Tiếng máy giữa mùa thu tháng Tám
Cách đây 74 năm, dưới sự lãnh đạo của Ðảng, cả dân tộc triệu người như một, với khí thế như sấm rung chớp giật, nhất tề đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền, lật đổ chế độ phong kiến, đập tan xiềng xích áp bức của chế độ thực dân, mở ra kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Nối tiếp tinh thần đó, những ngày mùa thu lịch sử này, khắp các công trường, nhà máy đều hừng hực khí thế hăng say lao động sản xuất, góp phần tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế, xã hội của Thủ đô và đất nước.
Phát huy khí thế của Cách mạng tháng Tám
Hòa chung không khí chào mừng 74 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, công nhân lao động tại khắp các công trường, nhà xưởng đều hừng hực khí thế lao động sản xuất, góp phần tích cực hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu kinh doanh của đơn vị. Anh Nguyễn Văn Thắng, công nhân Công ty Yamaha Motor chia sẻ: “Những ngày mùa thu tháng Tám này, đi khắp các tuyến phố của Thủ đô đều thấy rợp cờ hoa, băng rôn, khẩu hiệu chào mừng Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, trong lòng chúng tôi cũng thấy rộn ràng và tràn ngập niềm vui, niềm tự hào.
Có lẽ, không chỉ bản thân tôi mà với nhiều công nhân lao động khác đã biến niềm vui, niềm tự hào đó bằng những hành động cụ thể, đó là tập trung làm việc, tăng năng suất lao động và tích cực tìm tòi, nghiên cứu, phát huy các sáng kiến sáng tạo có giá trị làm lợi cho công ty…”
“Minh chứng cho thấy, tại phân xưởng nơi tôi đang làm việc, công nhân lao động rất hăng say lao động sản xuất, tinh thần luôn phấn chấn, hồ hởi và sẵn sàng với những nhiệm vụ được phân công. Mỗi công nhân phụ trách một công đoạn trong cả dây chuyền sản xuất đều tập trung cao độ, phối hợp nhịp nhàng trong công việc, tạo ra những sản phẩm hoàn thiện, đẹp về mẫu mã và đảm bảo chất lượng, hạn chế tối đa sản phẩm hỏng, lỗi.
Không chỉ tập trung làm việc, nâng cao năng suất lao động, công nhân chúng tôi còn tích cực tham gia các hoạt động, phong trào do Công đoàn và công ty tổ chức như các phong trào thể dục thể thao hay hoạt động thi đua trong toàn công ty với chủ đề “Yamaha trong trái tim tôi” nhằm mục tiêu thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu: Nâng cao năng suất 5%; nâng cao chất lượng sản phẩm đạt 99% sản phẩm đạt thẳng không qua công đoạn sửa chữa; đảm bảo không để xảy ra tai nạn lao động và tai nạn giao thông trên đường đi làm của toàn bộ công nhân viên trong công ty…” – anh Thắng bày tỏ.
Tại Công ty linh kiện điện tử SEI, những ngày này không khí hăng say lao động cũng ngập tràn khắp các phân xưởng và hiện rõ trên gương mặt mỗi công nhân. Đặc thù công việc là sản xuất các linh kiện điện tử, nhiều chi tiết nhỏ, đòi hỏi sự cẩn thận, tỉ mỉ và tỉnh táo khi làm việc để hạn chế những sai sót. Tuy nhiên, những đòi hỏi đó dường như không còn làm khó người lao động, bởi ai cũng trong tâm thế phấn khởi và tập trung cao độ trong công việc. Chị Vũ Thùy Linh, công nhân Công ty linh kiện điện tử SEI chia sẻ: “Đã 7 năm tôi làm việc tại công ty, năm nào cũng vậy, cứ vào khoảng thời gian này, khi cả nước rộn ràng không khí chào mừng Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9 là tinh thần tôi lại cảm thấy phấn chấn hơn, hiệu quả công việc nâng lên rõ rệt.
