Tiếng kẻng báo động ở Làng Nủ

Có lẽ, tôi sẽ chẳng bao giờ quên những tiếng kẻng dồn dập, những tiếng hò hét gấp gáp cảnh báo đất trên núi đang tiếp tục tràn xuống trong lúc nhiều người đang tìm kiếm những nạn nhân của trận lũ quét kinh hoàng tại Làng Nủ. Tại nơi tận cùng của nỗi đau này, chúng tôi chứng kiến sự xả thân của tổng lực các đơn vị tham gia tìm kiếm, cứu nạn. Tất cả thấm đẫm trong ba tiếng nghĩa đồng bào.

Làng Nủ - ngôi làng nhỏ ở xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai, nằm yên bình dưới chân núi Con Voi, với dòng suối Vằng Cuồng (bắt nguồn từ đỉnh núi Con Voi) thường ngày hiền hòa, róc rách chảy qua. Bao quanh làng là những khu rừng xanh mướt, cùng những ngôi nhà của người Tày, người Dao sống đoàn kết, gắn bó. Ấy vậy mà do mưa lớn sau trận bão Yagi, vào khoảng 5h30 sáng ngày 10/9/2024, sau một tiếng nổ vang trời, con suối nhỏ cùng ngọn núi vốn bao bọc ngôi làng bao đời nay bỗng trở thành “hung thần”. Chỉ sau vài phút ngắn ngủi, cơn lũ dữ đã cuốn theo bùn, đá tràn xuống vùi lấp toàn bộ ngôi làng, biến nơi đây thành một bãi bùn mênh mông, hoang tàn.

Ngay trong tối 10/9, khi đang tác nghiệp tại thành phố Lào Cai, nhận được lệnh của Tổng Giám đốc Đài, nhóm phóng viên chúng tôi tìm mọi cách để có thể tiếp cận Làng Nủ một cách nhanh nhất. Tuy nhiên, vì khu vực xảy ra trận lũ quét nằm cách xa trung tâm thành phố Lào Cai chừng 100 km, giao thông bị chia cắt, nhiều điểm bị sạt lở, quốc lộ 279 giao thông bị tê liệt, chúng tôi phải chọn cung đường khác là quốc lộ 70 để di chuyển. Thông tin liên lạc hoàn toàn bị mất nên việc tiếp cận hiện trường của chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn.

Rạng sáng ngày 11/9/2024, lực lượng chức năng đã quyết định mở đường độc đạo để tiếp cận hiện trường, đưa bộ đội và phương tiện cứu hộ vào. Kịp thời theo chân các lực lượng, khoảng 10h sáng, chúng tôi là nhóm phóng viên tiếp cận được hiện trường sớm nhất.

Nhóm phóng viên Đài Hà Nội tác nghiệp tại thôn Làng Nủ.

Nhóm phóng viên Đài Hà Nội tác nghiệp tại thôn Làng Nủ.

Chưa bao giờ Lào Cai chứng kiến một trận lũ quét kinh hoàng đến như vậy. Với chúng tôi đây cũng là lần đầu tiên tận mắt chứng kiến sự tan hoang khi lũ dữ tràn qua. Thông tin chúng tôi cập nhật được ngay thời điểm tiếp cận hiện trường sáng 11/9, có 37 hộ bị lũ quét, với 158 nhân khẩu. Số người chết là 25 người, đang điều trị 17 người, đã an toàn 40 người, chưa xác định được số người mất tích, nhưng vào khoảng 70 người. Bộ Tư lệnh Quân khu 2 đã điều động 200 cán bộ, chiến sĩ cùng khoảng 80 chiến sĩ công an cơ động để hỗ trợ mở đường, tìm kiếm nạn nhân và khắc phục hậu quả.

Hàng trăm cán bộ, chiến sĩ các lực lượng và nhân dân tham gia tìm kiếm, cứu hộ các nạn nhân tại Làng Nủ

Hàng trăm cán bộ, chiến sĩ các lực lượng và nhân dân tham gia tìm kiếm, cứu hộ các nạn nhân tại Làng Nủ

Đến khoảng 16h50 chiều ngày 11/9/2024, trong lúc các chiến sĩ Sư đoàn 316, Quân khu 2 cùng nhiều người tổ chức tìm kiếm nạn nhân thì tình huống bất ngờ đã xảy ra, khiến tất cả mọi người đều kinh hoàng: trên đỉnh núi Con Voi lại xuất hiện thêm một vài điểm sạt lở. Đất đá lại tiếp tục đổ xuống. Tiếng kẻng gấp gáp vang lên thông báo cho người dân và các cán bộ, chiến sĩ đang tìm kiếm cứu nạn tạm dừng, di chuyển ngay lên phía trên để tránh nguy hiểm.

