Tiếng chuông từ thảm kịch chìm tàu ngoài khơi biển Hy Lạp
Thảm kịch chìm tàu chở người tị nạn vừa xảy ra ngoài khơi biển Hy Lạp là tiếng chuông thức tỉnh châu Âu, cần có những giải pháp toàn diện cho vấn đề người di cư, dù đây là đề tài gai góc mà hầu hết các chính phủ ở cựu lục địa đều ngại đối mặt.
Mối họa khôn lường
Ít nhất 79 người di cư đã chết đuối và hàng trăm người khác mất tích hoặc được cho là đã chết sau khi con tàu đánh cá chở họ bị lật úp và chìm ngoài khơi vùng biển Ionian, phía Tây Nam Hy Lạp vào sáng sớm 14/6 (theo giờ địa phương).
Nhà chức trách Hy Lạp cho biết ngay khi xảy ra vụ đắm tàu, lực lượng bảo vệ bờ biển và quân đội nước này đã triển khai một số lượng lớn phương tiện để tiếp cận những người sống sót và xác định vị trí của những người thiệt mạng.
Theo Bộ Hàng hải Hy Lạp, các lực lượng cứu hộ đã đưa lên bờ 79 thi thể và cứu sống 104 người. Nhưng, vẫn chưa rõ có bao nhiêu thuyền nhân mất tích. Lý do vì con tàu chìm ở vùng biển cách bờ 47 hải lý, nơi có độ sâu khoảng 4.000 mét, khiến xác tàu và các nạn nhân nằm ngoài tầm với của thợ lặn.
Cho đến nay, phía Hy Lạp cũng vẫn từ chối suy đoán về số lượng người trên con tàu. Nhưng, theo Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) và Cao ủy về người tị nạn của Liên hợp quốc (UNHCR), có khoảng 400 đến 750 người được cho là đã ở trên chiếc tàu bị lật. Trong khi đó, truyền hình nhà nước Hy Lạp ERT đưa tin, một nạn nhân sống sót nói với các bác sĩ rằng anh đã nhìn thấy hàng trăm đứa trẻ trong khoang tàu.
Một số tờ báo trích lời những người sống sót nói rằng lực lượng bảo vệ bờ biển Hy Lạp đã xử lý chậm chễ và sau đó khiến con tàu bị lật khi cố gắng kéo nó bằng dây thừng. Nhưng, nhà chức trách Hy Lạp cho biết, cảnh sát biển nước này tiếp cận con tàu từ gần nửa tiếng trước mốc 2 giờ sáng ngày 14/6 (tức thời điểm tàu chìm), ngay khi nhận được báo cáo về sự cố động cơ của tàu. Cảnh sát gửi tín hiệu đề nghị giúp đỡ song những người trên boong đã từ chối hỗ trợ.
Báo cáo của cảnh sát biển cho thấy, sau đó con tàu nghiêng mất kiểm soát khi hành khách hoảng loạn xô đẩy nhau, khiến nó lật nhào và nhiều người rơi xuống biển. Chỉ khoảng 10 đến 15 phút sau, con tàu đã chìm, ngay trước mắt các sĩ quan cảnh sát biển, những người cố gắng cứu bất cứ ai có thể.
Đây được xem là vụ tai nạn hàng hải thảm khốc nhất ngoài khơi Hy Lạp kể từ sau khi 70 người thiệt mạng khi một chiếc thuyền chở người di cư bị chìm gần đảo Lesbos hồi tháng 10/2015. Sau thảm kịch hôm 14/6, Chính phủ Hy Lạp tuyên bố dành 3 ngày quốc tang và các chiến dịch vận động cho cuộc bầu cử quốc hội vòng 2 của nước này cũng bị tạm dừng trong 3 ngày.
Tuyến đường di cư nguy hiểm nhất
Một công tố viên cấp cao đã được Chính phủ Hy Lạp chỉ định dẫn đầu cuộc điều tra thảm kịch. Hiện tại, nguyên nhân vẫn chưa được làm sáng tỏ. Thông tin ban đầu cho biết, con tàu đánh cá cũ kỹ này chở đầy những người di cư từ Ai Cập, Pakistan và Syria. Họ được những kẻ buôn người tập kết tại Tobruk (Libya) để từ đó lên tàu và đang trên đường tới Italy.
