàng loạt các căn cứ quân sự cùng hàng trăm công sở, xí nghiệp, bệnh viện, trường học... được nguyên vẹn.
Cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm chống thực dân Pháp (1945-1954), với đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ buộc thực dân Pháp phải ký kết Hiệp định Geneva (21-7-1954) về việc chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương. Theo nội dung hiệp định, Pháp phải rút quân và công nhận nền độc lập của Việt Nam, Lào và Campuchia, vĩ tuyến 17 được lấy làm giới tuyến quân sự tạm thời để hai bên tập kết lực lượng quân sự. Thực hiện các điều khoản của hiệp định, toàn bộ LLVT cách mạng ở miền Nam và quân tình nguyện Việt Nam ở Lào chuyển về tập kết ở Bắc vĩ tuyến 17. Quân Pháp có thời gian 80 ngày để rút quân khỏi Hà Nội. Vì vậy, công tác tiếp quản Thủ đô Hà Nội phải được chuẩn bị hết sức chu đáo, khẩn trương. Bộ Chính trị xác định: “Việc tiếp quản các thành thị lớn và vùng nông thôn mới giải phóng là một nhiệm vụ rất quan trọng và nặng nề”.
Phải thấy rằng, mặc dù thực dân Pháp bị bại trận, song những cơ sở về kinh tế, chính trị, văn hóa do thực dân Pháp gây dựng trước đó vẫn còn tồn tại, trong khi các tổ chức đảng phái và lực lượng phản động vẫn đang tìm mọi cách chống phá cách mạng. Như vậy, tiếp quản Thủ đô Hà Nội không đơn thuần là việc “tiếp nhận-bàn giao” mà thực chất là cuộc đấu trí, đấu lực gay go, phức tạp của ta trước sự ngoan cố, hung hãn, tráo trở và những âm mưu hành động của thực dân Pháp. Chúng lợi dụng thời gian này để phá hoại các cơ sở kinh tế, văn hóa, lôi kéo người di cư vào Nam, gây rối loạn và làm cho mọi công việc bị đình trệ. Chủ động và biết trước âm mưu của Pháp, ý thức rõ quy mô và tầm quan trọng của việc tiếp quản Thủ đô Hà Nội, Bộ Chính trị và Ban Bí thư Trung ương Đảng đã cử các đồng chí: Võ Nguyên Giáp, Lê Văn Lương, Xuân Thủy và Tố Hữu trực tiếp lãnh đạo và chỉ đạo công tác tiếp quản Thủ đô. Vì vậy, Thành ủy Hà Nội, Ban chỉ huy Mặt trận Hà Nội đã dự kiến được những tình huống phức tạp, chuẩn bị mọi mặt cho cuộc tiếp quản Thủ đô Hà Nội trong không khí hòa bình.
Để chuẩn bị cho công tác tiếp quản, từ ngày 3-7-1954, Trung ương Đảng ra chỉ thị “Bảo hộ các thành phố mới giải phóng”, trong đó nhấn mạnh: “Giữ gìn thành phố, ổn định, duy trì, khôi phục và xây dựng các công tác trong thành phố, phát huy tác dụng của thành phố để giúp vào việc cung cấp cho kháng chiến, giúp cho nền kinh tế vùng tự do của ta được phồn thịnh”. Tại Thủ đô Hà Nội, từ cuối tháng 7-1954, Thành ủy chỉ thị thực hiện các giải pháp đấu tranh với địch để giữ gìn các nhà máy, xí nghiệp, công sở, giao thông; bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân... chuẩn bị tốt mọi mặt cho việc tiếp quản Thủ đô.
Đến ngày gần tiếp quản, công tác chuẩn bị được tiến hành khẩn trương, chặt chẽ, chu đáo. Trên cơ sở nghiên cứu việc tiếp quản các thị trấn, thị xã trước đó và tình hình hiện tại ở Thủ đô Hà Nội, đầu tháng 9-1954, Trung ương Đảng ra Nghị quyết thành lập Đảng ủy tiếp quản Thủ đô, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Bộ Chính trị và Ban Bí thư. Đồng chí Trần Quốc Hoàn, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng làm Bí thư Thành ủy Hà Nội và trực tiếp làm Bí thư Đảng ủy tiếp quản Thủ đô. Những cán bộ làm công tác tiếp quản đã được lựa chọn qua lớp học tiếp quản của Trung ương ở Việt Bắc và của Liên khu 3 cùng với cán bộ của Hà Nội. Bộ máy tiếp quản với những đội công tác phụ trách ở từng khu vực, từng ngành, từng đơn vị được tổ chức từ trên xuống dưới cả nội thành và ngoại thành. Đảng ủy tiếp quản Thủ đô gấp rút mở các lớp huấn luyện ngắn ngày cho 500 cán bộ các ngành trước khi về hoạt động ở Thủ đô, đồng thời cấp tốc bồi dưỡng, đào tạo hàng trăm cán bộ cốt cán từ thành phố ra. Thành ủy, Ban chỉ huy Mặt trận Hà Nội cũng chỉ đạo xây dựng lực lượng tự vệ hùng hậu, tăng cường đảng viên, đoàn viên, quần chúng trung kiên vào lãnh đạo chỉ huy các lực lượng tự vệ. Hội đồng Chính phủ cũng công bố “8 chính sách của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đối với các thành phố mới giải phóng”...