Chúng tôi cảm thấy thực sự tự hào khi trong thời kỳ kháng chiến, vai trò của lực lượng công nhân được thể hiện bởi những cuộc đấu tranh kiên trì, bền bỉ và rực lửa, đóng góp quan trọng cho thắng lợi của cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc. Còn trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngày nay, công nhân lao động lại hăng hái thi đua lao động sản xuất, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật để nâng cao hiệu quả lao động, góp phần vào sự phát triển bền vững của doanh nghiệp nói riêng và công cuộc phát triển kinh tế, xã hội của Thủ đô và đất nước nói chung.”
Ra sức hăng say lao động
“Những ngày mùa thu tháng Tám này, đi khắp các tuyến phố của Thủ đô đều thấy rợp cờ hoa, băng rôn, khẩu hiệu chào mừng Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, trong lòng chúng tôi cũng thấy rộn ràng và tràn ngập niềm vui, niềm tự hào.
Có lẽ, không chỉ bản thân tôi mà với nhiều công nhân lao động khác đã biến niềm vui, niềm tự hào đó bằng những hành động cụ thể, đó là tập trung làm việc, tăng năng suất lao động và tích cực tìm tòi, nghiên cứu, phát huy các sáng kiến sáng tạo có giá trị làm lợi cho công ty… Minh chứng cho thấy, tại phân xưởng nơi tôi đang làm việc, công nhân lao động rất hăng say làm việc, tinh thần luôn phấn chấn, hồ hởi và sẵn sàng với những nhiệm vụ được phân công.
Mỗi công nhân phụ trách một công đoạn trong cả dây chuyền sản xuất đều tập trung cao độ, phối hợp nhịp nhàng trong công việc, tạo ra những sản phẩm hoàn thiện, đẹp về mẫu mã và đảm bảo chất lượng, hạn chế tối đa sản phẩm hỏng, lỗi” - anh Nguyễn Văn Thắng, công nhân Công ty Yamaha Motor chia sẻ.
Khí thế của Cách mạng tháng Tám đang ngày ngày lan ngấm, thấm tràn trong huyết quản của hàng triệu công nhân lao động và rồi được hiện thực hóa bằng việc công nhân hăng hái tham gia các phong trào thi đua yêu nước, nhất là thi đua lao động giỏi, thi đua phấn đấu trở thành công nhân giỏi, thi đua phát huy sáng kiến, sáng tạo, thực hành tiết kiệm… Qua đó, khẳng định vai trò tiên phong, xung kích của lực lượng công nhân trong công cuộc xây dựng và phát triển Thủ đô, đất nước. Thực tế cho thấy, những năm qua, công nhân lao động trên địa bàn Thủ đô đã phát huy hàng vạn sáng kiến cải tiến được áp dụng vào sản xuất và công tác.
Các phong trào thi đua trong công nhân lao động Thủ đô cũng đã góp phần tích cực giúp doanh nghiệp phát huy nội lực, nâng cao năng suất, chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh thời kỳ hội nhập. Đồng thời, các phong trào thi đua cũng đã trở thành nguồn động viên, cổ vũ công nhân lao động tích cực lao động sản xuất, nghiên cứu sáng tạo, góp phần nâng cao đời sống, thu nhập, thiết thực đóng góp vào sự phát triển chung của Thủ đô, đất nước. Qua rèn đức, luyện tài, mỗi năm, có hàng chục ngàn công nhân lao đông trực tiếp đã trở thành công nhân giỏi, gương sáng kiến sáng tạo các cấp.
Chủ tịch Công đoàn các Khu Công nghiệp và Chế xuất Hà Nội Đinh Quốc Toản cho biết, hưởng ứng các phong trào thi đua do Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội phát động, thời gian qua, Công đoàn các Khu Công nghiệp và Chế xuất thường xuyên tổ chức các phong trào thi đua trong công nhân lao động như: Hội thi “Thợ giỏi ngành cơ khí”, hội thi “Bàn tay vàng”, các phong trào thi đua như “Lao động giỏi”, “Lao động sáng tạo”, phong trào thi đua phấn đấu đạt danh hiệu “Công nhân giỏi”, “Sáng kiến, sáng tạo” Thủ đô…
Các hội thi, phong trào thi đua là động lực quan trọng để khơi dậy tinh thần lao động sáng tạo, ý thức trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao trong công nhân lao động, góp phần tăng năng suất lao động, giảm hàng lỗi hàng hỏng, cải tiến mẫu mã, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định, phát triển sản xuất kinh doanh.