Theo hãng thông tấn AMNA của Hy Lạp, cảnh sát nước này hôm 19/6 đã bắt 9 đối tượng liên quan. Tất cả đều mang quốc tịch Ai Cập và đều nằm trong số 104 nạn nhân được cứu sống. Trong khi đó, Pakistan, quốc gia được cho là có khoảng 300 công dân mất tích trong vụ đắm tàu, cũng mở cuộc một điều tra mạnh mẽ nhắm vào những băng nhóm buôn người ở nước này. Báo Le Monde cho biết, nhà chức trách Pakistan bước đầu đã bắt giữ 10 đối tượng tình nghi.
Vụ tai nạn bi thảm vừa qua trên thực tế chỉ là phần nổi của một thảm kịch lớn hơn liên quan đến những cuộc di cư qua Địa Trung Hải. Liên hợp quốc ghi nhận kể từ năm 2014 đến nay đã có gần 30.000 trường hợp tử vong và mất tích ở vùng biển này. Hầu như năm nào cũng có những vụ đắm tàu với trên 100 nạn nhân bỏ mạng, khiến Địa Trung Hải trở thành tuyến đường di cư nguy hiểm nhất trên thế giới.
Một số thảm họa tồi tệ nhất diễn ra vào năm 2015 và 2016, khi hàng trăm nghìn người cố gắng vượt qua vùng biển Địa Trung Hải để đến châu Âu. Trong một vụ chìm tàu vào tháng 4/2015, ước tính có khoảng 800 người chết gần Libya; một năm sau, có tới 500 người chết khi một chiếc thuyền chở đầy người di cư bị lật trên đường đến Italy.
Năm nay, nguy cơ số nạn nhân phải bỏ mạng ở Địa Trung Hải cũng đang có chiều hướng gia tăng. Từ đầu năm đến nay, lượng người vượt biển đến Italy đã tăng gấp hai lần rưỡi, 55.000 người so với con số 22.000 người cùng kỳ năm ngoái. Và, thảm kịch hôm 14/6 chính là một sự xác nhận đau lòng cho những dự đoán ấy.
Bài toán khó cho các nước châu Âu
Vụ đắm tàu ở ngoài khơi Hy Lạp xảy ra chỉ vài ngày sau khi các bộ trưởng EU đạt được thỏa thuận về cải cách các quy tắc tị nạn và di cư vốn đã quá hạn từ lâu của khối. Trong đó đề xuất những phương thức dễ dàng hơn để gửi những người xin tị nạn bị từ chối đến các nước thứ ba “an toàn”.
Nếu thỏa thuận mà các bộ trưởng EU mô tả là “lịch sử” này có thể vượt qua các cuộc đàm phán cuối cùng với Nghị viện châu Âu và chính thức được luật hóa, nó có thể thay đổi bộ mặt di cư tại cựu lục địa. Nhưng viễn cảnh ấy là không hề dễ dàng.
Sau “cuộc khủng hoảng tị nạn” năm 2015, khi hơn 1 triệu người di cư từ Syria và các quốc gia Bắc Phi - Trung Đông đổ về châu Âu, thì người tị nạn trở thành vấn đề gai góc, vô cùng khó giải quyết và gây chia rẽ đối với các chính phủ châu Âu cũng như với cả khối EU.
Việc phải tiếp nhận số lượng người nhập cư khổng lồ đã tạo ra những gánh nặng rất lớn về an sinh-xã hội, kinh tế cũng như gây ra xung đột văn hóa ở nhiều nước. Bối cảnh đó khiến những đảng cực hữu và bài ngoại có điều kiện thuận lợi để vươn lên, giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử nhờ khẩu hiệu chống nhập cư.