Ngày 19-9-1954, trên đường về tiếp quản Thủ đô, tại Đền Giếng, trong khu di tích Đền Hùng tỉnh Phú Thọ, Bác Hồ đã căn dặn cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn 308: Ngày xưa, các Vua Hùng đã có công dựng nước, ngày nay, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước. Bác còn dặn thêm: “Suốt tám năm kháng chiến, các chú đã làm kiểu mẫu anh dũng, do đó mà chúng ta đã thắng lợi. Nay chúng ta về thành thị, các chú cũng phải làm kiểu mẫu đúng đắn để tranh lấy thắng lợi trong hòa bình”.
Cùng với việc tích cực chuẩn bị lực lượng tiếp quản, Thành ủy Hà Nội chủ trương lãnh đạo quần chúng, nhất là công nhân đấu tranh chống địch phá hoại kết cấu hạ tầng, di chuyển máy móc, chống cưỡng ép di dân vào Nam... Theo đó, phong trào đấu tranh của công nhân dấy lên mạnh mẽ. Ở Nhà máy Điện Yên Phụ, công nhân, tự vệ Hãng STAI đấu tranh không cho chủ Pháp tháo dỡ máy móc mang vào Nam, đòi giải quyết công ăn việc làm, bảo đảm đời sống công nhân. Công nhân Nhà máy Đèn Bờ Hồ đấu tranh ngăn chặn chủ nhà máy tháo dỡ máy móc thiết bị. Công nhân nhà máy nước tìm cách giấu những kiện hòm thiết bị quan trọng mà địch định di chuyển khỏi nhà máy, đồng thời ngăn chặn địch đặt mìn phá các trạm cấp nước thành phố. Nhân viên Bưu điện Hà Nội mang cơm, nước, rải chiếu thay nhau túc trực, ngăn không cho địch tháo gỡ thiết bị di chuyển...
Cuộc đấu tranh của tự vệ, công nhân các nhà máy diễn ra trong khuôn khổ trật tự, bình tĩnh với thái độ kiên quyết đã ngăn chặn sự phá hoại của địch. Bên cạnh đó, phong trào đấu tranh của các ngành, các giới, các tầng lớp nhân dân trong thành phố cũng diễn ra mạnh mẽ. Tại các bệnh viện, Sở Y tế Bắc Việt, các trường học, công sở... đội ngũ giáo sư, bác sĩ, dược sĩ, y tá, giáo viên... thực hiện cất giấu thuốc và các trang thiết bị y tế. Nhiều trường học tổ chức “Ủy ban Liên lạc học sinh”, tiến hành treo cờ đỏ sao vàng, diễn thuyết, rải truyền đơn và vận động quần chúng nhân dân đấu tranh bảo vệ thành phố. Nhân dân các khu phố tổ chức đội tự vệ, trang bị dao, gậy, gạch đá để chống lại các hoạt động khủng bố, vây ráp bắt người lưu manh, trộm cắp... Đối với binh lính địch, Thành ủy Hà Nội chủ trương đẩy mạnh công tác địch vận.
Ngày 17-9-1954, theo quyết nghị của Chính phủ, Ủy ban Quân chính thành phố Hà Nội được thành lập để làm nhiệm vụ tiếp quản thành phố. Hội đồng Chính phủ đã công bố các chính sách đối với thành thị mới giải phóng, chính sách đối với tôn giáo, các điều kỷ luật của bộ đội, cán bộ và nhân viên công tác khi vào thành phố mới giải phóng; Bộ Tổng Tư lệnh đã ra lệnh cho các đơn vị bộ đội đang tiến về giải phóng Hà Nội phải giữ vững trật tự an ninh của thành phố, bảo vệ nhân dân, bảo vệ ngoại kiều, triệt để chấp hành các chính sách và kỷ luật mà Chính phủ đã đề ra, luôn nêu cao cảnh giác, sẵn sàng đập tan mọi âm mưu khiêu khích, phá hoại.
Sau quá trình đấu tranh trên mặt trận ngoại giao yêu cầu thực dân Pháp rút khỏi Hà Nội đúng thời hạn, bảo đảm nguyên tắc chuyển giao trong trật tự, an toàn, không được phá hoại và không làm gián đoạn các hoạt động của đời sống nhân dân. Ngày 30-9-1954, hai bên đã ký Hiệp định chuyển giao Hà Nội về quân sự. Ngày 2-10-1954, ký tiếp Hiệp định chuyển giao Hà Nội về hành chính. Chính phủ ta đã phái các đội công an, trật tự, cảnh vệ, hành chính vào Hà Nội để chuẩn bị việc tiếp quản thành phố.
Theo các văn bản đã được ký kết, từ ngày 2-10 đến 5-10-1954, các đội hành chính, trật tự của ta vào Thủ đô Hà Nội trước, chuẩn bị cho việc tiếp quản các cơ quan, công sở, các công trình công cộng. Với chủ trương tiếp quản trong hòa bình, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Thành ủy Hà Nội, Ban chỉ huy Mặt trận Hà Nội đã chuẩn bị mọi mặt cho việc tiếp quản Thủ đô một cách thận trọng, khẩn trương và trật tự. Sáng 10-10-1954, các đơn vị Quân đội nhân dân Việt Nam gồm bộ binh, pháo binh, cao xạ, cơ giới... với quân phục chỉnh tề hùng dũng tiến vào Thủ đô Hà Nội trong niềm vui, phấn khởi chào đón của nhân dân thành phố.