Ngoài ra, các Công đoàn cơ sở trực thuộc Công đoàn các Khu Công nghiệp và Chế xuất Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ với người sử dụng lao động tổ chức Hội thi ôn lý thuyết, luyện tay nghề, thi thợ giỏi, hội thi bàn tay vàng đem lại hiệu quả thiết thực. Điển hình như: Hội thi Casting (tay nghề đúc), hội thi tay nghề phun men của Công ty TNHH Toto Việt Nam; Hội thi Olympic kỹ năng sản xuất dây Wire Harness của Công ty TNHH Hệ thống dây Sumi Hanel; Hội thi Công nhân đa công đoạn (nghệ nhân), Hội thi Lắp ráp máy in văn phòng của Công ty TNHH Canon Việt Nam, Công ty TNHH SWCC Showa Việt Nam, Công ty TNHH Linh kiện điện tử Sei Việt Nam, Doanh nghiệp chế xuất Nitori Việt Nam... phát động phong trào thi đua “Sáng kiến, sáng tạo”, chung tay cải tiến, trong lao động sản xuất. Tại nhiều doanh nghiệp, người sử dụng lao động đã chủ động cùng với công đoàn tạo điều kiện về cơ sở vật chất, hỗ trợ kinh phí khen thưởng và đưa tiêu chí công nhân giỏi, sáng kiến, sáng tạo vào quy chế xét nâng lương trước thời hạn cho người đạt thành tích cao.
Anh Nguyễn Tiến Thành, công nhân Công ty Yamaha Motor chia sẻ: “Công nhân lao động chúng tôi luôn hào hứng, nhiệt tình tham gia các hội thi tay nghề do các cấp Công đoàn phối hợp với chuyên môn tổ chức. Bởi đó chính là cơ hội để công nhân lao động ôn lý thuyết, luyện tay nghề, tăng cường giao lưu, học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công việc. Nhiều năm liền, tôi được Ban lãnh đạo công ty tin tưởng, cử đại diện cho công nhân của công ty tham gia Hội thi Thợ giỏi ngành cơ khí trong công nhân lao động các Khu Công nghiệp và Chế xuất Hà Nội.
Hội thi chính là một sân chơi lành mạnh mà tổ chức Công đoàn đã tạo ra để công nhân lao động chúng tôi có cơ hội giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm và tiếp cận với những máy móc, thiết bị mới để nâng cao tay nghề, ứng dụng có hiệu quả vào quá trình lao động sản xuất. Sau mỗi lần tham gia hội thi, nhưng tôi đều chia sẻ với đồng nghiệp ở công ty những cái hay, cái mới, những phương pháp mới đúc kết được trong quá trình tham gia Hội thi để cùng nhau nâng cao tay nghề, tăng năng suất lao động và lợi nhuận cho công ty.”
Anh Nguyễn Văn Kỳ, công nhân Công ty TNHH Toto Việt Nam cũng cho biết: “Ngay từ khi mới vào Công ty TNHH Toto Việt Nam làm việc, tôi đã ấp ủ mục tiêu trở thành công nhân giỏi nên trong quá trình làm việc tôi luôn nỗ lực tìm tòi, học hỏi, trau dồi kiến thức, kỹ năng để nâng cao tay nghề. Bên cạnh đó, tôi đã được tham gia các phong trào thi đua do các cấp Công đoàn tổ chức, qua đó tạo có hội để công nhân lao động chúng tôi được học hỏi, trau dồi và nâng cao kỹ năng tay nghề, góp phần thúc đẩy doanh nghiệp phát triển bền vững và tăng thu nhập cho bản thân.
Trưởng thành từng ngày từ những nỗ lực của bản thân và qua các phong trào thi đua do các cấp Công đoàn tổ chức, năm 2017, tôi đã vinh dự được tham gia cuộc thi tay nghề đúc Toto toàn cầu được tổ chức tại Nhật Bản và đã xuất sắc đạt giải “Người thợ vàng nghề đúc”. Đồng thời, được Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội tuyên dương là Công nhân giỏi Thủ đô năm 2018. Những thành tích đã đạt được chính là động lực thúc đẩy tôi cố gắng hơn nữa trong công việc để không ngừng tăng năng suất lao động, góp phần tích cực vào sự phát triển của công ty.”
