Tiếp sức cho hành trình chuyển dịch năng lượng của Đông Nam Á

Đổi mới sáng tạo đã giúp những chiếc xe tuk-tuk chạy được bằng điện, bớt ồn và sạch sẽ. Hy vọng câu chuyện đó sẽ được nhân rộng thêm nữa trên chặng đường dài hướng tới cân bằng phát thải tại Đông Nam Á, chuyên gia HSBC kỳ vọng.

Năng lượng tái tạo hiện là lựa chọn hiệu quả nhất

Trong nghiên cứu với tiêu đề “Tiếp sức cho hành trình chuyển dịch năng lượng của Đông Nam Á” do HSBC công bố ngày 20/8, chia sẻ về vấn đề chuyển dịch năng lượng trong khu vực, những nút thắt cần tháo gỡ và sự tham gia của ngành tài chính nhằm tiếp sức cho hành trình này, ông Surendra Rosha, đồng Tổng giám đốc HSBC châu Á - Thái Bình Dương nhận định, các mẫu xe mới chạy bằng điện đang nhanh chóng trở nên phổ biến ở một số nước Đông Nam Á vốn có truyền thống dùng xe 3 bánh.

Điện đã sẵn sàng trở thành nguồn năng lượng thay thế cho nhiên liệu hóa thạch sử dụng trên xe ô tô, xe buýt và nồi hơi trong sản xuất hàng hóa. Theo ông Surendra Rosha, với nền kinh tế năng động, khu vực Đông Nam Á khiến các chuyên gia phân tích dự báo năng lượng tiêu thụ hàng năm của khu vực này có thể tăng gấp ba lần trong 3 thập kỷ từ nay tới năm 2050.

Xét dưới góc độ chi phí và mức độ sạch, chuyên gia HSBC cho rằng, năng lượng tái tạo hiện là lựa chọn hiệu quả nhất nhằm đáp ứng nhu cầu không ngừng gia tăng này. Khi tách bạch được tăng trưởng kinh tế với phát thải carbon, ASEAN sẽ theo đuổi lộ trình giống như các nền kinh tế đã phát triển, chẳng hạn như Mỹ đã chứng kiến GDP tăng hơn gấp đôi kể từ năm 1990 ngay cả khi phát thải đã giảm.

Hợp tác công - tư có thể thúc đẩy nguồn vốn cần thiết

Để ASEAN có thể đạt được cân bằng phát thải, năng lượng tạo ra từ nguồn tái tạo của khu vực phải tăng gần gấp ba vào cuối thập kỷ này. Đưa nguồn điện sạch đó vào lưới điện có thể giúp Đông Nam Á cắt giảm mạnh mẽ lượng phát thải trước năm 2030.

Theo sau đó, sự tiến bộ của công nghệ năng lượng sạch và chi phí cạnh tranh sẽ thúc đẩy giảm phát thải nhanh chóng hơn trong các ngành khó chuyển dịch như sản xuất thép hay hàng không, chuyên gia HSBC phân tích.

Tuy nhiên, theo ông Surendra Rosha, muốn đạt được tốc độ nhanh chóng đó đòi hỏi phải có sự hợp tác. Tăng cường hợp tác có thể giúp mở rộng quy mô năng lượng tái tạo, dẫn nguồn vốn đến các ngành thực sự cần nhất và giải quyết thách thức về than đá.

Chuyên gia HSBC nêu 3 lý do để lạc quan trên chặng đường dài hướng tới cân bằng phát thải ASEAN:

Thứ nhất, ASEAN có tiềm năng khổng lồ về năng lượng mặt trời và điện gió. Tuy nhiên, triển khai thêm nhiều dự án tái tạo mới với công suất cao gấp nhiều lần hiện tại sẽ cần nguồn vốn không hề nhỏ.

Theo chuyên gia HSBC, các nhà làm chính sách có thể hỗ trợ tháo gỡ nút thắt này bằng cách xây dựng danh mục các dự án đủ khả năng tiếp cận tín dụng ngân hàng nhằm tạo điều kiện và thúc đẩy tiến độ triển khai của nguồn vốn từ khu vực tư nhân.

Thứ hai, chính sách công có thể tăng quy mô cho các giải pháp tài chính mới. Điều này đồng nghĩa có thể triển khai mở rộng tài chính hỗn hợp kết hợp nguồn vốn từ khu vực công, chẳng hạn như các ngân hàng phát triển đa phương, với nguồn vốn từ khu vực tư gồm các định chế tài chính.

Hiện nay, hệ thống bơm vốn để hỗ trợ cho hướng đi này vẫn chưa thực sự hoàn thiện. Theo HSBC, việc thiết lập hợp đồng mẫu trong mảng điện gió, điện mặt trời hoặc hình thái năng lượng tái tạo khác có thể tạo ra sự thống nhất và mang lại khả năng so sánh giữa các dự án nhằm giúp các ngân hàng đánh giá rủi ro.

Thứ ba, ASEAN có thể giải quyết thử thách về than đá thông qua hợp tác. Hiện tại, khoảng 450 nhà máy nhiệt điện than, có tuổi thọ hoạt động lâu năm, đang phục vụ hầu hết nhu cầu năng lượng cho Đông Nam Á.

Chuyên gia HSBC cho rằng, cần tìm cách để cho những nhà máy này "nghỉ hưu non" và thay thế bằng năng lượng tái tạo để có thể đạt được các mục tiêu cân bằng phát thải.

Thỏa thuận Hợp tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETP) ở Indonesia và Việt Nam là những ví dụ đầy hứa hẹn. Những thỏa thuận tài chính đa phương như vậy kết nối các quốc gia G7 với các định chế tài chính cũng như chính phủ các nước cùng hướng tới mục tiêu tăng tốc quá trình giảm dần than đá như một phần của kế hoạch chuyển dịch năng lượng nói chung.

Thử thách chung tại thời điểm này là làm sao biến ý tưởng thành giao dịch thực tế và giải pháp đưa ra cần có khả năng mở rộng để khu vực công có thể tham gia và khu vực tư có thể cung cấp vốn.

"Điểm mấu chốt là khả năng được cấp tín dụng và nhân rộng, chỉ có thể đạt được thông qua tăng cường hợp tác giữa hai khu vực công và tư. Hợp tác có thể thúc đẩy nguồn vốn cần thiết trở nên dồi dào với chi phí hợp lý và quy mô lớn trên khắp ASEAN," chuyên gia HSBC nhấn mạnh.

KIỀU CHINH

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/tiep-suc-cho-hanh-trinh-chuyen-dich-nang-luong-cua-dong-nam-a-32571.html