Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức dân vận
Lời Tòa soạn: Nhân kỷ niệm 91 năm Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng (15/10/1930-15/10/2021) và 22 năm Ngày Dân vận của cả nước, phóng viên Báo Gia Lai điện tử có cuộc phỏng vấn đồng chí Võ Thanh Hùng-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy về một số kết quả nổi bật của ngành Dân vận tỉnh nhà thời gian qua, đặc biệt là vai trò của công tác dân vận trong phòng-chống dịch Covid-19.
* P.V: Đồng chí có thể khái quát đôi nét về vai trò, ý nghĩa công tác dân vận của Đảng?
- Đồng chí VÕ THANH HÙNG: Tháng 10-1999, nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tác phẩm “Dân vận”, theo đề nghị của Ban Dân vận Trung ương, Bộ Chính trị (khóa VIII) đã đồng ý lấy ngày 15-10-1930 làm Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng và chọn ngày 15-10 hàng năm là Ngày Dân vận của cả nước để đẩy mạnh việc học tập và thực hiện những lời dạy của Bác Hồ về công tác dân vận.
Trải qua 91 năm xây dựng và trưởng thành, công tác dân vận luôn là một bộ phận quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội tích cực đổi mới nội dung, phương thức vận động, phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, xây dựng và củng cố mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân; động viên Nhân dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước, phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh.
* P.V: Thời gian qua, công tác dân vận của tỉnh đã đạt được những kết quả nổi bật gì, thưa đồng chí?
- Đồng chí VÕ THANH HÙNG: Những năm qua, cấp ủy Đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị đã lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác dân vận đạt được những kết quả quan trọng, góp phần vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của tỉnh.
Các cấp ủy Đảng thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và ban hành nhiều văn bản thực hiện công tác dân vận, dân tộc, tôn giáo và quy chế dân chủ ở cơ sở; chỉ đạo triển khai nhiều biện pháp để phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh, xây dựng hệ thống chính trị, phòng-chống dịch Covid-19... Trong 5 năm qua, cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đơn vị đã tổ chức 591 cuộc tiếp xúc, đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với người dân; chỉ đạo thành lập và nhân rộng các mô hình: nông hội, dân vận khéo.
Các cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp đã kịp thời cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng về công tác dân vận bằng các quyết định, chương trình, kế hoạch, giải pháp cụ thể và tổ chức triển khai thực hiện. Hàng năm, UBND các cấp đều ban hành kế hoạch thực hiện công tác dân vận chính quyền, kế hoạch “Dân vận khéo” và kế hoạch đẩy mạnh việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Công tác cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính đã có những chuyển biến tích cực, trong đó chú trọng xây dựng và thực hiện quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ với phương châm “4 xin, 4 luôn”. Công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân được các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm túc, kịp thời.
Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức hoạt động nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động. Với phương châm “Hàng tuần có 4 ngày làm việc ở cơ quan, 1 ngày làm việc ở cơ sở”, MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội đã kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của quần chúng nhân dân, triển khai hiệu quả quy chế dân chủ ở cơ sở và thực hiện tốt công tác giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Giai đoạn 2015-2020, các đơn vị trong khối đã tổ chức 2.358 lượt giám sát tại các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp; 324 cuộc phản biện và 223 hội nghị phản biện với gần 1.500 lượt văn bản dự thảo được góp ý.
Các đơn vị lực lượng vũ trang đã chủ động tham gia củng cố hệ thống chính trị cơ sở, chung sức xây dựng nông thôn mới và giúp người dân phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, khắc phục hậu quả thiên tai… Riêng lực lượng Công an đã triển khai hơn 1.000 lượt “Diễn đàn Công an xã lắng nghe ý kiến Nhân dân”, xây dựng mô hình: “Tổ tuần tra nhân dân”, “Camera an ninh” và nhiều giải pháp nhằm đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
* P.V: Xin đồng chí cho biết, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, vai trò của công tác dân vận tỉnh nhà đã được phát huy ra sao?
- Đồng chí VÕ THANH HÙNG: Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã ban hành nhiều văn bản triển khai nội dung công tác phòng-chống dịch bệnh. Tiểu ban Dân vận thuộc Ban Chỉ đạo phòng-chống dịch Covid-19 tỉnh đã ban hành quy chế, kế hoạch hoạt động, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên.
Hệ thống dân vận, MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội các cấp thường xuyên bám sát cơ sở, nắm chắc tình hình, thực hiện “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt các quy định về phòng-chống dịch; cử cán bộ tham gia hỗ trợ cho tuyến đầu và các khu cách ly tập trung. Cùng với đó, các tổ Covid cộng đồng đã phát huy vai trò, trách nhiệm, sâu sát từng địa bàn, tham gia có hiệu quả vào công tác giám sát những trường hợp cách ly theo dõi tại nhà và truy vết trường hợp dịch tễ liên quan; thường xuyên thông tin, tuyên truyền để người dân biết và nghiêm túc chấp hành. Cũng thông qua công tác tuyên truyền, vận động đã có nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân ủng hộ tiền, hiện vật cho các chốt phòng-chống dịch, khu cách ly và đóng góp vào Quỹ vắc xin phòng Covid-19.
Đặc biệt, các ngành, địa phương đã kịp thời quan tâm, chăm lo, hỗ trợ và tạo điều kiện tốt nhất để hàng ngàn người dân trở về từ các tỉnh, thành phía Nam yên tâm chấp hành nghiêm các quy định về phòng-chống dịch.
* P.V: Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận trong tình hình mới, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã xác định những nhiệm vụ trọng tâm nào trong thời gian tới, thưa đồng chí?
- Đồng chí VÕ THANH HÙNG: Các cấp, các ngành cần ban hành văn bản cụ thể hóa, triển khai thực hiện Quyết định số 23-QĐ/TW ngày 30-7-2011 của Bộ Chính trị về việc ban hành quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị. Đồng thời, đẩy mạnh việc thực hiện các văn bản của Đảng, Nhà nước về công tác dân vận; không ngừng nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống chính trị và cán bộ, đảng viên đối với việc thực hiện công tác dân vận.
Cùng với đó, các cấp, các ngành thường xuyên bám sát cơ sở, kịp thời nắm bắt, giải quyết các vấn đề phát sinh và có chủ trương, biện pháp nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Tăng cường công tác dân vận của các cơ quan nhà nước, đẩy mạnh cải cách hành chính, đổi mới quản lý, điều hành của chính quyền các cấp theo hướng công khai, dân chủ, thân thiện và gần dân; giải quyết kịp thời các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân và những bức xúc của người dân.
Mặt khác, MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội, các hội đặc thù tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động hướng mạnh về cơ sở và xây dựng tổ chức ngày càng vững mạnh.
* P.V: Xin cảm ơn đồng chí!