Không chỉ tích cực tham gia các phong trào thi đua để ôn lý thuyết, luyện tay nghề, nâng cao trình độ chuyên môn, nhiều công nhân lao động còn chủ động tìm tòi, sáng tạo, cải tiến máy móc để tăng năng suất lao động. Nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật của công nhân lao động có giá trị làm lợi lớn đã góp phần giúp giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận kinh doanh. Anh Nguyễn Hữu Thọ, Tổ trưởng tổ trực sửa chữa, phân xưởng Cơ điện của Công ty cổ phần Cơ khí Đông Anh LICOGI chia sẻ: “Trong công việc, tôi luôn chủ động tìm tòi, học hỏi để nâng cao trình độ chuyên môn, động viên công nhân trong tổ tìm tòi, phát huy các sáng kiến cải tiến nâng cao hiệu quả sản xuất, góp phần tiết kiệm vật tư chi phí sản xuất.
Bằng năng lực của bản thân và sự hỗ trợ, giúp đỡ, tạo điều kiện của Ban lãnh đạo công ty và của đồng nghiệp trong phân xưởng, tôi đã ghi dấu những đóng góp của mình cho công ty bằng những sáng kiến cải tiến kỹ thuật có giá trị làm lợi cao. Đơn cử như sáng kiến phục hồi cần gạt hệ thống điều khiển máy làm khuôn Disamatic giúp cho máy chạy ổn định, đáp ứng tiến độ sản xuất công ty, đặc biệt là công ty không phải nhập ngoại thêm 01 bộ cần CL, tiết kiệm cả trăm triệu đồng.”
Để có thể đáp ứng được yêu cầu của công việc chuyên môn, trong suốt quá trình làm việc, anh Hoàng Văn Hợp, Tổ trưởng gia công cơ khí Công ty TNHH Bê tông đúc sẵn và Cơ khí Bình Dương đã luôn tự giác trong công việc và nỗ lực, cố gắng hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao. Bên cạnh đó, anh luôn chủ động, tích cực tìm tòi, học hỏi, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Anh Hợp chia sẻ: “Với những nỗ lực của mình, trong thời gian làm việc tại công ty, tôi đã có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật được Hội đồng sáng kiến của Công ty xét công nhận đề nghị Giám đốc công ty khen thưởng. Đặc biệt, tôi cùng với đồng nghiệp trong tổ đã có sáng kiến tự chế tạo chày cối dập bích cọc tròn ly tâm, thay thế cho quy trình cắt vòng tròn bích bằng máy cắt hơi. Sáng kiến này đã có giá trị làm lợi hàng trăm triệu đồng cho công ty.”
Chia sẻ về những ý tưởng, sáng kiến cải tiến kỹ thuật của mình với niềm đam mê và sự hào hứng, anh Hợp cho biết, trước hết đó là nhiệm vụ của một người công nhân kỹ thuật, đồng thời, trong quá trình trực tiếp sản xuất, nhận thấy nhiều công đoạn trong dây chuyền sản xuất của công ty có thể ứng dụng khoa học kỹ thuật để thay thế giúp giảm sức lao động của con người và tiết kiệm chi phí cho công ty.
Từ đó, anh vận dụng những kiến thức chuyên ngành đã được học, những kiến thức học được từ đồng nghiệp, mạng Internet và kinh nghiệm đã tích lũy trong nhiều năm làm việc. Đồng thời, được sự hỗ trợ, tạo điều kiện của Ban lãnh đạo và sự giúp đỡ của đồng nghiệp, anh Hợp đã bắt tay vào thực hiện cải tiến thành công nhiều loại máy móc. “Với tôi, sáng tạo, cải tiến máy móc chính là một niềm đam mê, mỗi một sáng kiến cải tiến thành công như một đứa con tinh thần và là động lực to lớn giúp tôi cố gắng hơn nữa để ngày càng có nhiều đóng góp cho công ty” – anh Hợp chia sẻ.
Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/tieng-may-giua-mua-thu-thang-tam-95835.html