Tiếng kẻng dồn dập lẫn những tiếng hét lạc giọng khiến chúng tôi không khỏi hoảng sợ, nhưng vẫn cố bám trụ để bấm ghi những khoảng khắc ngay tại hiện trường. Sau lúc đó, phóng viên Lê Thông còn chưa hết bàng hoàng nói “Anh ơi, giờ em vẫn còn tim đập chân run”.

Quân đội đánh kẻng cảnh báo lũ về.

Quân đội đánh kẻng cảnh báo lũ về.

Ngày 12/9, các lực lượng chức năng khẩn trương chạy đua cùng thời gian để tìm kiếm nạn nhân. Chúng tôi rất bất ngờ và cảm động bởi trong suốt quá trình tác nghiệp, nhóm phóng viên luôn nhận được sự hỗ trợ, tạo điều kiện hết lòng không chỉ của lực lượng chức năng mà cả những người dân nơi đây.

Quần áo chúng tôi ướt sũng, cả ngày chỉ kịp ăn một vài miếng lương khô cùng chai nước. Nhưng khi chứng kiến những nỗi đau tận cùng của người dân Làng Nủ ngóng tìm người thân đã khiến chúng tôi càng thấy có trách nhiệm và quyết tâm tập trung tác nghiệp, cập nhật thông tin. Từ đây, những hình ảnh chân thật nhất về thiệt hại kinh hoàng của trận lũ và những nỗ lực không ngừng nghỉ của các lực lượng chức năng xuyên ngày đêm tìm kiếm nạn nhân, đã được đăng tải kịp thời trên các nền tảng của Đài Hà Nội.

Phóng viên Thành Công dẫn thông tin về công tác tìm kiếm cứu nạn tại Làng Nủ.

Phóng viên Thành Công dẫn thông tin về công tác tìm kiếm cứu nạn tại Làng Nủ.

Khi dẫn những hình ảnh đầy xúc động mà chúng tôi ghi lại gửi về Đài từ Làng Nủ, MC Xuân Thúy đã rơi nước mắt ngay tại trường quay của Chương trình thời sự.

Rất nhiều khoảnh khắc và những câu chuyện vô cùng bi thương ở nơi này. Bà Lương Thị Hến ở thị trấn Phố Ràng, Lào Cai có con gái lấy chồng tại Làng Nủ. Khi nhận tin kinh hoàng, bà vội vàng đến tìm con. Bà tìm đến Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Yên mong ngóng xem, có con hay người thân nào của mình ở đây không, nhưng không thấy. Hết hy vọng, bà quay về làng. Người dân ở đây cho biết, quán tạp hóa nhỏ của con gái bà đã bị vùi sâu trong bùn đất. Mòn mỏi ngồi khóc chờ con nhưng rồi thật đau xót, bà chỉ thấy thi thể của con rể bà, lại chẳng còn nguyên vẹn…

Thủ tướng Phạm Minh Chính trực tiếp chỉ đạo công tác tìm kiếm cứu hộ nạn nhân tại hiện trường hôm 12/9.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trực tiếp chỉ đạo công tác tìm kiếm cứu hộ nạn nhân tại hiện trường hôm 12/9.

Trong ngày 12/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác đã vào hiện trường Làng Nủ, lội bùn trực tiếp chỉ đạo công tác cứu hộ, tìm kiếm nạn nhân và thăm hỏi nhân dân, động viên các lực lượng tìm kiếm. Ngay tại đây, Thủ tướng đã giao các cấp chính quyền khảo sát một số địa điểm, cùng các cơ quan chuyên môn đánh giá mức độ an toàn để nhanh chóng khôi phục, xây dựng lại Làng Nủ sớm nhất trong năm nay.

Phóng viên Lê Thông của Đài Hà Nội tại hiện trường.

Phóng viên Lê Thông của Đài Hà Nội tại hiện trường.

Sau mấy ngày bám trụ tại Làng Nủ, chúng tôi trở về Hà Nội để thực hiện những công việc khác, thì tại nơi này, công tác tìm kiếm nạn nhân vẫn tiếp tục. Cả nước hướng về những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong đợt bão lũ lịch sử này để động viên, chia sẻ.

Lũ đã qua nhưng nỗi đau còn đó. Và với những phóng viên chúng tôi, những ngày tác nghiệp ở Làng Nủ cũng sẽ là ký ức không bao giờ quên.

Phóng viên Thành Công

Thành Công

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/tieng-keng-bao-dong-o-lang-nu-272514.htm