Tiếp tục giảm từ 5 – 10% cả 3 tiêu chí tai nạn giao thông trong năm 2023
Sáng 9/2, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tổ chức Hội nghị tổng kết công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023.
Hội nghị được tổ chức trực tuyến đến 63 điểm cầu thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Đồng chí Nguyễn Văn Thắng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Bộ trưởng Bộ Giao thông – Vận tải chủ trì Hội nghị tại điểm cầu Trung ương.
Dự Hội nghị tại điểm cầu Trung ương có các đồng chí thành viên Ban An toàn giao thông Quốc gia; đại diện một số bộ, ngành Trung ương.
Dự Hội nghị tại điểm cầu Lào Cai có các đồng chí: Nguyễn Quốc Huy, Phó Trưởng ban An toàn giao thông tỉnh, Giám đốc Sở Giao thông vận tải – Xây dựng; thành viên Ban An toàn giao thông tỉnh; đại diện một số sở, ngành, địa phương.
Tai nạn giao thông giảm rất sâu so với năm 2019 (thời điểm trước khi xảy ra đại dịch Covid-19)
Năm 2022 cả nước diễn ra nhiều sự kiện văn hóa xã hội lớn quy mô lớn đã góp phần thúc đẩy hoạt động thương mại, du lịch và sự gia tăng mạnh mẽ của nhu cầu giao thông, cũng như số lượng phương tiện cá nhân tham gia giao thông, tạo áp lực lớn lên nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT). Mặc dù kết quả bảo đảm TTATGT so với năm 2021 chưa đạt chỉ tiêu đề ra, song so với cùng kỳ năm 2019 (trước thời điểm xảy ra đại dịch Covid - 19) tai nạn giao thông lại giảm rất sâu cả 3 tiêu chí: Giảm 6.216 vụ (-35,2%), giảm 1.246 người chết (-16,3%), giảm 5.841 người bị thương (-42,81%). Bên cạnh đó, số vụ ùn, tắc giao thông trên toàn quốc được kéo giảm sâu so với cùng kỳ năm 2021 sau khi triển khai thu phí không dừng trên phạm vi toàn quốc. Tình hình vi phạm về chở quá tải trọng xe tại các địa phương đã được xử lý và có chuyển biến tích cực.
Thông qua hoạt động tuần tra, kiểm soát, trong năm 2022 lực lượng cảnh sát giao thông cả nước đã xử lý 94.589 trường hợp vi phạm chở quá trọng tải hàng hóa, quá vạch dấu mớn nước an toàn; các trạm kiểm tra tải trọng đã tiến hành kiểm tra gần 90.000 xe, trong đó có trên 14.000 xe vi phạm, tước 2.244 giấy phép lái xe, xử phạt nộp kho bạc nhà nước 82,87 tỷ đồng. Về tai nạn giao thông, toàn quốc xảy ra 11.457 vụ, làm chết 6.397 người, bị thương 7.804 người. So với năm 2021, số vụ tai nạn giao thông giảm 38 vụ (-0,33%), tăng 598 người chết (10,31%), giảm 214 người bị thương (-2,67%). Nếu so sánh với năm 2019, số vụ tai nạn giao thông giảm 6.216 vụ (-35,2%), giảm 1.246 người chết (-16,3%), giảm 5.841 người bị thương (-42,81%).
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo đảm TTATGT trong năm 2022 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Kỳ vọng liên tục kéo giảm tai nạn giao thông qua các năm thì năm 2022 chưa đạt yêu cầu đề ra; vẫn xảy ra một số vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng; vi phạm về hành lang an toàn giao thông đường sắt chưa được xử lý kịp thời; tình trạng tụ tập, điều khiển xe thành đoàn, có dấu hiệu đua xe trái phép vẫn còn xảy ra tại một số địa phương; vẫn xảy ra một số vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng do lái xe vi phạm nồng độ cồn gây ra.
Nguyên nhân là đại dịch Covid -19 được kiểm soát, nhiều địa phương đã thực hiện kích cầu kinh tế, hoạt động thương mại, du lịch, vận tải sôi động hơn, dẫn đến số lượng phương tiện và người tham gia giao thông tăng cao; ý thức chấp hành các quy định pháp luật về TTATGT của một bộ phận người tham gia giao thông, lái xe và chủ doanh nghiệp còn yếu kém; có nơi, có chỗ hiệu lực thực thi pháp luật về TTATGT còn hạn chế; cấp ủy, chính quyền và lực lượng chức năng ở một số địa phương có nơi, có lúc còn chưa quyết liệt trong chỉ đạo và thực hiện nhiệm vụ bảo đảm TTATGT.
Triển khai quyết liệt nhiều giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông
Năm 2023, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã tổng hợp, xây dựng Kế hoạch Năm an toàn giao thông 2023 với chủ đề “Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn” đặt ra 3 mục tiêu: Nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật và xây dựng văn hóa giao thông an toàn; tiếp tục giảm tai nạn giao thông từ 5-10% cả về số vụ, số người chết và số người bị thương; khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông trên các trục giao thông chính.
Tại hội nghị, đại diện một số bộ, ngành, địa phương đã phát biểu tham luận, tập trung vào một số giải pháp, bài học kinh nghiệm trong kiềm chế tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông; công tác tuyên truyền về đảm bảo TTATGT; nâng cao ý thức của người tham gia giao thông; công tác giảng dạy an toàn giao thông trong nhà trường các cấp học;…
Trên địa bàn tỉnh Lào Cai, trong năm 2022 các đơn vị, lực lượng xử lý 9.763 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, tước 2.568 giấy phép lái xe, tạm giữ 3.862 phương tiện, thu xử phạt 32,897 tỷ đồng... Tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh đã giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết, số người bị thương. Cụ thể, toàn tỉnh xảy ra 66 vụ tai nạn, làm chết 33 người, bị thương 63 người, so với cùng kỳ năm 2021 giảm 7 vụ (-10%), giảm 2 người chết (-6%), số người bị thương giảm 4 người (-6%).
Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Thắng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải biểu dương và đánh giá cao sự nỗ lực của các cấp, bộ, ngành, địa phương trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông năm 2022 và dịp Tết Nguyên đán Quý mão 2023.
Trong năm 2023, đồng chí Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải yêu cầu các cấp, ngành, địa phương cần tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Kết luận 45-KL/TW ngày 1/2/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 18 của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm TTATGT; áp dụng kịp thời các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào thực tiễn; bảo đảm tiến độ, chất lượng các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm; rà soát, xử lý dứt điểm các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông; xóa bỏ lối đi tự mở trái phép qua đường sắt; ngăn ngừa, xử lý hoạt động lấn chiếm tuyến luồng hàng hải, đường thủy nội địa; kiên trì xây dựng văn hóa giao thông an toàn; đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo đảm TTATGT theo hướng lấy thay đổi hành vi làm tiêu chí đánh giá kết quả; nâng cao năng lực cứu hộ, cứu nạn, cứu chữa nạn nhân và khắc phục hậu quả tai nạn giao thông;…