Những quyết sách khó khăn, thậm chí là khắc nghiệt hơn về di cư và nhập cư vì thế cũng dần xuất hiện. Ngay cả Thụy Điển, quốc gia nổi tiếng là luôn mở rộng vòng tay với người tị nạn, hồi tháng 12 năm ngoái cũng thông qua dự luật “Tăng cường yêu cầu đối với việc nhập cư lao động”, với những quy định chặt chẽ hơn trong việc tuyển dụng người nhập cư.
Theo ông Yves Pascouau, Giám đốc Chương trình Di cư và Đa dạng châu Âu thuộc tổ chức phi chính phủ có tên Trung tâm Chính sách châu Âu, những vụ chết đuối và mất tích ngoài khơi Địa Trung Hải “có tác động từ các biện pháp và hành động” do EU đưa ra kể từ sau cuộc khủng hoảng tị nạn năm 2015.
Từ đó đến nay, các nước EU đã tăng cường kiểm soát biên giới ngoài khơi, trục xuất những người di cư không có giấy tờ và gia tăng quyền hạn cũng như nguồn lực cho Cơ quan Quản lý biên giới của Liên minh châu Âu (Frontex). “Việc thắt chặt quản lý để mở ra các con đường nhập cư hợp pháp là tốt, nhưng vấn đề là các quốc gia không thảo luận về chủ đề đó cùng nhau”, ông Pascouau nói.
Quả thực, những năm gần đây, người di cư vẫn là đề tài gây ra tranh luận căng thẳng lưỡng cực tại châu Âu, giữa các quốc gia như Italy - nước muốn “di dời bắt buộc” người di cư đến khắp EU và những nước đã thẳng thừng bác bỏ đề xuất này, như Ba Lan và Hungary.
Vì thế, thỏa thuận về cải cách các quy tắc tị nạn và di cư hướng tới việc đem lại sự cân bằng giữa hai phe: Các quốc gia tiền tuyến muốn được trợ giúp nhiều hơn trong việc xử lý người tị nạn và những quốc gia nội địa vốn cho rằng có quá nhiều người di cư đang đến và di chuyển tự do trong EU.
Theo thỏa thuận, các quốc gia tiền tuyến sẽ được quyền thiết lập thủ tục tị nạn chặt chẽ hơn ở biên giới. Họ cũng sẽ có nhiều thời gian hơn để sàng lọc và gửi trả lại những người di cư không đáp ứng tiêu chuẩn. Còn các quốc gia nội địa sẽ được lựa chọn chấp nhận một số lượng người di cư nhất định mỗi năm hoặc đóng góp vào một quỹ chung của EU dựa trên số người họ từ chối.
Sẽ cần thời gian và nhiều cuộc đàm phán nữa để thỏa thuận được Nghị viện châu Âu cũng như quốc hội của từng nước chính thức phê chuẩn. Và, trong lúc các nước EU vẫn chưa có một chính sách chung thỏa đáng về người tị nạn thì bên kia Địa Trung Hải, những con người khốn khổ mang hy vọng đến châu Âu tiếp tục trở thành mồi ngon cho các băng đảng đưa người vượt biên bất hợp pháp.
Các cơ quan của Liên hợp quốc vì thế đang kêu gọi EU có “hành động khẩn cấp và quyết đoán” để ngăn chặn những cái chết tiếp theo. Cao ủy về người tị nạn của Liên hợp quốc (UNHCR) trong một tuyên bố khẳng định, các nỗ lực tập thể và sự phối hợp của EU để ngăn chặn sự tái diễn là cần thiết, do số lượng người tị nạn qua Địa Trung Hải ngày càng tăng.
Federico Soda, Giám đốc Ban Khẩn cấp của IOM, thì cho rằng cách tiếp cận hiện tại của các nước với tuyến đường di cư Địa Trung Hải không hiệu quả. “Năm này qua năm khác, đây tiếp tục là con đường di cư nguy hiểm nhất thế giới, với tỷ lệ tử vong cao nhất. Các nước cần phải hợp tác với nhau và giải quyết những lỗ hổng trong việc chủ động tìm kiếm và cứu nạn, đưa người lên bờ nhanh chóng và tạo ra các lộ trình thông thường an toàn cho người di cư”, ông Soda nói.