Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo

Năm học 2022-2023, ngành giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh chủ động, tích cực chuyển sang trạng thái bình thường mới theo phương châm 'Đoàn kết kỷ cương, chủ động, sáng tạo, kiên trì mục tiêu chất lượng giáo dục'. Trong đó, ngành giáo dục tập trung triển khai chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, tăng cường chuyển đổi số, đẩy mạnh hội nhập quốc tế trong giáo dục… để nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng tình hình mới.

Học sinh tiểu học trải nghiệm tại Trung tâm giáo dục STEAMZone trực thuộc Công viên phần mềm Quang Trung, Thành phố Hồ Chí Minh.

Học sinh tiểu học trải nghiệm tại Trung tâm giáo dục STEAMZone trực thuộc Công viên phần mềm Quang Trung, Thành phố Hồ Chí Minh.

Với truyền thống năng động, sáng tạo, tích cực đổi mới của đội ngũ cán bộ quản lý, tập thể giáo viên, ngành giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh đã vượt qua một năm học 2021-2022 rất đặc biệt, nhiều khó khăn, thử thách để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Thành công này đến từ nỗ lực kiên định thực hiện quá trình đổi mới căn bản, toàn diện mà ngành giáo dục thành phố đã sớm tiên phong triển khai. Các trường được giao tự chủ, nhiều năm mạnh dạn chủ động xây dựng và thực hiện kế hoạch chuyên môn, tích cực đổi mới hình thức, phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá, nhất là trong ứng dụng công nghệ thông tin đã giúp toàn ngành sớm thích nghi với những thay đổi khi buộc phải điều chỉnh hình thức tổ chức dạy học, chuyển sang hình thức dạy học trực tuyến do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Trong các kỳ thi Olympic quốc tế năm học vừa qua, học sinh thành phố đoạt các giải cao như: một Huy chương vàng Olympic Hóa học quốc tế, một Huy chương bạc Olympic Toán học quốc tế. Kỳ thi nghiên cứu khoa học quốc tế GENIUS OLYMPIAD, đoàn thành phố đã xuất sắc đạt thành tích ba Huy chương vàng, bốn Huy chương bạc, sáu Huy chương đồng. Tại kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia, thành phố đã đoạt 115 giải gồm 10 giải Nhất, 23 giải Nhì, 39 giải Ba...

Đánh giá về kết quả hoạt động của ngành giáo dục thành phố năm 2021-2022, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh: Ngành giáo dục và đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đã vượt qua một năm học rất đặc biệt, nhiều khó khăn, thử thách trong đại dịch Covid-19 để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, tiếp tục giữ vững chất lượng giáo dục, chuẩn bị mọi điều kiện để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Một trong các điểm nổi bật là tích cực chủ động trong đổi mới dạy học ngoại ngữ, chủ động phát triển loại hình tăng cường tiếng Anh và đưa việc dạy học Toán và khoa học bằng tiếng Anh vào thực hiện. Thành tích sáu năm liền dẫn đầu cả nước về môn tiếng Anh trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia với số điểm bình quân khá cao so với bình quân chung của cả nước đã phần nào minh chứng hiệu quả việc dạy tiếng Anh của thành phố.

Trên cơ sở những bài học kinh nghiệm và kết quả đạt được trong năm học vừa qua, năm học 2022-2023, toàn ngành giáo dục thành phố tập trung triển khai đồng bộ 14 nhiệm vụ, trong đó, chú trọng triển khai chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 đối với lớp 3, lớp 7, lớp 10; tăng cường chuyển đổi số, đẩy mạnh cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin; đổi mới công tác tuyển dụng, tạo điều kiện cho các nhà giáo, chuyên gia nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài tham gia giảng dạy tại các trường học trên địa bàn thành phố…

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Hiếu cho biết: Cần chú trọng đổi mới công tác quản lý, quản trị trường học theo hướng phát huy tính chủ động, linh hoạt của nhà trường và năng lực tự chủ, sáng tạo của tổ chuyên môn, giáo viên trong việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Khai thác, sử dụng sách giáo khoa, các nguồn học liệu, thiết bị dạy học hiệu quả, phù hợp thực tiễn, vận dụng linh hoạt các phương pháp, hình thức dạy học nhằm phát triển năng lực học sinh. Ngành giáo dục cũng tiếp tục mở rộng mô hình trường học chất lượng cao “trường tiên tiến, hội nhập quốc tế”, đẩy mạnh tiến độ, bảo đảm chất lượng công tác kiểm định chất lượng giáo dục và hoạt động tự đánh giá tại các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Hiếu, một trong những nhiệm vụ cần quan tâm là đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin. Đây là tiền đề quan trọng để dạy và học trực tuyến, trên truyền hình và phục vụ kiểm tra, đánh giá; đồng thời, triển khai có hiệu quả chính quyền điện tử trong ngành giáo dục, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ trí tuệ nhân tạo, thử nghiệm nền tảng dùng chung giải quyết một số thủ tục hành chính không dùng giấy tờ trong ngành giáo dục. Ngoài ra, ngành chú trọng phát triển các kho học liệu số, học liệu mở chia sẻ dùng chung gồm: bài giảng điện tử, bài giảng dạy trên truyền hình, học liệu số đa phương tiện, sách giáo khoa điện tử, phần mềm mô phỏng và các học liệu khác. Cùng với đó, ngành phát triển hệ thống ngân hàng câu hỏi trực tuyến cho tất cả các môn học của giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên; phát triển, ứng dụng nền tảng số dạy và học trực tuyến với các tính năng tiên tiến hỗ trợ học tập cá thể hóa và tăng cường trải nghiệm, kết nối nền tảng dạy học trực tuyến với nền tảng quản trị nhà trường… để thiết lập hệ sinh thái chuyển đổi số trong các cơ sở giáo dục.

Bài và ảnh: KHÁNH TRÌNH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tiep-tuc-doi-moi-nang-cao-chat-luong-dao-tao-post713845.html